Theo báo cáo kết quả kinh doanh công bố ngày 29/4, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất-kinh doanh của Volkswagen sụt hơn 77%, còn 904 triệu Euro, tương đương 978 USD, từ mức 3,9 tỷ Euro, tương đương 4,3 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Hãng xe lớn nhất thế giới cảnh báo lợi nhuận của cả năm 2020 sẽ thấp hơn nhiều so với 2019, nhưng vẫn sẽ là một con số dương.
Volkswagen Group - tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu ô tô như Audi, Porsche, Seat…- cho biết doanh số toàn tập đoàn trong quý 1 giảm 25%, còn 1,9 triệu xe. Lượng xe giao cho khách hàng giảm 23%, còn 2 triệu xe.
“Đại dịch toàn cầu Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất-kinh doanh của chúng tôi trong quý 1. Chúng tôi đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm cắt giảm chi phí và đảm bảo thanh khoản. Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ được vị thế vững chãi về tài chính”, Giám đốc tài chính (CFO) Frank Witter của Volkswagen nói trong một tuyên bố. “Volkswagen Group đang vượt qua cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ này bằng sự tập trung và quyết tâm cao độ”.
Đại dịch đã khiến nhu cầu tiêu thụ ô tô sụt giảm tại khắp các thị trường và gây gián đoạn hoạt động của các nhà máy và chuỗi cung ứng trong ngành ô tô, do các biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch buộc các nhà máy phải đóng cửa và người tiêu dùng ở trong trong nhà.
Hôm 28/4, hãng xe Mỹ Ford báo lỗ 1,9 tỷ USD trong quý 1, đồng thời cảnh báo có thể lỗ thêm 5 tỷ USD trong quý 2.
Volkswagen và các hãng xe lớn khác đã bắt đầu rục rịch mở cửa trở lại các nhà máy sản xuất ô tô tại châu Âu. Hôm thứ Hai tuần này, Volkswagen đã tái khởi động nhà máy lớn nhất của hãng đặt ở Wolfsburg, Đức, sau đợt đóng cửa dài nhất trong 82 năm lịch sử của nhà máy. Hầu hết nhà máy của Volkswagen ở Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, cũng đã hoạt động trở lại.
Volkswagen cho biết đã đưa ra 100 thay đổi trong cách thức hoạt động, nhằm khởi động lại công việc mà không đặt ra nguy cơ về sức khỏe cho hàng trăm nghìn công nhân viên. “Sức khỏe của công nhân viên và các nhà cung ứng rõ ràng vẫn là ưu tiên”, ông Witter khẳng định.
Volkswagen và các hãng xe Đức khác, bao gồm BMW và Daimler - chủ thương hiệu Mercedes-Benz, được cho là sẽ chống chọi với cuộc khủng hoảng này tốt hơn so với đối thủ, một mặt bởi các hãng xe Đức có tiềm lực tài chính mạnh, mặt khác Trung Quốc - thị trường chủ chốt của ô tô Đức - đang có những dấu hiệu hồi phục tốt. Đây là nhận định của ông Ferdinand Dudenhoffer, nha sáng lập Trung tâm Nghiên cứu ô tô thuộc Đại học Duisburg-Essen của Đức, đưa ra trong một cuộc trao đổi với trang CNN Business.
Cũng theo ông Dudenhoffer, doanh số ô tô tại châu Âu sẽ mất ít nhất 10 năm để phục hồi trở lại mức của năm 2019. Hiện các hãng xe Đức đang kêu gọi Chính phủ nước này triển khai một chương trình “thưởng dập xe cũ” tương tự như hồi khủng hoảng tài chính 2008-2009, thưởng tiền mặt cho người tiêu dùng mang xe cũ đi dập để mua xe mới.
Theo Volkswagen, lượng xe mà hãng giao hàng cho khách mua ở Trung Quốc giảm 35% trong quý 1, nhưng những dấu hiệu hồi phục đã xuất hiện vào tháng 3. Hãng kỳ vọng nhu cầu mua xe bị dồn nén ở Trung Quốc thời gian qua sẽ bật tăng trong thời gian còn lại của năm.
Volkswagen dự báo nhu cầu ô tô mới trên toàn cầu trong năm nay sẽ giảm khoảng 15-20% so với năm 2019. Thị trường châu Á-Thái Bình Dương sẽ khả quan hơn các khu vực khác, với mức giảm được Volkswagen dự báo dao động trong khoảng 10-15%.
Cùng ngày 29/4, hãng Daimler công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 1, trong đó doanh số bán xe giảm 17% so với cùng kỳ 2019, còn 644.300 xe. Lợi nhuận giảm 92%, còn 168 triệu Euro, tương đương 182 triệu USD. Hãng cảnh báo cả doanh thu và lợi nhuận của năm 2020 sẽ đều giảm sâu.
“Trong số các thị trường chính, Trung Quốc có thể sẽ là thị trường đầu tiên đạt tới sự phục hồi tương đối chắc chắn”, Daimler nhận định.