Nghịch lý của Ford: Có 37 tỷ USD tiền mặt mà vẫn kẹt tiền

Phương Vy

Làm thế nào mà một công ty sở hữu 37 tỷ USD tiền mặt và tài sản có độ thanh khoản cao mà vẫn bị kẹt tiền?

Trang CNBC cho biết, đây là câu hỏi mà giới đầu tư ở Phố Wall đang đặt ra về Ford. Theo dữ liệu của FactSet, hãng sản xuất ô tô này là một trong 10 công ty Mỹ nắm giữ lượng tiền mặt lớn nhất, bên cạnh những “ông lớn” như Berkshire Hathaway, Apple, Microsoft...

Trả lời câu hỏi trên, các nhà phân tích nói rằng Ford đối mặt nhiều thách thức trong vài năm tới, đến nỗi hãng phải tiết kiệm từng đồng.

Loạt khó khăn đang chờ Ford

Trước mắt, Ford đứng trước hai thử thách. Thứ nhất, Ford đã công bố một chiến dịch tái cơ cấu kéo dài nhiều năm, chủ yếu ở thị trường châu Âu và Nam Mỹ, và kế hoạch này được nhà phân tích Bruce Clark của tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s ước tính là sẽ tiêu tốn khoảng 7 tỷ USD tiền mặt.

Thứ hai, Ford còn phải chi nhiều tỷ USD cho việc nâng cấp, làm mới những mẫu xe chủ chốt của hãng, bao gồm loại xe bán chạy nhất - dòng bán tải F-series. Chưa kể, Ford sẽ phải đầu tư khoảng 11,5 tỷ USD để chuẩn bị sẵn sàng cho xu hướng xe chạy điện và xe không người lái, bắt đầu bằng mẫu xe crossover Mustang Mach E mà hãng trình làng vào hôm Chủ nhật vừa rồi. Với 7 mẫu xe điện dự kiến được Ford ra mắt trong thời gian đến cuối năm 2020, nỗ lực của Ford trong vấn đề điện hóa xe vẫn bị xem là khiêm tốn và ít tham vọng hơn so với các đối thủ khác - theo đánh giá của nhà phân tích Garrett Nelson thuộc CFRA Research.

Một chiếc SUV Explorer của Ford.
Một chiếc SUV Explorer của Ford.

Bên cạnh đó, Ford đang tiến hành cải tiến các mẫu xe đắt tiền hơn như chiếc SUV Explorer, song song với việc loại bỏ những mẫu xe sedan có giá rẻ hơn không còn được người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt tại thị trường Mỹ. Vì vậy, Ford đang trong quá trình thay thế 75% sản phẩm tại thị trường Bắc Mỹ, xét trên doanh số, trong thời gian đến hết năm 2020. Mà làm xe là một lĩnh vực kinh doanh đòi hỏi tiêu tốn rất nhiều tiền, nên Ford phải đảm bảo chắc chắn rằng lượng tiền mặt của hãng phải duy trì trên ngưỡng 20 tỷ USD để có thể ứng phó với bất kỳ cuộc suy thoái nào có thể xảy ra. Dự báo về suy thoái kinh tế là một việc rất khó, nhưng xét cho cùng, suy thoái chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

“Ngành công nghiệp ô tô là một lĩnh vực có tính chu kỳ cực cao”, chuyên gia Clark của Moody’s nhận định. “Khi suy thoái kinh tế xảy ra, các hãng xe đốt tiền rất nhanh. Họ luôn biết là sẽ có suy thoái, nhưng không biết là suy thoái sẽ xảy đến vào lúc nào”.

Lãnh đạo của Ford lường trước những khó khăn có thể xuất hiện trong thời gian tới. “Chúng tôi sẽ gặp nhiều trở ngại hơn trong quý 4”, Tổng giám đốc (CEO) James Hackett của Ford nói sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 3 mới đây.

Việc Ford cắt giảm dự báo doanh thu và lợi nhuận quý 4 đã khiến cổ phiếu hãng tụt 7% trong phiên giao dịch sau khi báo cáo tài chính quý 3 được công bố. Trong vòng 12 tháng qua, cổ phiếu Ford giảm hơn 3%, so với mức tăng 18% của chỉ số S&P 500.

Hồi tháng 6, Ford tuyên bố cắt giảm 12.000 nhân viên tại thị trường châu Âu trong thời gian đến cuối năm 2020, song song với đóng cửa hoặc bán lại 6 trong số 24 nhà máy tại khu vực này. Đầu năm 2019, Ford tuyên bố đóng cửa nhà máy lâu năm nhất của hãng ở Brazil và rút khỏi mảng xe tải thương mại hạng nặng ở Nam Mỹ. Tất cả những mảng kinh doanh mà Ford đóng cửa hoặc rút lui đều là những mảng mà triển vọng lợi nhuận ngày càng đi xuống. Thị trường Mỹ vẫn mang lại mức lãi tốt hơn cho Ford, nhưng ngay ở Mỹ, Ford cũng có các đợt sa thải trong năm nay.

Hồi tháng 9, Moody’s cắt giảm định hạng tín nhiệm nhà phát hành trái phiếu của Ford về mức Ba1, mức cao nhất trong khung không khuyến nghị đầu tư (junk bond). “Ford đang tiến hành tái cơ cấu ở một vị thế yếu. Các thước đo dòng tiền và tỷ suất lợi nhuận của Ford đều thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi”, báo cáo của Moody’s có đoạn viết.

