Muốn loại bỏ những bất cập của xe động cơ đốt trong, đặc biệt là việc phải vận chuyển lượng lớn nhiên liệu qua những chặng đường dài, tuy nhiên quân đội Mỹ vẫn chưa thể quyết định chuyển hoàn toàn những cỗ máy như xe tăng hay xe bọc thép lớn sang dùng động cơ điện. Theo trang Popular Mechanics, quân đội phải cân nhắc rất kỹ giữa sự đánh đổi của động cơ đốt trong truyền thống với công nghệ EV đang phát triển. Mặc dù sự đánh đổi này mong muốn loại bỏ những nhược điểm của ICE, chẳng hạn như phải vận chuyển một lượng lớn nhiên liệu đến chiến trường. Tuy nhiên, các phương tiện bọc thép lớn hơn, đặc biệt là xe tăng, khó có thể “biến hình” chạy bằng điện sớm.
Trong ngày công nghệ do Quân đội Mỹ tài trợ gần đây, các nhà sản xuất đã giới thiệu công nghệ EV mới nhất của họ, bao gồm cả phiên bản chạy điện của Phương tiện Bộ binh mới mà GM Defense đã phát triển chỉ trong 12 tuần. Quân đội được cho là đang xem xét các phương tiện hybrid và một công nghệ mới giúp giảm mức tiêu thụ nhiên liệu khi chạy không tải, nhưng họ vẫn chưa sẵn sàng thực hiện bước chuyển sang chạy bằng điện. Các phương tiện chiến đấu bọc thép lớn hơn, nặng hơn chạy bằng điện thậm chí còn xa xôi hơn.
Quân đội Mỹ có khoảng 225.000 phương tiện đủ loại, từ Humvee đến xe tăng Abrams nặng 70 tấn. Tất cả các loại xe này đều sử dụng động cơ đốt trong, đáng tin cậy nhưng cũng tiêu tốn lượng nhiên liệu diesel và xăng rất lớn. Trong chiến trận, chỉ riêng một đơn vị xe bọc thép cũng có thể cần đến 500.000 gallon nhiên liệu mỗi ngày, và số nhiên liệu này thường phải vận chuyển bằng xe tải đến chiến trường xa hàng ngàn dặm.
Trong khi đó, xe điện đang giành được vị thế trước các đối thủ ICE. Vào năm 2020, xe điện chỉ chiếm 2,6% doanh số bán xe hơi toàn cầu, nhưng con số đó đã tăng 40% so với doanh số bán trước đó. Các quốc gia như Pháp sẽ loại bỏ động cơ đốt trong vào năm 2040, trong khi California và New York đang cấm hầu hết các động cơ ICE vào năm 2035. Ngày càng có nhiều khả năng tương lai thuộc về xe điện.
Nhưng lựa chọn giữa xe điện và xe động cơ đốt trong phức tạp hơn đối với quân đội. Với mục tiêu về những cỗ máy có động cơ hoạt động tốt nhất, mang lại khả năng di chuyển nhanh nhẹn nhất trên chiến trường, trong hơn một thế kỷ qua, xe động cơ đốt trong là trò chơi duy nhất. Quân đội đã học cách sống chung với những hạn chế của động cơ đốt trong, đặc biệt là nhu cầu vận chuyển nhiên liệu đến những nơi xa xôi trên thế giới. Các vấn đề khác bao gồm động cơ ồn ào và nhiên liệu có thể bốc cháy khi xe bị hư hỏng hoặc bị vô hiệu hóa, thường gây ra hậu quả chết người.
Trong khi đó, EV mang đến những khả năng hấp dẫn. Động cơ điện không yêu cầu nhiên liệu diesel và một đội xe chạy hoàn toàn bằng điện có thể khiến một trong những đường cung cấp nhiên liệu lớn nhất và dễ bị tổn thương nhất của quân đội đơn giản là không cần thiết nữa. Động cơ điện cũng hoạt động êm ái, giúp phương tiện ẩn náu dễ dàng hơn trên chiến trường. Và chúng không có một bể chứa chất lỏng dễ cháy có thể gây ra thiệt hại nặng nề hơn cho quân đội.
Nhưng, xe điện vẫn có những hạn chế khá lớn.
Một phương tiện chiến thuật hạng nhẹ chạy bằng động cơ diesel có thể được tiếp nhiên liệu trong vài phút, trong khi một phương tiện tương tự chạy bằng điện sẽ cần nhiều thời gian hơn để sạc đầy pin. Nhiên liệu đốt trong lỏng vẫn có tỷ lệ công suất trên trọng lượng cao hơn nhiều so với pin, có nghĩa là quân đội sẽ cần vận chuyển nhiều pin hơn so với nhiên liệu lỏng. Quân đội có thể sạc pin trong doanh trại, nhưng điều đó đòi hỏi một máy phát điện chạy bằng nhiên liệu diesel — hoặc năng lượng hạt nhân.
Quân đội Mỹ không thể có kế hoạch gắn bó mãi mãi với ICE, nhưng cũng chưa thể chuyển hoàn toàn sang EV vì những hạn chế về công nghệ là quá lớn. Nếu quân đội do dự và không chuyển đổi cùng với khu vực dân sự, họ sẽ phải trả giá cao hơn cho việc bảo trì và nhiên liệu. Hãy tưởng tượng, chi phí đó sẽ nhân lên 250.000 lần cho 250.000 phương tiện quân đội, sẽ thấy con số khổng lồ đến mức nào.