Theo hãng tin Bloomberg, các công ty trong ngành ô tô đã đua nhau rút hết các hạn ngạch tín dụng mà họ có từ trước, đồng thời tìm kiếm các thỏa thuận vay vốn mới nhằm cải thiện bảng cân đối kế toán. Đây là một phần quan trọng trong nỗ lực của ngành ô tô nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng khi đại dịch khiến cả sản lượng lẫn nhu cầu xe cùng sụt giảm thảm hại.
Số vốn 155 tỷ USD huy động trong chưa đầy 3 tháng kể từ giữa tháng 3 đến nay tương đương với tốc độ vay vốn của ngành ô tô trong thời kỳ kéo dài 8 tháng trước khi các thành phố toàn cầu đồng loạt phong tỏa vì virus Corona chủng mới.
Trong số vốn trên có 44 tỷ USD được vay thông qua phát hành trái phiếu, đánh dấu quý mà ngành ô tô phát hành trái phiếu nhiều nhất từ trước đến nay. 111 tỷ USD còn lại là các khoản vay tín dụng, gần bằng với số tiền 133 tỷ USD mà toàn ngành vay theo các thỏa thuận tương tự trong cả năm 2019.
Vay nhiều nhất trong ngành ô tô trong 3 tháng qua là hãng xe Mỹ General Motors (GM), huy động 21,6 tỷ USD vốn tín dụng và 5,5 tỷ USD thông qua phát hành trái phiếu.
Các công ty trong ngành ô tô tại khu vực châu Mỹ đã vay 50 tỷ USD vốn tín dụng và 16 tỷ USD vốn trái phiếu.
Tại khu vực châu Âu, các con số tương ứng là 47 tỷ USD và 19 tỷ USD. Ngoài ra, ngành ô tô châu Âu đang chuẩn bị vay thêm 7 tỷ USD nữa. Daimler, nhà sản xuất xe Mercedes-Benz, là công ty vay mượn nhiều nhất trong ngành ô tô châu Âu 3 tháng qua, đã vay 13 tỷ USD vốn tín dụng và 3 tỷ USD vốn trái phiếu.
Các công ty trong ngành ô tô ở châu Á đã vay 13 tỷ USD vốn tín dụng và 9,4 tỷ USD vốn trái phiếu từ tháng 3 đến nay, đồng thời chuẩn bị vay thêm 10 tỷ USD. Phần lớn các hãng xe Nhật Bản, từ Toyota đến Subaru, đều đã phát hành trái phiếu để huy động vốn trong hơn 3 tháng qua.