Hai hãng xe Mỹ General Motors và Ford cho biết đã trao đổi với các quan chức Nhà Trắng về việc họ có thể hỗ trợ sản xuất các thiết bị y tế như máy thở để chống lại sự bùng phát của COVID-19.
Theo New York Times, Giám đốc điều hành GM Mary Barra đã nói chuyện với cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, về vấn đề này sau khi hãng xe Detroit tuyên bố sẽ đình chỉ sản xuất ở Bắc Mỹ cho đến ngày 30/3. Kudlow cũng cho biết ông đã nói chuyện với một nhà sản xuất ô tô về khả năng sản xuất máy thở.
Jeannine Ginivan, người phát ngôn của GM, cho biết nhà sản xuất ô tô "đang nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ đất nước trong thời gian khó khăn này và đã ra đề nghị giúp đỡ. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu xem chúng tôi có thể hỗ trợ sản xuất các thiết bị y tế như máy thở".
Hôm qua (18/3), Ford cũng cho biết "sẵn sàng giúp đỡ chính quyền bằng mọi cách có thể, bao gồm cả sản xuất máy thở và các thiết bị y tế khác. Chúng tôi đã thảo luận sơ bộ với chính phủ Mỹ và đang xem xét tính khả thi".
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kudlow ca ngợi ý tưởng các nhà sản xuất ô tô có thể sản xuất thiết bị y tế khi đóng cửa nhà máy. Đó là tinh thần “có-thể-làm” mà chúng ta đang nhìn thấy trong bối cảnh dịch bệnh, khó khăn này.
Thậm chí, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (18/3) tuyên bố ông đã trở thành “tổng thống thời chiến tranh”, ngụ ý đến cuộc chiếc chống lại “kẻ thù vô hình” là virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, GM và Ford có thể gặp phải những rào cản đáng kể trước khi họ có thể chế tạo một thiết bị y tế phức tạp như máy thở và không rõ sẽ mất bao lâu để làm điều đó.
Các quốc gia trên thế giới đã đặt ra mối lo ngại thiếu hụt máy thở để điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 nặng. Chi phí của mỗi máy thở lên đến hàng ngàn USD, thiết bị này được sử dụng để giúp những người bị khó thở.
Đầu tuần này, Anh cũng đã yêu cầu các nhà sản xuất ô tô bao gồm Ford, Honda và Rolls Royce giúp chế tạo các thiết bị y tế bao gồm máy thở và cho biết họ sẽ xem xét sử dụng các khách sạn làm bệnh viện. Theo CNET, Ford, Honda và Toyota đều xác nhận với các phương tiện truyền thông rằng chính phủ Anh đã liên hệ với họ về vấn đề này.
Trong chiến tranh thế giới thứ hai, GM, Ford và các nhà sản xuất ô tô khác cũng đã trang bị lại các nhà máy ô tô để chế tạo xe tăng, máy bay và các thiết bị quân sự và vũ khí khác.
Không chỉ các nhà sản xuất ô tô Mỹ tính chuyện chế tạo máy thở, khi dịch COVID-19 lan rộng khắp Trung Quốc hồi tháng 2, một số nhà sản xuất tại Trung Quốc bao gồm cả đối tác của Apple là Foxconn và SAIC-GM-Wending, một công ty ô tô liên doanh do GM thành lập cùng với hai đối tác Trung Quốc, cho biết họ đã thành lập dây chuyền sản xuất làm khẩu trang và quần áo y tế.
BYD, hãng ô tô điện Trung Quốc, cũng từng tuyên bố họ đã trở thành nhà sản xuất khẩu trang lớn nhất thế giới. Mỗi ngày họ tạo ra 5 triệu khẩu trang và vẫn tiếp tục mở rộng công suất. Chính nhà sáng lập Wang Chuanfu đã lãnh đạo một nhóm gồm 3.000 kỹ sư, xây dựng dây chuyền sản xuất khẩu trang, từ con số không, bằng cách sử dụng 90% linh kiện nội bộ.