Đã hơn 1 tháng trôi qua kể từ khi Ghosn đào tẩu khỏi Nhật sang Lebanon trong lúc đang bị quản thúc tại gia và chờ ngày hầu tòa. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn chưa đạt được một bước tiến cụ thể nào trong việc đưa ông này ra trước tòa án ở Tokyo. Không chỉ đối mặt với 4 cáo buộc về gian lận tài chính, vụ đào tẩu còn khiến Ghosn dính thêm tội bỏ trốn trái phép.
“Tôi nói rừng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ”, bà Mori nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg mới đây.
Bà từ chối bình luận về một bài báo cho rằng Lebanon đã từ chối dẫn độ Ghosn và chỉ nói đây là vấn đề ngoại giao. Lebanon chưa có hiệp ước dẫn độ tội phạm với Nhật Bản.
Ghosn, 65 tuổi, có một cuộc bỏ trốn như phim diễn ra vào tháng 12 năm ngoái, khi ông chui vào một hộp đựng nhạc cụ và được đưa lên một máy bay tư nhân. Trong một cuộc họp báo ở Beirut diễn ra vào tháng 1 năm nay, Ghosn cáo buộc các nhà điều hành Nissan thông đồng với cơ quan công tố Nhật Bản nhằm vu oan cho ông.
Cho tới hiện tại, bà Mori là người đi đầu trong nỗ lực bảo vệ hệ thống pháp lý của Nhật Bản trong vụ Ghosn. “Carlos Ghosn là một người nổi tiếng, và ông ấy không chỉ biện minh cho bản thân trong vụ án này mà còn còn tấn công toàn bộ hệ thống luật pháp của Nhật”, bà nói.
Trong những lần xuất hiện trên truyền thông từ sau cuộc bỏ trốn, Ghosn đã không tiếc lời chỉ trích những chính sách của Nhật Bản như tạm giam lâu mà không đưa ra buộc tội, không cho phép luật sư bên bị tham gia vào các cuộc thẩm vấn, sử dụng các biện pháp ép buộc dẫn tới tỷ lệ kết án lên tới gần 100%. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luật cho thấy công chúng Nhật không tin vào những lập luận này của Ghosn.
Trong một diễn biến khác, luật sư của Ghosn ngày 10/2 đã đối mặt với đại diện của Nissan tại một tòa án ở Amsterdam, Hà Lan. Đây là cuộc đối mặt đầu tiên của hai bên kể từ khi Ghosn bỏ trốn.
Lần xuất hiện tại tòa này nằm trong một vụ kiện của Ghosn nhằm vào Nissan để đòi bồi thường số tiền 15 triệu Euro, tương đương hơn 16 triệu USD, cho việc chi nhánh Nisssan ở Hà Lan và liên doanh Nissan-Mitsubishi NV sa thải Ghosn sau khi ông này bị cơ quan chức năng Nhật Bản bắt giữ vào cuối năm 2018.
Tại phiên tranh tụng ngày 10/2, luật sư của Ghosn đề nghị tòa án thu thập những tài liệu liên quan đến việc Ghosn bị sa thải nói trên. Họ nói, những tài liệu này đã được sử dụng làm cơ sở để viết bản báo cáo khiến Ghosn bị cách chức tất cả các vị trí lãnh đạo ở ba hãng xe Nissan, Renault, và Mitsubishi.
“Ông ấy cần biết như thế nào và vì sao Nissan đi đến kết luận ông ấy không còn đáng tin tưởng nữa”, luật sư Roeland de Mol, người bảo vệ quyền lợi của Ghosn, nói trước tòa.
Luật sư của Nissan thì nói rằng việc sa thải Nissan dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm việc ông bị tạm giam kéo dài ở Nhật và những khoản nộp thuế khả nghi của liên doanh Nissan-Mitsubishi. Các luật sư bên bị cũng đưa ra chi tiết về một cáo buộc cho rằng Ghosn đã biển thủ 7,8 triệu Euro tiền công ty và đề nghị tòa yêu cầu ông hoàn trả.
Ghosn không xuất hiện tại phiên tranh tụng này và vẫn đang ở Lebanon - nơi ông có cuộc sống thoải mái cùng vợ kể từ sau cuộc đào tẩu khỏi Nhật. Tuy nhiên, hai cuộc chiến song song của ông, một với cơ quan chức năng Nhật và một với Nissan, được dự báo sẽ không sớm kết thúc.