Hàng nghìn ô tô vật vờ ngoài biển, thị trường Mỹ khó lại càng khó

Phương Vy

Với chiều dài bằng khoảng hai sân bóng đá, con tàu chở hàng Jupiter Spirit rục rịch cập cảng ở Los Angeles, Mỹ vào hôm 24/4, sau hành trình kéo dài gần 3 tuần từ Nhật Bản. Khi đến nơi, con tàu đã sẵn sàng cho việc bốc dỡ lô hàng là 2.000 ô tô Nissan.

Bãi chứa ô tô nhập khẩu ở cảng Los Angeles, Mỹ hôm 28/4 - Ảnh: Bloomberg.
Bãi chứa ô tô nhập khẩu ở cảng Los Angeles, Mỹ hôm 28/4 - Ảnh: Bloomberg.

Theo dự kiến, việc bốc dỡ lô hàng - gồm những chiếc SUV Armada, crossover Rogue và sedan Infiniti - chỉ mất nửa ngày.

Vậy nhưng, khi con tàu - được vận hành bởi bộ phận vận tải biển của hãng xe Nissan - chỉ còn cách bờ biển khoảng 1 dặm, vị thuyền trưởng nhận được yêu cầu thả neo.

Và con tàu đã vật vờ ở vị trí đó trong suốt gần 1 tuần, trở thành một biểu tượng cho một sự bế tắc chưa từng có tiền lệ: tất cả những bãi chứa hàng gần đó, trải rộng trên diện tích hàng trăm mẫu, đều đã chật cứng những ô tô mà người tiêu dùng Mỹ đột nhiên mất hứng thú để mua.

Hiện nay, sự thừa mứa dưới mọi hình thức và chủng loại đang hình thành trên khắp nước Mỹ, phản ánh độ sâu rộng của vết thương mà đại dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các cơ sở giết mổ gia súc phải giết và vứt bỏ hàng nghìn con lợn mỗi ngày, các trang trại bò sữa phải đổ bỏ sữa, các hãng dầu lửa phải trả thêm tiềm để khách hàng nhận lấy dầu thô… Và giờ đây, những chiếc ô tô mới phải vật vờ ngoài khơi, trên tàu chở hàng, suốt nhiều ngày trời.

Đối với ngành công nghiệp xe, cuộc khủng hoảng mà dịch bệnh gây ra đã khiến một lượng lớn ô tô rơi vào cảnh bị bụi phủ trong kho đại lý. Các đại lý đóng cửa, giá xe sụt giảm và hàng nghìn công nhân viên của các hãng xe và doanh nghiệp liên quan bỗng chốc thất nghiệp hoặc bị cắt giảm công việc. Trong tháng 4, doanh số bán ô tô tại Mỹ giảm 54% đối với Toyota, giảm 47% đối với Subaru, và giảm 39% đối với Hyundai.

“Các đại lý không muốn nhận thêm xe, việc bán đổ xe cũng giảm mạnh vì các công ty cho thuê xe và taxi cũng không nhận xe giao đến cho họ nữa”, ông John Feitto, Phó chủ tịch chi nhánh tại Mỹ của công ty vận tải biển Na Uy Wallenius Wilhelmsen, cho biết. “Chưa bao giờ chúng tôi chứng kiến tình trạng như thế này. Ai ai cũng trong tình trạng ‘ngán đến tận cổ’”.

Tàu Jupiter Spirit cuối cùng cũng được bốc dỡ lô hàng ô tô Nissan vào hôm 29/4. Tuy nhiên, ngành ô tô là một lĩnh vực đòi hỏi sự đúng giờ cao, nên sự trì hoãn xảy vừa xảy ra đối với con tàu này ở cảng Long Beach là một câu chuyện không bình thường.

Ô tô được dỡ hàng từ tàu biển ở cảng Los Angeles hôm 28/4 - Ảnh: Bloomberg.
Ô tô được dỡ hàng từ tàu biển ở cảng Los Angeles hôm 28/4 - Ảnh: Bloomberg.

