Trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 31/3/2020, hãng xe Nhật Bản lỗ ròng 671 tỷ Yên, tương đương 6,2 tỷ USD. Đây là khoản lỗ ròng đầu tiên của Nissan trong vòng 1 thập kỷ qua và là khoản lỗ lớn nhất 20 năm.
Để thoát khỏi tình trạng kinh doanh bết bát hiện nay, chương trình cải tổ dự kiến kéo dài 4 năm của Nissan dự kiến cắt giảm khoảng 300 tỷ Yên chi phí mỗi năm. Cùng với đó, sản lượng xe của hãng sẽ giảm khoảng 20%, còn 5,4 triệu xe mỗi năm. Hãng sẽ đóng cửa nhà máy ở Barcelona, Tây Ban Nha, và hoàn tất việc đóng cửa nhà máy ở Indonesia.
Báo cáo tài chính của Nissan cũng cho biết hãng bán được gần 5,2 triệu xe trong tài khóa vừa rồi, giảm 8,4% so với mức gần 5,7 triệu xe của tài khóa trước.
Kế hoạch tái cơ cấu của Nissan là một phần nỗ lực của hãng này cùng hai đối tác liên minh là Renault và Mitsubishi nhằm tập trung vào tiết giảm chi phí và cải thiện khả năng sinh lời để vượt qua cuộc khủng hoảng về nhu cầu tiêu thụ ô tô trên toàn cầu do đại dịch Covid-19. Ngoài ra, ngành ô tô còn đang ở trong cuộc dịch chuyển “trăm năm có một” từ động cơ đốt trong sang xe điện và xe không người lái, vốn là những công nghệ mới đòi hỏi sự đầu tư tốn kém.
Bên cạnh khó khăn chung của toàn ngành ô tô, Nissan còn vật lộn với những thách thức trong nội bộ hãng kể từ khi cựu Chủ tịch Carlos Ghosn bị bắt vào cuối năm 2018 vì cáo buộc gian lận tài chính. Dưới thời Ghosn, bộ tam Nissan-Renault-Mitsubishi ưu tiên tăng sản lượng xe. Tuy nhiên, trong kế hoạch thắt chặt liên minh công bố hôm 27/5, ba hãng cho biết sẽ từ bỏ chiến lược tăng trưởng bằng mọi giá.
“Những con số về kết quả kinh doanh của Nissan có thể để lại một ấn tượng tiêu cực. Nhưng họ đang có những biện pháp tích cực đáng ghi nhận. Một hãng xe khó tồn tại qua đại dịch Corona nếu không cải thiện được hiệu quả kinh doanh”, nhà quản lý quỹ Naoki Fujiwara phát biểu.
Mặc dù vậy, giới đầu tư vẫn phản ứng khá bi quan với tình trạng lỗ nặng của Nissan. Giá cổ phiếu của hãng xe này niêm yết tại thị trường Tokyo có lúc giảm gần 8% trong phiên sáng ngày 29/5.
Doanh thu của Nissan trong tài khóa vừa rồi giảm 15% so với tài khóa trước đó, còn 9,9 nghìn tỷ Yên. Hãng không đưa ra dự báo về doanh thu và lợi nhuận cho tài khóa hiện tại, với lý do tình hình kinh doanh đang rất bấp bênh vì đại dịch.
Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu Nissan đã giảm 29%, vượt xa mức giảm của cổ phiếu hai đối thủ đồng hương Toyota và Honda trong cùng khoảng thời gian. Một con số khác khiến nhà đầu tư bất an là sản lượng của Nissan trong tháng 4 giảm 62% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để đưa Nissan trở lại với con đường tăng trưởng”, Tổng giám đốc (CEO) Makoto Uchida phát biểu tại một cuộc họp báo. Cũng theo ông Uchida, cá nhân ông và các nhà điều hành cấp cao khác của Nissan đã tự nguyện xin giảm lương.
Cũng theo kế hoạch cải tổ, Nissan sẽ cắt giảm số mẫu xe mà hãng cung ứng ra thị trường xuống còn 55 mẫu, từ 69 mẫu hiện tại. Trong vòng 18 tháng tới, hãng sẽ đưa ra 12 mẫu xe mới, trong đó mẫu xe được chờ đợi nhiều nhất là chiếc SUV Rogue dành cho thị trường Mỹ.
Kế hoạch tăng cường liên minh của Nissan-Renault-Mitsubishi quy định Nissan sẽ tập trung vào các thị trường Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Đây được xem là một thuận lợi cho Nissan bởi nền kinh tế Trung Quốc đang có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực sau đại dịch. Doanh số của Nissan tại Trung Quốc trong tháng 4 tăng 1,1%, đạt 122.846 xe, giúp hãng cải thiện thị phần.
Nissan cho biết hãng có “đủ thanh khoản để vượt qua môi trường kinh doanh khắc nghiệt này”, với lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền đạt 1,5 nghìn tỷ Yên và khoảng 1,3 nghìn tỷ Yên hạn ngạch tín dụng.
Khoản lỗ của Nissan trong tài khóa vừa qua sẽ gây ảnh hưởng âm 3,57 tỷ Euro (3,9 tỷ USD) đối với kết quả kinh doanh của Renault, hãng xe Pháp cho hay. Renault chính là cổ đông lớn nhất của Nissan, nắm cổ phần 43% trong hãng xe Nhật.
Theo nhận định của giới phân tích, Nissan, Renault và Mitsubishi đang cần nhau hơn bao giờ hết. Trong kế hoạch tăng cường hợp tác công bố hôm 27/5, bộ tam cho biết việc thắt chặt liên minh sẽ giúp họ tiết kiệm tới 40% chi phí đầu tư cho những mẫu xe mới được phát triển chung. Mỗi hãng được phân công một nhiệm vụ cụ thể, trong đó Nissan phụ trách vấn đề xe tự lái, Renault đứng đầu mảng thân xe điện và một số động cơ xe điện, còn Mitsubishi sẽ tập trung vào phát triển xe hybrid cắm xạc.
Nhà phân tích Koji Endo thuộc công ty chứng khoán SBI Securities ở Tokyo cho rằng khoảng thời gian 1 năm tới sẽ giữ vai trò quyết định đối với Nissan nói riêng và liên minh của ba hãng nói chung. Ông Endo dự báo thua lỗ của Nissan trong tài khóa hiện tại sẽ tăng mạnh.
“Nissan sẽ còn lỗ nặng trước khi kế hoạch cải tổ phát huy tác dụng”, nhà phân tích này nói. “Họ sẽ phải tính toán kỹ để vượt qua khó khăn”.