Ngoài ra, chi phí tốn kém trong bối cảnh doanh số đi xuống cũng là một lý do đằng sau quyết định này.
Một phát ngôn viên của tập đoàn BMW tuyên bố hãng đã quyết định tiếp tục sử dụng nền tảng xe hiện tại của Mini, vì lý do chi phí và Brexit.
Không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch của các hãng xe toàn cầu như BMW, bấp bênh Brexit còn đang đe dọa công nghiệp ô tô Anh. Trước khi Anh chấm dứt địa vị thành viên EU, các hãng sản xuất ô tô của xứ sương mù đã cảnh báo rằng cần phải có một thỏa thuận tự do thương mại Anh-EU để ngành công nghiệp ô tô nước này tiếp tục đầu tư, ngăn chặn sự sụt giảm sản lượng xe.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất và thương mại ô tô Anh (SMMT), sản lượng ô tô tại Anh trong năm 2019 giảm 14% so với 2018, còn 1,3 triệu xe, mức thấp nhất trong 1 thập niên. Tổ chức này dự báo sản lượng ô tô tại Anh sẽ giảm thêm 2,3% trong 2020, còn 1,27 triệu xe.
Tương lai của công nghiệp ô tô Anh sẽ bị đe dọa nếu nước này không đạt được một thỏa thuận tự do thương mại với EU, đồng nghĩa với việc thuế quan sẽ được áp lên ô tô và linh kiện. Khoảng 55% xe hơi sản xuất tại Anh được xuất khẩu sang thị trường EU và những xe này sử dụng nhiều linh kiện thường di chuyển nhiều lần qua biên giới giữa hai bên trước khi được đưa vào quy trình lắp ráp.
Về phần mình, BMW đã phát triển 3 thế hệ Mini kể từ khi hãng mua lại thương hiệu xe này từ Rover Group vào năm 1994. Cứ 6 năm một lần BMW lại lên một bản Mini mới. Bản xe Mini hiện nay đã có mặt trên thị trường từ năm 2014 và dựa trên công nghệ nền tảng xe có tên UKL1 của BMW.
“Việc sử dụng nền tảng xe này sẽ tiếp tục, vì lý do chi phí và vì Brexit”, người phát ngôn Maximilian Schoeberl của BMW cho hay.
Cũng giống như các hãng xe khác, BMW đang đối mặt sức ép tài chính khi phải đầu tư lớn để phát triển những công nghệ mới như xe chạy điện, xe hybrid và xe kết nối. Ngoài ra, những mẫu xe nhỏ gọn phù hợp đô thị, sử dụng động cơ đốt trong đang trong thời kỳ đi xuống vì người tiêu dùng ưa chuộng hơn các mẫu xe lớn như SUV.
Bên cạnh đó, các quy định khí thải thắt chặt cũng buộc các hãng xe phải chi những khoản lớn để cải thiện hệ thống khí thải xe. Các quy định mới về khí thải và sức ép chi phí đã buộc Opel và Vauxhall dừng sản xuất các mẫu Adam và Karl.
Doanh số Mini giảm 4,1% trong 2019, còn 346.639 xe. Riêng trong tháng 12, lượng xe Mini được đăng ký mới giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.
Hồi tháng 3, BMW tuyên bố có kế hoạch cắt giảm 12 tỷ Euro (13,3 tỷ USD) chi phí trong thời gian đến năm 2022. Để đạt mục tiêu này, hãng sẽ cắt giảm một nửa số động cơ và hộp số hiện có để giảm chi phí phát triển xe.
Nhà phân tích Juergen Pieper thuộc Metzler nói rằng mỗi nền tảng xe mới cần 1 tỷ Euro cho việc nghiên cứu và phát triển, và chỉ sử dụng được trong khoảng 6 năm. Vì ly do này, nhiều hãng xe cố gắng sử dụng chung linh kiện cho các mẫu xe thế hệ tiếp theo. Chẳng hạn, mẫu Golf 7 và Golf 8 của Volkswagen có chung nền tảng.
Chiếc Mini thế hệ hiện tại được sản xuất ở Oxford, Anh và Born, Hà Lan. Việc ra mắt một mẫu xe thế hệ mới sẽ đòi hỏi đầu tư vào dây chuyền sản xuất ở cả hai nhà máy này. BMW được cho là sẽ không đưa ra các quyết định đầu tư lớn cho tới khi có kết quả rõ ràng của cuộc đàm phán thương mại giữa Anh và EU.
“Nếu thuế quan dao động từ 0-5%, thì tình hình kinh doanh sẽ không có biến động lớn”, Tổng giám đốc (CEO) Oliver Zipse của BMW nói năm 2018 khi đề cập đến nhà máy ở Oxford với tư cách một trung tâm sản xuất và xuất khẩu xe Mini. Nếu thuế quan cao hơn, BMW có thể buộc phải chuyển sản xuất xe sang Hà Lan nhiều hơn.
Năm 2018, BMW sản xuất 211.660 xe ở Hà Lan, tăng 39% so với 2017. Cùng năm, nhà máy BMW ở Oxford sản xuất 234.501 xe Mini.