Tình trạng thiếu chip đang đe dọa cả thế giới, nhu cầu về chất bán dẫn tăng cao vượt quá khả năng cung cấp. Sự thiếu hụt này khiến nhiều ông lớn trong nhiều ngành công nghiệp gặp khó khăn, trong đó, các nhà sản xuất ô tô dường như phải chịu hậu quả tồi tệ nhất.
Vào đầu năm 2021, cuộc khủng hoảng được dự báo sẽ gây thiệt hại khoảng 60 tỷ euro trong lĩnh vực ô tô - nhưng chỉ mấy tháng sau, con số đó đã tăng 1/3. Giờ đây, theo một nghiên cứu của công ty tư vấn AlixPartners, thiệt hại liên quan đến tình trạng thiếu hụt chip trên toàn cầu lên tới hơn 90 tỷ euro đối với lĩnh vực ô tô.
Trong khi đó, sản lượng ô tô giảm mạnh. Vào tháng 1, AlixPartners dự đoán rằng sản lượng ô tô sẽ giảm khoảng 2,2 triệu chiếc xe so với kế hoạch - nhưng hiện tại, sản lượng đã giảm thậm chí còn mạnh hơn mức dự đoán - lên đến gần 4 triệu xe.
Nhiều nhà sản xuất ô tô lớn - bao gồm Ford, General Motors, Volkswagen, Toyota và Daimler - đã phải đóng cửa các nhà máy của họ. Theo các nhà nghiên cứu, ngành ô tô sẽ phải đối phó với vấn đề này trong một thời gian nữa.
Stephen Dyer, Giám đốc điều hành của AlixPartners tại Thượng Hải cho biết: “Ngày nay có tới 1.400 con chip trong một chiếc ô tô thông thường. Và con số đó sẽ chỉ tăng lên khi ngành công nghiệp tiếp tục hướng tới nhiều xe điện hơn và trong dài hạn là xe tự lái. Do đó, thiếu hụt chip đang là một vấn đề quan trọng đối với lĩnh vực ô tô toàn cầu”.
Thiếu chip, còn được gọi là thiếu chất bán dẫn hoặc nạn đói chip, là một hiện tượng trong ngành công nghiệp vi mạch tích hợp, khi nhu cầu về chip silicon vượt xa nguồn cung. Nguồn gốc của sự thiếu hụt đặc biệt này là đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. Việc các quốc gia áp dụng chính sách phong tỏa, đóng cửa và giãn cách xã hội để chống lại sự bùng phát của dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn và hệ thống hậu cần mà các nhà cung cấp chip phụ thuộc vào để duy trì sản xuất. Thêm vào đó, mọi người bắt đầu dành nhiều thời gian ở nhà hơn và nhu cầu mua đồ điện tử dân dụng gia tăng.
Tiêu thụ các sản phẩm như máy chơi game, TV thông minh và máy tính xách tay tăng mạnh, trong khi đó mỗi sản phẩm này đều chứa nhiều chip, và đơn giản là lượng chip mà các nhà máy sản xuất ra không đủ đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, như Giám đốc điều hành của AlixPartners tại Hồng Kông, Shiv Shivaraman, đã lưu ý, “đại dịch càng khiến tình trạng khủng hoảng chip thêm trầm trọng”.
Chưa kể, những năm gần đây, Mỹ áp dụng một số biện pháp trừng phạt ngày càng nghiêm ngặt đối với Trung Quốc. Do tính liên kết của nền thương mại toàn cầu và việc nhiều quốc gia phụ thuộc vào Trung Quốc để sản xuất công nghệ với chi phí phải chăng, biện pháp trừng phạt của Mỹ càng khiến vấn đề về nguồn cung trở nên nghiêm trọng hơn trên phạm vi rộng.
Thị trường chip toàn cầu ngày càng phụ thuộc vào châu Á, dù Mỹ và các quốc gia khác đã cố gắng giải quyết vấn đề của riêng mình, họ thiếu năng lực sản xuất và không thể đáp ứng nhu cầu cao về chip. Dù có hay không có đại dịch trong trường hợp này, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng cũng có thể dẫn đến tình trạng thiếu chip toàn cầu.
Để rút kinh nghiệm và tránh tình trạng thiếu hụt thêm, các nhà nghiên cứu cảnh báo các công ty ô tô nên tự nắm lấy khả năng phục hồi chuỗi cung ứng. Chuyên gia AlixPartners nói thêm rằng một chiến lược hiệu quả trong vấn đề này sẽ bao gồm: “Dự báo dài hạn, bộ đệm chiến lược, hệ thống cảnh báo sớm và thành lập các bộ phận nghiên cứu phát triển, thiết kế là một số công cụ đóng vai trò tích cực trong các cấp cung ứng hàng hóa".
Trước tình trạng thiếu hụt chip, một tổ chức công nghiệp ô tô của Mỹ đã lên tiếng kêu gọi chính phủ trợ giúp. Liên minh Sáng tạo ô tô (Alliance for Auto Innovation) cho rằng Bộ Thương mại Mỹ nên dành một phần kinh phí để mở rộng sản xuất chất bán dẫn của Mỹ, nhằm đáp ứng nhu cầu của ngành ô tô.
Vào tháng 2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh các cơ quan Liên bang cần có hành động giải quyết cuộc khủng hoảng chip. Tổng thống Mỹ cũng đang tìm kiếm khoản tài trợ 37 tỷ USD để tăng cường sản xuất chip ở Mỹ.