Báo cáo tài chính của Ford cho biết hãng gánh khoản thua lỗ 1,67 tỷ USD trong quý cuối cùng của năm ngoái, nhưng lãi 6,4 tỷ USD trong cả năm - mức lợi nhuận thấp hơn chút ít so với dự báo của giới phân tích. Hãng dự báo lợi nhuận trước thuế của năm 2020 đạt 5,6-6,6 tỷ USD, thấp hơn kỳ vọng lãi 7,4 tỷ USD mà giới phân tích và nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ đưa ra.
Dự báo trên - được Ford công bố sau khi thị trường đóng cửa phiên chính thức của ngày thứ Ba (4/2) - khiến thị trường thất vọng và giá cổ phiếu Ford lao dốc hơn 9% trong phiên giao dịch ngoài giờ. Mức giảm này khiến giá trị vốn hóa của Ford sụt hơn 3 tỷ USD.
Lý giải về khoản lỗ quý 4, Ford cho biết hãng phải khấu trừ 2,2 tỷ USD trong kết quả kinh doanh quý 4 để bù vào kế hoạch lương hưu và các khoản phúc lợi cho công nhân về hưu.
Trong một cuộc điện đàm với nhà đầu tư ngày 4/2, Tổng giám đốc Jim Hackett của Ford miêu tả tình trạng hiện nay của công ty là “đang ở ngã tư đường” do phải thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoạt động trên toàn cầu dự kiến tiêu tốn 11 tỷ USD. Ford đã chi 3,2 tỷ USD cho hoạt động tái cơ cấu trong 2019 và dự kiến phải chi thêm khoảng 1,4 tỷ USD trong năm nay.
Tại thị trường Trung Quốc, Ford lỗ 771 triệu USD trong năm ngoái, bao gồm khoản lỗ 207 triệu USD trong quý 4. Năm 2018, Ford lỗ 1,5 tỷ USD ở Trung Quốc. Thị phần của hãng ở Trung Quốc trong quý 4/2019 giảm còn 2%, từ mức 2,3% cùng kỳ 2018.
Không chỉ thua lỗ triền miên ở Trung Quốc, Ford còn chứng kiến doanh số xe của hãng ở Mỹ giảm liên tục trong 3 năm qua, khi hãng giảm sản xuất xe sedan và nỗ lực nâng cấp các mẫu xe SUV đã già cỗi.
Giới đầu tư đang ngày càng mất kiên nhẫn với tốc độ tái cơ cấu của Ford. Khoản lỗ quý 4 bị xem như một dấu hiệu cho thấy tiến trình tái cơ cấu chưa đạt kết quả như mong đợi.
Theo dự báo của các nhà phân tích, Ford sẽ phải chi rất nhiều trong 2020 do việc triển khai bản mới của mẫu xe pickup F-150, chiếc xe mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho hãng, và mẫu xe điện Mustang Mach-E. Ngoài ra, hãng cũng chuẩn bị khôi phục mẫu xe SUV Bronco cho năm 2021. Bên cạnh đó, Ford phải tiếp tục rót nhiều tỷ USD cho mảng xe không người lái.
Chi phí cho việc triển khai các mẫu xe mới như Explorer và chi phí bảo hành gia tăng cũng là nguyên nhân dẫn tới việc hãng thua lỗ trong quý 4. Tỷ suất lợi nhuận của Ford tại thị trường Bắc Mỹ giảm khoảng 2/3, chỉ còn 2,8%.
“Kỳ vọng của thị trường đối với Ford đang rất thấp”, nhà phân tích David Whiston thuộc Morningstart nhận xét.
Kể từ khi Ford đưa ra dự báo bi quan về lợi nhuận vào tháng 7 năm ngoái, giá cổ phiếu của hãng tính đến hết phiên ngày 2/2 đã giảm 13%. Do vậy, viá trị vốn hóa thị trường của Ford hiện chỉ bằng khoảng 1/5 so với của Tesla - hãng xe điện với giá cổ phiếu đang tăng như diều gặp gió.
Khi được hỏi về việc giá trị vốn hóa của Tesla đã lên tới 160 tỷ USD, gấp gần 5 lần vốn hóa của Ford, ông Hackett ca ngợi những bước tiến mà Tesla đạt được trong lĩnh vực xe điện và xe kết nối. “Thực lòng mà nói, mô hình kinh doanh của Tesla rất hấp dẫn”, ông Hackett phát biểu.
Tiếp đó, ông Hackett lấy chiếc Mustang được điện hóa Mach-e như một ví dụ về tiến bộ của Ford kể từ khi ông lên nắm quyền vào tháng 5/2017.
Dự báo của Ford về năm 2020 thậm chí còn chưa tính đến những thay đổi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu. Hãng cũng nói còn quá sớm để đánh giá ảnh hưởng của dịch viêm phổi do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra - nhân tố đang gây xáo trộn chuỗi cung ứng ngành ô tô và khiến nhiều hãng xe phải tạm dừng hoạt động một số nhà máy.
Mảng ô tô của Ford đạt doanh thu 36,7 tỷ USD trong quý 4, cao hơn khoảng 100 triệu USD so với dự báo. Tổng doanh thu quý của hãng đạt 39,7 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ 2018.
Mảng cho vay Ford Credit tiếp tục là một điểm sáng của Ford, mang về cho hãng khoảng 3 tỷ USD lợi nhuận trong 2018, từ mức 2,7 tỷ USD trong 2018. Mảng này hiện chiếm khoảng một nửa lợi nhuận của toàn công ty.