Cùng với đó, theo tiết lộ của nguồn thạo tin với hãng tin Bloomberg, hãng xe Nhật sẽ tăng sản lượng xe tại Anh - nơi hãng tin sẽ tiêu thụ được 1/5 số xe sản xuất ra.
Nguồn tin cho hay kế hoạch dự phòng trên được Nissan vạch ra vào cuối năm ngoái, theo đó hãng sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất xe van và dừng hoàn toàn hoạt động sản xuất ở Pháp. Cũng theo kế hoạch này, nhà máy ở Nissan ở Sunderland, Anh sẽ tiếp tục là một phần trong nỗ lực của Nissan nhằm giành thị phần từ các đối thủ.
Một khi các hãng xe như Ford và Volkswagen sản xuất xe ở nước ngoài và nhập khẩu vào Anh bị áp thuế quan do Brexit cứng, giá xe của các hãng này sẽ tăng và xe Nissan sản xuất tại Anh sẽ có lợi thế cạnh tranh về giá cả. Nguồn tin nói Nissan tin rằng đó là cơ hội để hãng tăng thị phần tại Anh lên tới 20% từ mức 4% hiện nay.
Nguồn tin cho hay kế hoạch trên được Nissan vạch ra trước khi ông Makoto Uchida được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc (CEO) mới của Nissan.
Đây là một trong số những kịch bản mà Nissan đặt ra cho thời kỳ hậu Brexit. Nước Anh đã chính thức chấm dứt địa vị thành viên EU vào ngày 31/1 vừa qua, nhưng thời gian đến hết năm 2020 là thời kỳ chuyển giao trong đó London và Brussels sẽ đàm phán về quan hệ thương mại hậu Brexit. Nếu không có thỏa thuận thương mại nào đạt được giữa hai bên, nền kinh tế Anh và EU được cho là sẽ gánh chịu những hậu quả tồi tệ.
Giới phân tích cho rằng trong quá trình đàm phán chính thức bắt đầu từ tháng 3, EU sẽ ràng buộc quyền tiếp cận thị trường khối này với việc Anh phải sẵn sàng tuân thủ các quy định thương mại của khối. Trong khi đó, chấp nhận các quy định của EU là điều London không hề muốn.
Trước nay, Nissan vẫn đưa ra lập trường công khai là cả nhà máy của hãng ở Anh và hoạt động của hãng ở EU đều bị đe dọa nếu Anh không giữ được quyền tiếp cận phi thuế quan với thị trường EU. Cảnh báo này của Nissan đã dẫn tới lo ngại rằng hãng có thể sẽ buộc phải đóng cửa nhà máy ở Sunderland nếu Thủ tướng Anh Boris Johnson không đạt được một thỏa thuận với EU.
Nissan đã rót hơn 4 tỷ Bảng (5,3 tỷ USD) vào nhà máy Sunderland, cơ sở lớn nhất của hãng tại Anh với 6.000 nhân viên. Nguồn tin nói Nissan quyết tâm giữ nhà máy này cho dù xảy ra Brexit cứng khiến nhà máy phải từ bỏ mô hình dựa vào xuất khẩu sang thị trường EU.
Nhà máy Sunderland là nhà máy hoạt động hiệu quả nhất của Nissan tại thị trường nước ngoài. Nhà máy này hiện đang sản xuất 3 trong số 5 mẫu xe chủ chốt của Nissan, gồm Qashqai, Juke và Leaf.
Được trang bị công suất sản lượng 600.000 xe mỗi năm, nhưng nhà máy của Nissan ở Sunderland chỉ sản xuất 350.000 xe trong 2019, giảm 1/5 so với 2018. 80% số xe xuất xưởng từ nhà máy này trong năm ngoái được xuất khẩu.
Trong kịch bản Brexit cứng, khi Nissan ngừng sản xuất tại châu Âu và tập trung vào sản xuất tại Sunderland để nâng thị phần tại Anh, hãng tính nhà máy này sẽ cho ra 400.000 xe mỗi năm, theo nguồn tin.
Ý tưởng ngừng sản xuất xe tại đại lục châu Âu cho thấy vận mệnh của Nissan đã suy giảm nghiêm trọng tới mức nào ở thị trường này. Trong 2019, doanh số của Nissan tại thị trường EU giảm 17%, còn 567.000 xe. Hầu hết các mảng hoạt động của Nissan tại châu Âu đều báo lỗ, chủ yếu do sự suy giảm nhu cầu xe chạy dầu diesel.
Không chỉ Nissan mà một số hãng xe khác cũng đã phát tín hiệu tăng hiện diện tại thị trường Anh nếu Brexit cứng xảy ra. CEO Carlos Tavares của PSA - hãng sở hữu thương hiệu Peugeot - trong trường hợp Brexit cứng, hãng sẽ tăng hiện diện tại Anh bằng cách tăng sản lượng xe tại nhà máy Cheshire.