Ngày 6/2, Toyota không chỉ báo lãi quý cao hơn dự báo mà còn nâng dự báo kết quả kinh doanh cả năm.
Những ngày gần đây, nhiều hãng xe phải tạm ngưng hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, do ảnh hưởng của dịch viêm phổi do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra. Diễn biến này phủ một đám mây đen mới lên các hãng xe toàn cầu vốn dĩ đang phải đương đầu với sự suy giảm nhu cầu xe và chi phí gia tăng trong việc đầu tư vào các công nghệ mới.
Nhưng Toyota tin rằng hãng có thể bán được nhiều xe hơn trong năm nay.
“Thị trường ô tô toàn cầu trong năm 2020 có lẽ sẽ giảm so với năm 2019, nhưng các bạn thấy đó, chúng tôi vẫn dự báo doanh số của mình tăng trong năm nay”, Phó chủ tịch điều hành Didier Leroy của Toyota phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo.
Toyota đặt mục tiêu đạt lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất-kinh doanh đạt 2,5 nghìn tỷ Yên, tương đương 22,7 tỷ USD, trong tài khóa kết thúc vào tháng 3/2020, cao hơn so với dự báo 2,4 nghìn tỷ Yên đưa ra trước đó và phù hợp với kỳ vọng của giới phân tích.
Dự báo lạc quan của Toyota trái ngược với triển vọng ảm đạm mà hai đối thủ Mỹ General Motors (GM) và Ford đưa ra. Cùng thua lỗ trong quý 4/2020, GM dự báo lợi nhuận của hãng đi ngang trong năm nay và Ford cho rằng lợi nhuận sẽ giảm mạnh hơn dự báo.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, cổ phiếu Toyota tăng 2,6% tại thị trường Tokyo, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 7. Hiện cổ phiếu này đang ở gần mức cao nhất 4 năm.
Dự báo của Toyota về kết quả kinh doanh của hãng phản ánh kỳ vọng tốc độ tăng giá của đồng Yên yếu đi, tỷ suất lợi nhuận cao hơn tại thị trường Bắc Mỹ và châu Âu, cùng nỗ lực cắt giảm chi phí liên tục và chủ yếu rơi vào mạng lưới các nhà cung cấp của hãng.
Tháng trước, hãng sản xuất linh kiện ô tô Nhật Bản Denso Corp. cắt giảm dự báo lợi nhuận. Cả Denso và Aisin Seiki, một công ty linh kiện thuộc Toyota, đều không đạt dự báo của giới phân tích về lợi nhuận quý. Toyota nắm cổ phần 35% trong Denso và 39% Aisin.
Lợi nhuận thuần của Toyota trong quý 4/2019, tức quý thứ ba của tài khóa hiện tại, đạt 654 tỷ Yên, vượt dự báo 643,8 tỷ Yên của giới phân tích. Doanh thu đạt 7,54 tỷ Yên, so với dự báo 7,42 tỷ Yên.
Doanh số của Toyota suy yếu tại các thị trường Nhật Bản, Bắc Mỹ và Trung Quốc, nhưng tăng trưởng vững tại thị trường châu Âu. Trong năm 2019, xe lai (hybrid), chạy bằng năng lượng xăng và điện, chiếm 52% số xe mà Toyota bán được ở châu Âu. Cùng với đó, tỷ suất lợi nhuận của hãng ở thị trường này trong quý 4/2019 tăng lên mức 4,6% từ mức 3,2% cùng kỳ năm trước.
Tại Bắc Mỹ, lợi nhuận thuần của Toyota trong quý 4 đạt 105,9 tỷ Yên, tăng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ 2018, cho dù doanh số giảm 2% còn 668.000 xe.
Toyota cho rằng lợi nhuận của hãng ở thị trường Bắc Mỹ tăng mạnh là nhờ một số yếu tố, bao gồm việc hãng tăng sản xuất các mẫu xe lớn như SUV và pickup, những mẫu có tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Những mẫu xe lớn của Toyota như RAV-4 và Highlander đang rất đắt khách ở Mỹ, trong khi mẫu sedan Camry rơi vào tình trạng ế ẩm.
Toyota dự báo trong tài khóa sắp kết thúc hãng sẽ bán được tổng cộng 8,95 triệu xe, không thay đổi so với lần dự báo trước.
Nếu tính cả các công ty con, Toyota bán được 10,7 triệu xe trong năm 2019, xếp thứ hai thế giới về doanh số, sau đối thủ Đức Volkswagen với 10,9 triệu xe. GM bán được 8,4 triệu xe trong 2019, còn Ford đạt mức doanh số khoảng 5,4 triệu xe.
Một nhân tố khó lường có thể tác động đến kết quả kinh doanh của Toyota chính là việc hãng phải tạm dừng sản xuất tại Trung Quốc cho tới ít nhất ngày 9/2 do ảnh hưởng của dịch nCoV. Toyota cho biết dự báo lợi nhuận mà hãng vừa đưa ra chưa tính đến yếu tố này và hãng đang trong quá trình đánh giá ảnh hưởng của dịch.