Hãng xe Pháp Renault cho biết sẽ cắt giảm 14.600 việc làm trên phạm vi toàn cầu và giảm sản lượng xe khoảng 1/5. Đây là một phần nội dung của kế hoạch cải tổ kéo dài trong thời gian 3 năm của Nissan nhằm tiết giảm chi phí.
Cùng ngày, công ty Autoliv có trụ sở ở Stockholm, Thụy Điển - nhà cung cấp lớn nhất thế giới đai an toàn và túi khí - cũng tuyên bố cắt giảm việc làm. Tại Đức, hãng BMW tăng mức bồi thường thất nghiệp để 5.000 công nhân nghỉ việc. Hãng cung cấp phụ tùng ZF Friedrichshafen đưa ra kế hoạch sa thải khoảng 12.000-15.000 vị trí.
Đợt sa thải quy mô lớn này diễn ra giữa lúc ngành ô tô châu Âu đang gượng dậy từ sau cú sốc kép giáng xuống bởi đại dịch. Lúc đầu, trận dịch gây gián đoạn chuỗi cung ứng linh kiện của các nhà sản xuất phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Tiếp đó, các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo để chống dịch tại những quốc gia như Pháp, Đức và Anh đã buộc các nhà máy sản xuất xe và đại lý ô tô phải đóng cửa, người tiêu dùng ngồi nhà trong khi lượng xe tồn kho chất đống.
Hiện tại, các nền kinh tế trên toàn cầu đang dần mở cửa trở lại, nhưng nhu cầu mua xe mới được dự báo sẽ phục hồi với tốc độ rất chậm chạp.
“Tình hình kinh tế khó khăn hiện nay đã cho thấy những hạn chế trong mô hình kinh doanh của chúng tôi, mô hình vốn đặt cược vào sự tăng trưởng chưa từng có tiền lệ của các thị trường mới nổi”, Tổng giám đốc (CEO) Clotilde Delbos của Renault phát biểu khi trình bày kế hoạch cải tổ.
Các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà ngành ô tô châu Âu đang theo đuổi báo hiệu một thời kỳ khó khăn đối với các chính trị gia khu vực và giới lãnh đạo của ngành này. Chính phủ một số nước châu Âu đang triển khai hỗ trợ tài chính quy mô lớn để giúp các doanh nghiệp, trong đó có các hãng xe, duy trì hoạt động và để người lao động có ông ăn việc làm. Nhưng thực tế cho thấy các hãng xe vẫn buộc phải sa thải vì nhu cầu mua xe mới giảm xuống mức quá thấp.
Một điểm hết sức nhạy cảm trong kế hoạch cải tổ của Renault là cắt giảm 4.600 công việc ở Pháp, tương đương 10% lực lượng lao động của hãng ở quốc gia quê nhà. 10.000 công việc còn lại sẽ bị cắt giảm tại thị trường nước ngoài, theo đó tổng số lao động trên toàn cầu của Renault sẽ giả còn 180.000 người.
Kế hoạch của Renault khép lại một tuần mang tính chất quyết định đối với hãng này cùng hai đối tác Nhật Bản là Nissan và Mitsubishi. Cùng ngày 29/5, Nissan cũng công bố một kế hoạch cải tổ mạnh tay nhằm cắt giảm chi phí. Trước đó, liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi đưa ra một kế hoạch tăng cường hợp tác để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.
Theo hãng tin Bloomberg, công nghiệp ô tô châu Âu bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng trong đại dịch Covid-19 vì đã ở trong tình trạng dư thừa công suất trước khi virus Corona chủng mới bùng phát.
Hãng Fiat đang xin Chính phủ Italy bảo lãnh để vay số tiền 6,9 tỷ USD nhằm giữ vững hoạt động trong nước. Hãng Volkswagen đang đứng trước sức ép của giới công đoàn Đức - các tổ chức lo ngại công nhân ô tô Đức có thể bị sa thải hàng loạt. Tại Tây Ban Nha, Nissan đang đương đầu với sự nổi giận của những người công nhân phản đối kế hoạch của hãng về đóng cửa một nhà máy ở Barcelona.
Hãng BMW đang hành động rất thận trọng với đợt sa thải mà hãng vừa công bố, đàm phán kỹ lưỡng với các tổ chức công đoàn và đưa ra đề nghị tăng mức hỗ trợ để thuyết phục công nhân thôi việc. Giám đốc Tài chính (CFO) Nicolas Peter của BMW nói rằng nếu không tăng mức hỗ trợ, hãng khó có thể đạt mục tiêu giảm nhân sự trên toàn cầu.