Bạn âm thầm hạnh phúc khi nghĩ rằng với chiếc Tesla Model 3 chạy điện mới mua, bạn sẽ góp phần bảo vệ và làm trong sạch môi trường sống.
Nhưng hãy cứ lái xe đi - vì bạn sẽ phải lái khoảng 21.725 km mới gọi là làm được chút gì đó đỡ tổn hại hơn cho môi trường.
Đó là kết quả phân tích dữ liệu của Reuters theo một mô hình tính toán lượng khí thải trong vòng đời của các phương tiện giao thông. Các chính phủ trên khắp thế giới đang tranh cãi kịch liệt về các phương thức thúc đẩy giao thông xanh để đáp ứng các mục tiêu khí hậu.
Mô hình này do Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne ở Chicago thực hiện, bao gồm hàng nghìn thông số từ loại kim loại trong pin xe điện (EV) đến lượng nhôm hoặc nhựa trong xe hơi.
Mô hình Khí nhà kính, Khí thải theo Quy định và Sử dụng Năng lượng trong Công nghệ (GREET) của Argonne hiện đang được sử dụng cùng với các công cụ khác để giúp hình thành chính sách tại Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) và Ban Tài nguyên Không khí California, hai cơ quan quản lý chính về lượng khí thải xe cộ ở Mỹ.
Tùy thuộc vào phương thức sản xuất điện
Jarod Cory Kelly, nhà phân tích hệ thống năng lượng chính tại Argonne, cho biết việc sản xuất ô tô điện tạo ra nhiều carbon hơn ô tô động cơ đốt, chủ yếu là do khai thác và xử lý khoáng chất trong pin EV và sản xuất pin điện.
Mức ước tính về khoảng cách carbon đó được tính khi một chiếc ô tô được bán ra lần đầu tiên và điểm "hòa vốn" đối với xe điện trong suốt thời gian tồn tại của chúng. Tất nhiên, những mức ước tính này có thể rất khác nhau, tùy thuộc vào các giả định.
Kelly cho biết thời gian hoàn vốn phụ thuộc vào các yếu tố như kích thước của pin EV, khả năng tiết kiệm nhiên liệu của xe chạy xăng và cách tạo ra năng lượng được sử dụng để sạc EV.
Kịch bản của chiếc Tesla 3 ở trên là dành cho việc lái xe ở Mỹ, nơi 23% điện năng đến từ các nhà máy đốt than, với pin 54 kilowatt giờ (kWh) và cathode làm bằng niken, coban và nhôm, cùng với các biến số khác.
Tuy nhiên, nếu chiếc xe Tesla đó được lái ở Na Uy, nơi hầu hết nguồn điện được sản xuất từ nguồn năng lượng tái chế thủy điện, mọi chuyện lại khác. Lúc này, sau khi chiếc xe chỉ cần chạy được khoảng hơn 13.500 km, nỗ lực bảo vệ môi trường bắt đầu phát huy tác dụng.
Nếu điện dùng để sạc cho xe điện hoàn toàn là nguồn điện được sản xuất từ than, chiếc xe phải chạy được hơn 126.000 km mới đạt được độ cân bằng về mức thải carbon so với các xe chạy xăng. Hiện nay, các nước như Trung Quốc và Ba Lan chủ yếu sản xuất điện từ việc đốt than.
Phân tích của Reuters cho thấy việc sản xuất một chiếc xe bán tải EV cỡ trung tạo ra 47 gam carbon dioxide (CO2) mỗi dặm trong quá trình khai thác và sản xuất, hoặc hơn 8,1 triệu gam trước khi nó đến tay khách hàng đầu tiên.
Để so sánh, một chiếc xe chạy xăng tương tự tạo ra 32 gam mỗi dặm, tương đương hơn 5,5 triệu gam.
Michael Wang, nhà khoa học cấp cao và là giám đốc Trung tâm Đánh giá Hệ thống tại bộ phận Hệ thống Năng lượng của Argonne, cho biết xe điện thường thải ra ít carbon hơn rất nhiều trong vòng 12 năm tuổi thọ.
Theo phân tích của Reuters, ngay cả trong trường hợp xấu nhất, một chiếc xe điện chỉ được sạc từ lưới điện đốt than, nó sẽ tạo ra thêm 4,1 triệu gam carbon mỗi năm trong khi một chiếc ô tô chạy xăng tương đương sẽ tạo ra hơn 4,6 triệu gam.
Kết quả phân tích của Reuters cũng tương tự như kết quả cuộc đánh giá vòng đời các loại xe chạy bằng điện và động cơ đốt trong ở châu Âu của nhóm nghiên cứu IHS Markit.
Nhà nghiên cứu Damien Ernst của Đại học Liege cho biết vào năm 2019 rằng một chiếc xe điện điển hình sẽ phải chạy trong khoảng 67.000 km đến 151.000 km, rồi mới đến lúc nó đóng góp tích cực cho môi trường, nghĩa là thải ra ít CO2 hơn một chiếc xe chạy xăng tương đương.
Một số nhóm khác cũng tiếp tục tranh luận rằng xe điện không nhất thiết sạch hơn hoặc xanh hơn xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Trong thực tế, câu chuyện xe điện góp phần làm sạch môi trường vẫn đang gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, có thể nhìn thấy xu thế xe điện đang rất mạnh mẽ trên toàn cầu, khi các chính phủ ra những chính sách nghiêm ngặt về lượng khí thải của phương tiện giao thông. Các hãng xe vì thế cũng dốc vốn và nguồn lực để nghiên cứu và phát triển xe điện.