Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra cách đây một thập kỷ, nhiều nhà sản xuất ô tô của Mỹ và châu Âu đã ngừng sản xuất để tránh tình trạng ứ đọng quá nhiều những chiếc xe không bán được.
Tuy nhiên, lần này, việc đóng cửa nhà máy đang diễn ra đồng loạt và nhu cầu mua xe mới sụt giảm không phải là vấn đề duy nhất mà các nhà sản xuất ô tô phải đối mặt. Công nhân sợ hãi khi bước vào nhà máy đông đúc, cộng với việc nguồn cung ứng linh kiện chính có nguy cơ bị gián đoạn.
Các nhà sản xuất hy vọng tình trạng gián đoạn sản xuất sẽ chỉ diễn ra tạm thời và ngắn thôi, nhưng điều đó có thể chỉ là ước mơ vì kiểm soát virus là một chặng đường dài. Thực tế là một số hãng đã đề nghị tái sử dụng không gian nhà máy để sản xuất máy thở cứu hộ y tế, cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu này.
Ngay cả khi không có coronavirus, năm 2020 cũng đã là một năm khó khăn cho ngành công nghiệp xe hơi do phải đầu tư chi phí lớn để phát triển xe điện và đại tu các nhà máy.
Không giống như một thập kỷ trước, khi General Motor và Chrysler tìm cách bảo hộ phá sản, hầu hết các nhà sản xuất ô tô đều có những khoản tiền mặt lớn mà họ có thể rút ra để vượt giai đoạn khó khăn. Ngay cả sau khi phải nộp phạt tiền mặt trị giá 26 tỷ euro (28 tỷ USD) do gian lận động cơ diesel, Volkswagen AG vẫn có 24 tỷ euro tiền mặt và các tài sản khác.
Điều đó thực sự may mắn, bởi vì chi phí cố định cao và cái gọi là vốn lưu động tiêu cực, sẽ khiến phần lớn ngành công nghiệp phải “đốt” rất nhiều tiền. Bên cạnh việc bảo vệ nhân viên không bị phơi nhiễm virus, một điểm tích cực khi đóng cửa các nhà máy là giúp các hãng hạn chế “đốt tiền” vì những mẫu xe chạy diesel đang ứ đọng. Các nhà phân tích tại Morgan Stanley cho biết, trong một kịch bản cực đoan, Ford và GM có thể mất gần 4 tỷ USD tiền mặt mỗi tháng.
Không có gì lạ khi cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô đã giảm một nửa giá trị kể từ đầu năm và chi phí chống vỡ nợ tăng vọt. Những hãng có bảng cân đối tài chính xấu nhất hiểu rất rõ điều này.
Vốn hóa thị trường của Renault SA, hãng vốn phải chật vật ngay cả trước khi virus xuất hiện, đã giảm xuống dưới 5 tỷ euro.
Nhiều người đang ở nhà tránh dịch sẽ mơ ước về một chuyến đi đường dài khi đại dịch kết thúc, và không nghi ngờ gì khi họ mong đợi cả một bảng chi phí nhiên liệu rẻ hơn.
Nhưng trong ngắn hạn, nhu cầu mua xe có thể sẽ giảm mạnh - doanh số bán hàng của Trung Quốc đã giảm 80% trong tháng 2 khi phần lớn đất nước rơi vào tình trạng kiểm duyệt. Các gói ưu đãi mua hàng với người tiêu dùng hoặc chính sách giảm thuế của chính phủ hiện nay không thể mang lại hiệu quả như trong năm 2008-2009 vì người tiêu dùng vẫn chưa thể rời khỏi nhà của họ.
Một ngành công nghiệp xe hơi nhưng không thể sản xuất xe hơi, và sẽ không bán được xe. Năm 2020 này sẽ chứng kiến con đường chông gai của các công ty có năng lực tài chính yếu.