Kiếm tiền từ hệ thống giải trí trong xe
Đã quen với hệ thống giải trí trên smartphone, trong phòng khách, vì thế người tiêu dùng cũng muốn có một hệ thống giải trí hiện đại như vậy trên ô tô. Đó đang là một nhu cầu ngày càng rõ rệt của người dùng.
Theo CNBC, hiện vẫn chưa có nhiều nhà sản xuất ô tô có ý định kiếm lợi nhuận từ các hệ thống thông tin giải trí trên xe hơi. Tuy nhiên, nhưng điều đó sẽ thay đổi!
Năm 2017, GM đã trở thành nhà sản xuất ô tô đầu tiên cung cấp giao dịch mua xe cho các nhà bán lẻ thông qua một ứng dụng có tên Marketplace. GM dự đoán ứng dụng sẽ tăng lòng trung thành của khách hàng và mang đến cơ hội lợi nhuận cho công ty, bao gồm chia sẻ doanh thu với các nhà bán lẻ.
Việc sử dụng dịch vụ phát nhạc hiện tại như Spotify không mang lại lợi ích trực tiếp cho kinh tế của các nhà sản xuất ô tô, nhưng khi mô hình “car as a service” (ô tô giống như một dịch vụ, chứ không đơn thuần là phương tiện vận chuyển), sẽ có những cách chơi kiếm tiền rõ ràng hơn từ hệ thống giải trí này. “Car as a service” cũng giống như “software as a service”, một thuật ngữ đang được nhiều ngành công nghiệp sử dụng khi internet và công nghệ đám mây trở thành trung tâm của nhiều mô hình kinh doanh.
Tesla sử dụng hệ thống thông tin giải trí riêng của hãng trên ô tô, trong khi các nhà sản xuất ô tô khác tương tác với các nền tảng của bên thứ ba hoặc hỗn hợp cả hai, chẳng hạn như hệ thống Ford Sync.
Một hệ thống riêng như của Tesla cho phép công ty kiểm soát nhiều hơn phương tiện giải trí của họ, biến nó thành một nền tảng cho các dịch vụ khác, kết nối với những thứ như Netflix. Vì thế, nếu có thể biến chiếc xe của mình thành một nền tảng cho các dịch vụ khác và cho các công ty khác, sẽ có rất nhiều tiền được “đẻ” ra.
Dựa vào các hãng công nghệ lớn
Các công ty như Apple và Google kiếm tiền từ các dịch vụ phát trực tuyến, trong đó người dùng trả tiền đăng ký thuê bao, thanh toán ngay trong ứng dụng.
Về phần mình, Tesla hiện đang gia tăng giá trị và làm cho người dùng quen với các tính năng bổ sung, từ đó để ngỏ khả năng kiếm tiền. Điều đáng nói là họ có toàn quyền kiểm soát hệ thống thông tin giải trí của họ và dịch vụ phát trực tuyến nào hoạt động trên đó, vì vậy họ có thể khiến Netflix phải trả tiền cho họ khi muốn xuất hiện trên xe hơi của Tesla.
Tesla cũng có thể thêm các dịch vụ khác hoặc bắt đầu dịch vụ của riêng họ trên hệ thống. Ngược lại, Netflix cũng ó thể phản ứng bằng cách không hỗ trợ nền tảng của Tesla. Đó là câu chuyện kinh doanh, lợi nhuận sau này, khi các hệ thống giải trí trên ô tô phát triển và thịnh hành. Hiện tại, số lượng xe ô tô Tesla bán ra không nhiều, chỉ mới khoảng một triệu xe, trong khi lấy ví dụ Toyota đã bán hơn 2 triệu xe mỗi năm ở Mỹ. Và như vậy, câu hỏi đặt ra sẽ hoàn toàn khác, khi cuộc chiến đã lên tới độ có hàng triệu người đăng ký sử dụng dịch vụ, thay vì hàng trăm ngàn như hiện nay.
Rõ ràng, nếu Tesla đạt đến điểm “hàng triệu người đăng ký” đó, thì sự kiểm soát của họ với nền tảng riêng sẽ là một đòn bẩy kiếm tiền.
Một cách kiếm tiền khác là tính phí các kết nối dịch vụ. Chiếc Mustang Mach-E của Ford đã tích hợp 4G LTE. Ford từ chối nói về việc họ có tính phí cho một số dịch vụ LTE không.
Nhiều nhà sản xuất ô tô đã cung cấp WiFi trong xe trong nhiều năm thông qua phí dữ liệu một lần hoặc đăng ký hàng tháng và hàng năm.
Trong khi đó, với các giao dịch như Volvo và Google, công ty công nghệ sẽ có nhiều quyền lực kiểm soát các tính năng mới và cho phép các các nhà phát triển tích hợp ứng dụng với hệ thống.
Dự đoán là Google sẽ ngày càng kiểm soát quyền lực nhiều hơn, người dùng sẽ ngày càng kết nối trực tiếp đến các tài khoản Google của họ. Và như thế, nhà sản xuất ô tô sẽ có ít cơ hội kiếm tiền hơn từ hệ thống này.
Một phát ngôn viên của GM cho biết việc định giá cho các gói giải trí này sẽ được công bố khi GM chuẩn bị ra mắt những chiếc xe đầu tiên tích hợp các dịch vụ này.
Vấn đề mà các nhà sản xuất ô tô gặp phải là họ không thể đầu tư nhiều vào xây dựng nền tảng giải trí khi họ cũng phải đầu tư vào phát triển chiếc xe. Và các công ty như Google hiện đang rất lợi thế, có nền tảng khổng lồ, có thể đưa ra giải pháp nhanh nhất, dễ dàng nhất “đưa Google vào cửa ô tô”.
Tất nhiên, tình thế hiện tại là giải trí trên ô tô vẫn chưa đến mức thịnh hành. Và một số người tiêu dùng vẫn đang hoài nghi về giá trị của các dịch vụ này. “Tại sao tôi cần một hệ thống giải trí trong xe giá 1.000 USD khi mà điều đó đã có trên iPhone của tôi?” là câu hỏi không phải ít người đặt ra.
Dù vậy, tương lai về một thị trường giải trí trên xe bộn tiền là bài toán mà các nhà sản xuất ô tô nên đặt ra, nếu không muốn bị các hãng công nghệ “nẫng tay trên”.