Mùa giải San Marino Grand Prix năm 1994 là một trong những ngày cuối tuần đen tối nhất lịch sử Công thức 1. Đã có những sự cố, những cái chết của các tài xế tay đua Roland Ratzenberger và Ayrton Senna. Ngày cuối tuần năm đó còn chứng kiến cú lao cực mạnh của Rubens Barrichello vào thẳng một hàng rào, khiến tay đua người Brazil bất tỉnh. Chặng đua đó cũng xảy ra vụ va chạm ở vạch xuất phát mà vì thế nhiều mảnh vỡ đã rơi xuống khán giả trên khán đài, khiến nhiều người bị thương. Chuyện đau buồn đã xảy ra, để từ đó, giải đua F1 đã dần được cải thiện.
San Marino Grand Prix là cuộc đua vô địch Công thức 1 được tổ chức tại Autodromo Enzo e Dino Ferrari ở thị trấn Imola, gần dãy núi Apennine ở Ý. Cũng không hẳn giải đua ở Imola khiến người ta phải suy nghĩ lại và cải tiến các biện pháp an toàn cho các tay đua. Thực tế, môn thể thao tốc độ này đã thay đổi nhiều trước khi sự kiện khủng khiếp cuối tuần đó xảy ra. Nhưng Imola khiến mọi thứ cấp bách hơn. 25 năm trôi qua, giải đua Formula One 2019, đã được định hình – theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - bởi sự kiện cuối tuần năm 1994 đó, và Formula One vẫn đang tiếp tục phát triển.
HANS - hệ thống thiết bị bảo vệ đầu và cổ các tay đua
Cái chết của Ratzenberger được cho là do gãy xương sọ. Ở môn thể thao tốc độ này, loại chấn thương đặc biệt “gãy xương sọ” đã cướp đi quá nhiều sinh mạng trong những năm cuối của thế kỷ 20. Bây giờ, nó gần như đã bị “xóa sổ” nhờ các thiết bị HANS. HANS, nghĩa là Head And Neck Support (Thiết bị Bảo vệ Đầu và Cổ), có nguồn gốc từ những năm 1980 nhưng đã được đưa vào sử dụng rộng rãi sau một loạt các ca tử vong nghiêm trọng. Ở F1, quá trình sử dụng HANS bắt đầu sau vụ tai nạn của tay đua Ratzenberger. Hôm nay, một tay đua xe ưu tú sẽ không bao giờ bước lên xe mà không có thiết bị HANS.
Nhớ ngày đầu tiên khi tay đua từng nhiều lần giành chức vô địch Jim Down đội bản mẫu thiết bị HANS, trông anh “cực kỳ lố bịch” chứ không hề “ngầu” chút nào. “Phải, mọi người đã chỉ trỏ vào tôi, cười và tự hỏi tôi đang đội cái gì. Tôi đoán, tôi trông như một gã ngốc nào đó”, anh nói. Downing đã phát triển thiết bị HANS cùng với anh rể, cố giáo sư Robert (Bob) Hubbard. Hubbard là một nhà nghiên cứu tai nạn và là chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực sinh cơ cột sống.
“Vấn đề thực sự chấn động vì những sự cố lớn và gãy xương sọ trong loạt tai nạn khủng khiếp”, Hubbard nhớ lại vào năm 2012, nhân kỷ niệm 25 năm nguyên mẫu HANS. “Roland Ratzenberger qua đời vì một vết nứt xương sọ. Tôi nghi ngờ Senna cũng bị gãy xương sọ. Gonzalo Rodríguez cũng ra đi giống như thế và sau đó là một số trường hợp tử vong trong NASCAR. Nó khiến mọi người nhận ra sự cần thiết của thiết bị”.
Trước nguy cơ tử vong tại giải đua Imola, kỹ sư nghiên cứu của Mercedes, Hubert Gramling - người đứng đầu nghiên cứu của Viện FIA - đã đưa HANS vào các nghiên cứu an toàn đua xe máy và thử nghiệm thiết bị rộng rãi trong giai đoạn 1996-1998. Và vào năm 2001, HANS đã được sự chấp thuận của FIA, đồng thời lần đầu tiên xuất hiện ở F1 vào năm 2002 và trở thành “bắt buộc” cho mùa giải 2003. Mặc dù không thể chứng minh được thành công của HANS, nhưng có thể thấy rằng tỷ lệ các tay đua bị tai nạn gãy xương sọ dần ít đi.
Như vậy, hệ thống HANS chính thức được áp dụng cho các cuộc đua Công thức Một từ năm 2003. Chính xác thì, hệ thống HANS là gì và cấu tạo như nào?
Hệ thống Hỗ trợ Đầu và Cổ (HANS) bao gồm một vòng đeo vai bằng sợi carbon được bảo vệ dưới dây an toàn của người lái và được kết nối với mũ bảo hiểm bằng hai dây đai đàn hồi. Trong trường hợp xảy ra tai nạn, HANS sẽ ngăn chặn đốt sống bị kéo dài và để ngăn đầu của lái xe đâm vào vô lăng.
Như trên đã nói, HANS được phát minh vào giữa những năm 1980 bởi Tiến sĩ Bob Hubbard, giáo sư kỹ thuật cơ khí sinh học tại Đại học bang Michigan ở Mỹ. Hệ thống này hoạt động theo nguyên tắc đơn giản. Trong trường hợp bị va chạm, dây đai mũ bảo hiểm điều khiển chuyển động đầu người lái xe, trong khi vòng đai sẽ hấp thụ và phân phối lại các lực – giúp giảm thương tích gãy cổ hoặc vỡ hộp sọ.
Ngoài ra, sau tai nạn lớn của Mika Hakkinen tại Adelaide năm 1995 (trong đó anh bị gãy xương sọ), FIA đã nghiên cứu để thiết lập cách tốt nhất bảo vệ đầu của các tay đua Công thức 1 trong những tác động lớn. Hệ thống an toàn chủ động và túi khí được xem xét, trước khi tập trung chuyển sang phát triển hệ thống HANS phù hợp cho đua F1.
Trong các thử nghiệm, HANS đã chứng minh giảm 44% chuyển động đầu trong một vụ tai nạn, giảm 86% lực tác dụng lên cổ - giúp tỷ lệ thương tích trong cả những vụ tác động lớn xuống dưới "ngưỡng chấn thương".
Thiết bị HANS hiện là một phần của bộ các biện pháp an toàn mà lái xe phải sử dụng. Ngoài HANS, bộ các biện pháp này còn có quần yếm chống cháy được thiết kế để chống lại mức nhiệt độ trên 800°C. Trong khi đó, mũ bảo hiểm của các tay đua cũng ngày càng cải tiến. Chẳng hạn, tiêu chuẩn mũ bảo hiểm mới năm 2019 phải có độ mở của tấm che giảm xuống 10 mm và vật liệu vỏ là một hỗn hợp mới. Các tay đua cũng đeo găng tay sinh trắc học cung cấp thông tin phản hồi về mức độ xung và oxy trong máu và máy đo gia tốc trong tai để đo các lực tác động lên đầu người lái.