Lợi nhuận tụt dốc

Trước khi triển khai kế hoạch tái cơ cấu, làm mới sản phẩm và chuẩn bị cho khả năng suy thoái kinh tế, Ford đã ở trong tình trạng mất thị phần, đặc biệt là thị phần ngoài thị trường Mỹ. Tỷ suất lợi nhuận của Ford cũng thấp hơn các đối thủ toàn cầu khác. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế ở mảng ô tô của Ford (không tính đến mảng tín dụng Ford Motor Credit) đạt 4,8% trong quý 3 năm nay, giảm mạnh từ mức 6,1% trong cả năm 2017.

Nếu suy thoái xảy đến, tình hình lợi nhuận của Ford chắc chắn sẽ tồi tệ hơn. Theo một phân tích của tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s, tính bình quân, mỗi cuộc suy thoái kinh tế sau Chiến tranh Thế giới thứ hai khiến nhu cầu tiêu thụ ô tô của Mỹ giảm khoảng 18,7%.

Xe SUV Lincoln Aviator bản hybrid.
Xe SUV Lincoln Aviator bản hybrid.

Ford hiện đang ra sức điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với những yêu cầu mới trên thị trường, nhưng mọi chuyện chẳng hề dễ dàng.

Ford đã ra mắt mẫu xe lai (hybrid) SUV Lincoln Aviator mới, nhưng doanh số của chiếc xe này còn chậm, chưa kể có những thông tin nói chiếc xe có vấn đề về chất lượng. Việc ra mắt chiếc SUV Explorer đời  2020 vào mùa hè năm nay cũng bị chậm do quá trình điều chỉnh nhà máy ở Chicago không diễn ra suôn sẻ. Trở ngại này khiến doanh số xe Explorer bị giảm 50% trong quý 3.

Nhiều mẫu xe mới của Ford còn chưa có mặt ở đại lý, hoặc phải tới cuối năm sau mới ra hàng, từ mẫu bán tải F-series được thiết kế lại, cho tới bản hybrid của chiếc SUV cỡ trung Escape với khả năng chỉ đi được quãng đường 30 dặm nếu chạy hoàn toàn bằng điện.

Điện hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở mảng xe bán tải, loại xe bán chạy nhất ở Mỹ hiện nay. Tesla mới đây công bố mẫu Cybertruck, trong khi GM cũng và trình làng mẫu xe bán tải chạy điện đầu tay, dự kiến bắt đầu bán lẻ vào mùa th 2021.

Để phát triển xe chạy điện, Ford hợp tác với Volkswagen - hãng xe đã đầu tư lớn vào lĩnh vực này. Thông qua mối quan hệ đối tác này, Ford dược sử dụng nền tảng xe điện MEB của Volkswagen cho ít nhất 4 mẫu xe điện dự kiến ra mắt vào khoảng năm 2023.

Nhưng giới chuyên gia dự báo, cho đến tận năm 2030, xe điện chỉ chiếm 5% doanh số của Ford tại thị trường Mỹ, ngang với tỷ lệ xe điện trong doanh số của các hãng xe Mỹ khác như GM và Fiat Chrysler. Trong khi đó, BMW và Mercedes có thể đạt tỷ trọng 20-25% xe điện trong doanh số tại thị trường Mỹ. Điều này cho thấy sự chậm chạp của các hãng xe Mỹ trong cách mạnh điện hóa ô tô.

Hãng định hạng tín nhiệm Standard & Poor’s cũng đã cắt giảm điểm tín nhiệm của Ford vào tháng 10, về mức BBB-, ngưỡng cao nhất trong khung không khuyến nghị đầu tư.

Tuy nhiên, Standard & Poor’s cho rằng tình trạng eo hẹp tài chính của Ford không đến mức nguy hiểm. “Mục tiêu dài hạn của Ford đạt tổng dự trữ tiền mặt khoảng 30 tỷ USD cho mảng ô tô cho thấy sự quản lý rủi ro tài chính khôn ngoan”, báo cáo của Standard & Poor’s nhận xét.

Theo CNBC

Tags: Ford

Tin mới

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, thị trường ô tô Việt Nam đã có dấu hiệu lao dốc và ảm đạm dù vừa vượt mốc thị trường nhỏ vào cuối năm 2022. Để kích cầu, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam liên tục tung ra những hình thức khuyến mại, ưu đãi lớn. Tuy nhiên, mọi cố gắng dường như chưa đủ sức để giúp doanh số bán hàng của thị trường tăng trưởng trở lại như kì vọng.
Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona đã ra mắt lần đầu tiên cách đây hơn nửa thập kỷ vào năm 2017 và được nâng cấp vào năm 2020. Trước khi năm 2022 sắp kết thúc, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc hiện đang mang đến cái nhìn đầu tiên về Kona thế hệ thứ hai, mẫu xe nhận được sự thay đổi triệt để.
Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Cận Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, các hãng xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu tại Việt Nam đang “chạy đua” triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu. Mặc dù vậy, vẫn có những hãng xe đi ngược số đông vì nhiều lý do.