Ford Credit, công ty cho vay tín dụng của Ford, đã dần trở nên quen thuộc với vai trò một trụ cột trong kết quả kinh doanh của công ty vào những thời điểm cả khó khăn và thuận lợi. Hiện nay, công ty này hiện đang chiếm khoảng một nửa lợi nhuận của Ford - một trong “tam đại gia” công nghệ ô tô Mỹ - từ mức chỉ 15-10% trước đây.
Ford thành lập Ford Credit để làm một công việc tương đối đơn giản: cấp vốn vay cho các đại lý xe tích trữ xe Ford để bán dần và cấp các khoản vay cho người tiêu dùng mua xe Ford. Giờ đây, Ford đang phụ thuộc vào nguồn tài chính từ Ford Credit để đầu tư nhiều tỷ USD cho chiến lược phát triển xe chạy điện và xe không người lái. Sự phụ thuộc này diễn ra trong lúc Ford dự kiến phải tiêu tốn 11 tỷ USD cho quá trình tái cơ cấu dự kiến kéo dài nhiều năm.
Ford Credit “giống như bộ phận dằn có vai trò giữ ổn định cho con tàu. Đây là một bộ phận tạo sự cân bằng”, nhà phân tích Lawrence Orlowski thuộc S&P Global Ratings nhận định.
Mảng ô tô bết bát
Trong 3 năm trở lại đây, doanh số bán xe của Ford tại thị trường Mỹ ngày càng giảm sút và hãng thua lỗ hàng tỷ USD ở thị trường nước ngoài bao gồm Trung Quốc. Lượng xe Ford bán được ở Trung Quốc trong 3 năm qua đã giảm khoảng một nửa. Theo dự báo của giới phân tích, doanh thu từ mảng ô tô của Ford trong quý 4/2019 đi xuống và lợi nhuận ròng của mảng này giảm 44%, chạm đáy 10 năm.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu Ford vẫn tăng 22% trong 2019, một phần nhờ công lớn của Ford Credit - công ty đang phát huy tốt hiệu quả trong việc cấp vốn cho các nỗ lực cải tổ của hãng mẹ, bằng cách liên tục vay vốn trên thị trường trái phiếu và trả cổ tức cho hãng mẹ. Theo nhà phân tích Mike Ward thuộc Benchmark, bộ phận tín dụng có thể đóng góp 3 tỷ USD lợi nhuận mỗi năm cho Ford trong vòng 2 năm tới, so với mức đóng góp chỉ 400 triệu USD vào năm 2017.
Trong vòng 1 năm trở lại đây, Ford Credit đã vay khoảng 10 tỷ USD trên thị trường trái phiếu hạng đầu tư ở Mỹ, chưa kể số vốn huy động được thông qua phát hành trái phiếu ngoại tệ và các khoản vay chứng khoán hóa. Về phần mình, hãng mẹ Ford đã 3 năm qua không phát hành trái phiếu để vay vốn, một phần vì giới đầu tư lo ngại mức nợ cao và doanh số ngày càng đuối của hãng.
Các tổ chức đánh giá tín nhiệm tỏ ra bi quan về tình hình mảng ô tô của Ford, đặc biệt là Moody’s Investors Service. Tháng 9/2019, Moody’s hạ dự báo tín nhiệm của Ford xuống mức “rác” (junk - nghĩa là trái phiếu của Ford thuộc hạng không được khuyến nghị đầu tư). Các chuyên gia của tổ chức đánh gia tín nhiệm này hoài nghi về kế hoạch tái cơ cấu mà Tổng giám đốc (CEO) Jim Hackett của Ford đang theo đuổi.
Tháng 10, một tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu khác là S&P đã hạ định hạng tín nhiệm của Ford về mức thấp nhất trong thang khuyến nghị đầu tư, sau khi Ford cắt giảm dự báo lợi nhuận cả năm. Chỉ cần một lần hạ điểm tín nhiệm nữa là S&P “giáng” Ford xuống hạng không khuyến nghị đầu tư, tương tự như Moody’s.
Nếu điều đó xảy ra, Ford sẽ trở thành nhà phát hành trái phiếu lớn nhất phải vay vốn với lãi suất cao ở Mỹ, gia tăng thêm sức ép tài chính đối với hãng trong ngắn hạn. Theo dữ liệu của Bloomberg, Ford đang gánh số nợ trái phiếu hạng khuyến nghị đầu tư khoảng 35 tỷ USD.
Điểm sáng mảng cho vay
Giới phân tích cho rằng triển vọng của Ford sẽ không sớm trở nên sáng sủa. Trong lúc ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang suy thoái, Ford chuẩn bị tung ra loạt xe mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, gồm các mẫu SUV và thiết kế lại mẫu bán tải F-150, chiếc xe bán chạy nhất và mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho hãng. Các chuyên gia đã cảnh báo về rủi ro chí phí và điều hành liên quan đến các mẫu xe mới này, nhất là sau cuộc ra mắt không mấy thành công của mẫu SUV Explorer vào năm 2019.
“Tình trạng của Ford hiện tại rõ ràng không được tốt lắm, nhưng bộ phận tài chính của họ là một điểm sáng”, chiến lược gia David Whiston thuộc Morningstar nhận định.
Còn theo nhà phân tích Joel Levington của Bloomberg Intelligence, trong điều kiện bình thường, mảng ô tô phải là bộ phận đóng góp nhiều lợi nhuận nhất cho Ford và Ford Credit chỉ đóng góp khoảng 15-20%. Nhưng trong phần lớn thời gian của năm ngoái, Ford Credit đóng góp khoảng một nửa lợi nhuận của hãng mẽ và tỷ lệ này có chiều hướng ngày càng tăng.
Ngoài ra, giữa Ford và Ford Credit có một mối liên hệ vô cùng mật thiết, có thể nói là không thể tách rời. Mỗi bên đều hỗ trợ bên kia về mặt vận hành và tài chính, theo một thỏa thuận quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con. Trong 9 tháng đầu năm 2019, Ford Credit trả cho công ty mẹ 2,4 tỷ USD cổ tức, nhờ đó mà Ford duy trì được việc trả cổ tức cho cổ đông.
Khi xảy ra suy thoái kinh tế, vai trò của Ford Credit đối với Ford càng quan trọng hơn. Ford Credit không tham gia nhiều vào thị trường nợ dưới chuẩn nên tỷ lệ thua lỗ trên tổng dư nợ luôn ở dưới mức 2% trong suốt thời gian khủng hoảng tài chính, một mức thấp. Tỷ lệ tịch biên tài sản thế chấp của Ford Credit chưa bao giờ vượt ngưỡng 3,2%.
Những thông số này giúp Ford Credit có thể trả cổ tức cho hãng mẹ ngay cả ở thời điểm năm 2009, khi doanh số thị trường ô tô Mỹ chạm đáy 27 năm.
Trong vòng 2 thập kỷ qua, Ford Credit đã mang về cho Ford 28 tỷ USD, theo dữ liệu công ty.
“Kết quả này không hề tồi. Đó chính là lý do người ta muốn có một công ty dịch vụ tài chính hoạt động hiệu quả. Ford Credit sẽ giải cứu Ford theo nhiều cách khác nhau”, nhà phân tích Hitin Anand thuộc CreditSights nhận xét.