Dẫn một báo cáo từ AutoAnalysis, tờ báo nói rằng một khi các dây chuyền sản xuất ô tô ở hai khu vực trên tiếp tục ngưng trệ cho tới cuối tháng này, doanh số thị trường ô tô châu Âu có thể mất tới 2,6 triệu xe, tương đương doanh thu 66 tỷ Euro (72 tỷ USD). Tại Mỹ, doanh số mất mát sẽ lên tới 2 triệu xe, tương đương doanh thu 52 tỷ USD.
Ông Ian Henry, Giám đốc AutoAnalysis, ước tính rằng cứ mỗi tuần đóng cửa nhà máy ở châu Âu, các hãng xe lại mất thêm 8 tỷ Euro (8,7 tỷ USD) doanh thu. Tại Bắc Mỹ, con số thiệt hại có thể lên tới 7,5 tỷ USD mỗi tuần.
Ở thời điểm hiện tại, tất cả các nhà máy ô tô lớn ở châu Âu và Bắc Mỹ đều đã đóng cửa từ tháng trước để bảo vệ công nhân khỏi nguy cơ phơi nhiễm virus Corona chủng mới, và cũng bởi nhu cầu tiêu thụ xe giảm chóng mặt trong đại dịch do virus này gây ra.
Nhiều dự báo sớm cho rằng các hãng xe có thể mở cửa nhà máy trở lại vào cuối tháng 3 hoặc trong tháng 4. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các dự báo như vậy đều đã bị rút lại. Nhiều hãng xe như Nissan, Ford và General Motors (GM) cho biết nhà máy của họ sẽ bị đóng “vô thời hạn”.
“Tôi không cho rằng mọi chuyện có thể trở lại bình thường trước tháng 5, mà như vậy cũng là sớm nhất rồi”, ông Henry nói trong cuộc trao đổi với Financial Times.
Để đưa ra dự báo nói trên, AutoAnalysis tính sản lượng dự kiến của mỗi nhà máy ô tô trong năm 2020, có tính đến các mẫu xe mới và mức nhu cầu. Sau đó, các nhà phân tích tính sản lượng bình quân mỗi ngày và nhân với số ngày nhà máy đóng cửa để tính ra phần sản lượng mất mát.
Tiếp đó, thiệt hại sản lượng được nhân với giá xuất xưởng của mỗi chiếc xe để tính ra mức thiệt hại tài chính cuối cùng.
Để chống chọi với thiệt hại khổng lồ mà đại dịch Covid-19 gây ra, các hãng xe đã phải cho hàng triệu công nhân hưởng lương trợ cấp của chính phủ, đồng thời xoay sở vay nợ nhiều tỷ USD.
Hai hãng xe lớn nhất của Mỹ là General Motors (GM) và Ford đã rút hết hạn ngạch tín dụng, tương ứng 16 tỷ USD và 15,4 tỷ USD. Hãng xe Đức Daimler - chủ thương hiệu Mercedes-Benz - mới đây đã mở một hạn ngạch tín dụng mới trị giá 12 tỷ USD, bên cạnh một hạn ngạch tín dụng 11 tỷ USD khác đã có từ trước.
Hãng xe Nissan đã cho toàn bộ 6.000 công nhân tại nhà máy ở Sunderland, Anh ngồi nhà và hưởng lương trợ cấp của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ Anh sẽ chi trả 80% lương tháng của các công nhân này.
Hiện tại, chưa có một dự báo toàn diện nào về mức thiệt hại tài chính mà Covid-19 gây ra cho công nghiệp ô tô toàn cầu. Tuy nhiên, chắc chắn đó là một con số có khả năng gây choáng váng. Tổng giám đốc (CEO) Herbert Diess của Volkswagen nói rằng hãng xe Đức này đang phải gánh 2 tỷ USD chi phí mỗi tuần.
Doanh số ô tô ở Tây Âu giảm khoảng 2/3 trong tháng 3 vừa qua, trong khi doanh số ô tô ở Mỹ sụt xuống mức thấp nhất 10 năm.
Hai thị trường này thậm chí dự kiến mức giảm doanh số sâu hơn trong tháng 4 do người tiêu dùng phải trải qua 4 tuần giãn cách xã hội và các đại lý xe buộc phải đóng cửa.
Có nhiều ý kiến lạc quan cho rằng kế hoạch mua xe bị hoãn lại, nhu cầu có thể bung mạnh một khi các biện pháp hạn chế ở Mỹ và châu Âu được dỡ bỏ. Mặc dù vậy, tình trạng suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt sẽ là những nhân tố khiến người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng. Ngân hàng Bank of America dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ có thể lập đỉnh ở mức 15,6% trong thời gian từ nay đến tháng 6, từ mức 4,4% trong tháng 3.
Tại Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ ô tô gần đây có lúc giảm xuống gần như bằng 0. Hiện tại, hầu hết các đại lý xe ở nước này đã mở cửa trở lại, nhưng doanh số mới chỉ đạt khoảng 40% so với mức trước khi “sóng thần” Covid-19 ập đến.