Theo trang Hot Cars, từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai cho tới cuối thế kỷ 20, những “quái thú” Mỹ như Buick, Imperial, Lincoln, Cadillac… không chỉ tạo hit lớn ở thị trường Mỹ mà còn ở nước ngoài. Thiết kế tạo bạo và chất thẩm mỹ cơ bắp của ô tô đến từ các nhà sản xuất như General Motors (GM) và Chrysler đã luôn là một trong những lựa chọn đầu tiên của người Mỹ khi mua xe hơi trong suốt vài thập kỷ.
Nhưng rồi cuộc chơi đã nhanh chóng thay đổi, khi các thương hiệu xe nước ngoài, cụ thể là xe Nhật và xe châu Âu, mở cuộc tấn công vào các đường phố Mỹ. Tuy nhiên, đây không phải là lý do duy nhất khiến ánh hào quang của ô tô Mỹ hạng sang dần phai nhạt.
Có hàng loạt vấn đề khác tưởng như không đáng kể nhưng lại gây ra ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà sản xuất ô tô Mỹ. Ảnh hưởng đó đã tạo ra một lỗ hổng lớn, đến nỗi xe sang Mỹ gần như không thể lấy lại vinh quang xưa cũ.
Giờ đây, không một hãng xe Mỹ nào có được vị trí hàng đầu ở phân khúc hạng sang, không chỉ ở Mỹ mà cả ở thị trường nước ngoài. Sự thay đổi chóng mặt này chẳng khác gì một bộ phim bi kịch của Hollywood.
Bi kịch bắt đầu khi khủng tài chính 2007-2008 mở đường cho một cuộc suy thoái sâu của nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Mỹ. Tất cả các ngành công nghiệp đều không tránh được ảnh hưởng của trận suy thoái đó, nhưng các hãng xe Mỹ xem ra chịu tác động khủng khiếp hơn cả.
Trước khủng hoảng, giá dầu tăng vọt, vượt ngưỡng 160 USD/thùng đối với giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York vào mùa hè 2008, khiến nhu cầu xe sang và các mẫu xe lớn như SUV sụt mạnh do đây đều là những mẫu xe có mức tiêu hao nhiên liệu lớn.
Ở thời điểm đó, các hãng xe Mỹ không có đủ các mẫu xe tiết kiệm năng lượng để giữ chân khách hàng. Đây chính là cơ hội đầu tiên mà các hãng xe nước ngoài ngay lập tức chiếm lĩnh khỏi tay đối thủ Mỹ. Chẳng bao lâu sau, người tiêu dùng Mỹ đã bị thu hút bởi những mẫu xe nước ngoài: nhỏ những vẫn đẹp, rẻ nhưng vẫn sexy, và quan trọng là tiết kiệm nhiên liệu hơn những chiếc ô tô Mỹ cồng kềnh, ngốn xăng như nước lã.
Với doanh số giảm ở tốc độ 2 con số, trong thời gian 2008-2010, ngành ô tô Mỹ rơi vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ: trong số “tam đại gia” công nghiệp ô tô Mỹ, GM và Chrylser cùng phải đệ đơn phá sản, riêng chỉ có Ford tránh được thảm cảnh này.
Một phần do hoàn cảnh khách quan, một phần do không thích ứng đủ nhanh với sự thay đổi “khẩu vị” của người tiêu dùng, phần khác do thiếu chiến lược kinh doanh đủ tốt, thập niên 2000 đã chứng kiến sự sụp đổ của hàng loạt mẫu xe huyền thoại của Mỹ.
Ngoài ra, sau một thời gian sử dụng xe của các hãng nước ngoài, người tiêu dùng Mỹ dần hình thành một quan niệm rằng xe sang do các hãng xe Mỹ sản xuất không đáng tin cậy bằng xe đến từ các nhà sản xuất nước ngoài. Họ thường xem xét tỷ lệ triệu hồi của các mẫu xe khi lựa chọn giữa xe của thương hiệu trong nước và thường hiệu ngoại. Những mẫu xe có tỷ lệ triệu hồi thấp hơn được coi là đáng tin cậy hơn.
Đây là một điểm yếu khác của các hãng xe Mỹ so với các hãng xe nước ngoài, bởi xe sang Mỹ có tỷ lệ triệu hồi cao hơn nhiều so với xe sang nhập khẩu. Đáng nói thêm là các vụ triệu hồi đó thường diễn ra ngay trong những năm đầu của các mẫu xe mới sau khi ra mắt - một dấu hiệu cho thấy nhà sản xuất đã thiếu sự kỹ lưỡng và quá vội vàng khi tung ra sản phẩm mới. Tâm lý nôn nóng, muốn đi trước đối thủ đã dẫn tới kết cục thiết kế không hợp lý, chất lượng xe kém, hiệu năng thiếu ấn tượng.