Hãng xe điện Tesla của Mỹ đã thua lỗ tổng cộng 5 tỷ USD trong vòng 15 năm. Nhưng một hãng xe điện khác được mệnh danh là “Tesla Trung Quốc” lại gánh khoản thua lỗ tương tự chỉ trong vòng 4 năm.
Xu hướng thua lỗ trên vẫn tiếp tục. Theo dự báo của giới phân tích, vào ngày thứ Ba tuần này, NIO - hãng sản xuất ôtô chạy điện có trụ sở ở Thượng Hải - sẽ báo lỗ thêm 2,6 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 369 triệu USD, trong quý 2, tương đương mỗi ngày lỗ 4 triệu USD.
Khoản lỗ trên sẽ nâng tổng mức thua lỗ của NIO, công ty được hậu thuẫn bởi hãng công nghệ khổng lồ của Trung Quốc Tencent, lên khoảng 5,7 tỷ USD kể từ khi được William Li thành lập vào năm 2014.
Chi phí lớn, doanh số thấp, và những vụ triệu hồi xe đã khiến giá trị vốn hóa của NIO tụt dốc 74% từ mức kỷ lục 11,9 tỷ USD cách đây 1 năm. Sự đảo ngược vận may của NIO cho thấy vì sao ngày càng có nhiều người lo ngại rằng Trung Quốc đã tạo ra một bong bóng xe chạy điện và bong bóng này đang chuẩn bị vỡ.
“Năm nay và năm tới, sẽ có nhiều biến động đối với các công ty khởi nghiệp (startup) về xe chạy điện”, nhà phân tích Siyi Mi của Bloomberg nhận xét. “Trước đây, các công ty đầu tư mạo hiểm thường theo đuổi các startup này, nhưng giờ thì không còn nữa”.
Tổng doanh số xe chạy điện ở Trung Quốc, quốc gia chiếm một nửa doanh số xe điện của thế giới, đã giảm lần đầu tiên trong tháng 7 vừa qua, sau khi Chính phủ cắt giảm trợ cấp.
Doanh số xe điện Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 8, làm dấy lên nghi ngờ rằng một trong những trụ cột cuối cùng của thị trường ôtô nói chung ở Trung Quốc đã bắt đầu lung lay. Trong 15 tháng trở lạ đây, thị trường ôtô Trung Quốc có 14 tháng chứng kiến doanh số sụt giảm, một đợt giảm chưa từng có tiền lệ.
Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ Trung Quốc giảm dần trợ cấp cho các loại xe năng lượng mới, bao gồm xe chạy điện hoàn toàn, xe chạy pin nhiên liệu hydro và xe lai (hybrid), nhằm mục đích để ngành này tự đứng trên đôi chân của chính mình và tránh tình trạng bong bóng. Tuy nhiên, việc giảm trợ cấp khiến tốc độ tăng trưởng doanh số của xe chạy điện ở Trung Quốc đuối dần và chuyển sang suy giảm, khiến các hãng như BYD mới đây cảnh báo rằng lợi nhuận sẽ diễn biến theo chiều hướng xấu.
Tại NIO, áp lực huy động vốn mới đang gia tăng. Công ty cho biết đến cuối tháng này sẽ giảm 14% nhân viên, còn 7.500 người. Những sự cố như pin xe bốc cháy hay bốc khói đã khiến NIO phải triệu hồi khoảng 4.800 xe, hơn 20% tổng số xe mà hãng đã bán được đến nay. Số xe mà hãng giao hàng trong quý 2 vừa qua giảm so với quý 1.
NIO cũng đã hủy kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất xe ở Thượng Hải sau khi chính quyền địa phương này chọn hỗ trợ tài chính cho Tesla. Thay vào đó, NIO chuyển việc sản xuất hai mẫu xe ES6 và ES8 sang cho công ty Anhui Jianghuai Automobile Group.
Cho dù Tencent và cá nhân nhà sáng lập Li mỗi bên đã rót cho NIO 100 triệu USD trong tháng này, bản chất “ngốn tiền” của ngành công nghiệp ôtô đồng nghĩa với việc số vốn này không kéo dài được lâu, theo ông Bill Russo, nhà sáng lập của Automobility, một công ty tư vấn ôtô ở Thượng Hải.
Về phần mình, ông Li không cho rằng NIO đang đối mặt những thách thức lớn. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi tháng 6, ông nói sự sụt giá cổ phiếu NIO “không phải là chuyện lớn”, rằng các nhà đầu tư cần hiểu rằng việc sản xuất ra những chiếc xe mới cần tiêu tốn tiền.
Tuy nhiên, tiền đang là thứ khan hiếm đối với NIO, và công ty đang trông chờ vào khả năng một công ty đầu tư được hậu thuẫn bởi chính quyền thành phố Bắc Kinh rót cho 10 tỷ Nhân dân tệ.
Một thách thức lớn khác đối với NIO chính là Tesla, khi hãng xe Mỹ này dự kiến bắt đầu sản xuất xe tại Trung Quốc vào cuối năm nay. Khi đó, Tesla có thể giảm giá bán xe tại Trung Quốc.
“NIO đã không đạt được một vị thế đúng đắn”, nhà sáng lập Yale Zhang của AutoForesight nhận xét. “Tôi không lấy làm lạc quan về tương lai của công ty này trong dài hạn”.