“Rất bất thường khi một tàu chở hàng là ô tô không đi thẳng vào cầu tàu để dỡ hàng”, ông Kiplig Louttit, Giám đốc điều hành Marine Exchange of Southern California, một tổ chức theo dõi giao thông tàu chở hàng thương mại, phát biểu.

Không chỉ tàu Jupiter Spirit, nhiều tàu chở ô tô khác cũng phải đổi lịch trong tháng 4 do phản ứng dây chuyền gây ra bởi sự sụt giảm doanh số chóng mặt trên thị trường xe ở Mỹ. Nhiều tàu phải chuyển sang cập cảng ở nơi khác, một số phải chờ vài ngày để được dỡ hàng, số khác phải hủy chuyến đi từ trước khi lên đường.

Cảng Hueneme ở California phải tìm địa điểm lân cận để có chỗ xếp 6.000 ô tô dư thừa, bởi 4.000 ô tô khác đã chiếm hết chỗ tại cảng này. Các công ty hậu cần của ngành ô tô thậm chí phải trưng dụng một kho lạnh gần đó và cả một căn cứ của Hải quân Mỹ để làm chỗ cất xe.

“Ô tô là mặt hàng không thể xếp chồng lên nhau được”, bà Kristin Decas, Giám đốc điều hành cảng Hueneme, nói.

Đang chật vật với một lượng ô tô tồn kho quá lớn, các bến cảng ở Mỹ còn lo ngại một kịch bản thậm chí còn tồi tệ hơn: không thể giao hàng số ô tô này khi nền kinh tế chìm sâu vào suy thoái.

Theo dự báo của IHS Markit, doanh số ô tô ở Mỹ có thể giảm 27% trong năm nay, còn 12,5 triệu xe, mức thấp nhất kể từ năm 2010. Còn theo JD Power, giá xe cũ ở Mỹ có thể giảm từ 8-16% trong thời gian từ nay đến hết tháng 6, sau đó bình ổn dần đến cuối năm khi nền kinh tế mở cửa trở lại và nhu cầu khởi sắc.

Những dự báo u ám này phù hợp với nhận định của các nhà điều hành cảng Hueneme: lượng ô tô được vận chuyển qua cảng này sẽ giảm ít nhất 25% trong vòng 1 năm tới. Các công ty hậu cần nhập khẩu ô tô tại cảng này đã sa thải 80% nhân viên địa phương do dự báo kinh doanh suy giảm kéo dài.

May thay, cảng Hueneme còn có một nguồn thu khác để bù lại. Cảng này nhập khẩu nhiều hoa quả nhiệt đới, như dứa, bơ, và nhất là chuối.

“Người ta có thể không mua ô tô trong lúc suy thoái kinh tế”, ba Decas phát biểu. “Nhưng kiểu gì họ cũng ăn chuối”.

Theo Bloomberg

Tin mới

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, thị trường ô tô Việt Nam đã có dấu hiệu lao dốc và ảm đạm dù vừa vượt mốc thị trường nhỏ vào cuối năm 2022. Để kích cầu, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam liên tục tung ra những hình thức khuyến mại, ưu đãi lớn. Tuy nhiên, mọi cố gắng dường như chưa đủ sức để giúp doanh số bán hàng của thị trường tăng trưởng trở lại như kì vọng.
Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona đã ra mắt lần đầu tiên cách đây hơn nửa thập kỷ vào năm 2017 và được nâng cấp vào năm 2020. Trước khi năm 2022 sắp kết thúc, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc hiện đang mang đến cái nhìn đầu tiên về Kona thế hệ thứ hai, mẫu xe nhận được sự thay đổi triệt để.
Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Cận Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, các hãng xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu tại Việt Nam đang “chạy đua” triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu. Mặc dù vậy, vẫn có những hãng xe đi ngược số đông vì nhiều lý do.