Đội đua Ferrari của Ý gặp khó khi nhập cảnh
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam đã có yêu cầu cách ly 14 ngày đối với công dân Italy khi nhập cảnh vào Việt Nam. Vì thế, mùa giải F1 2020 đang gặp phải nhiều vấn đề trong việc di chuyển và tham gia chặng đua của các đội. Trước mắt, đội đua Ferrari sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc nhập cảnh vào Việt Nam để tham gia chặng đua Vietnam Grand Prix vào tháng tới.
Trước chặng đua ở Việt Nam, Ferrari cũng đã bày tỏ lo ngại trong vấn đề nhập cảnh vào Australia trong chặng đua mở màn mùa giải. Đội đua nổi tiếng nhất F1 đã bị đình chỉ hầu hết các chuyến công tác cũng như tất cả các tour tham quan nhà máy Ferrari, cách 70 dặm từ tâm chấn của đợt bùng phát virus corona tại Italia. Cho đến nay, virus Corona chủng mới đã lây nhiễm 2.036 người ở Ý và khiến 52 người tử vong, nhiều biện pháp kiểm soát chặt chẽ đã được đưa ra tại nhiều quốc gia đối với du khách đến từ nước này.
Theo thông tin mới nhất, Việt Nam đã cập nhật các chính sách kiểm dịch và tuyên bố "tất cả du khách vào Việt Nam từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý và Iran phải thực hiện kiểm dịch y tế trong 14 ngày trước khi nhập cảnh".
Tình hình dịch COVID-19 thật sự là một trở ngại tiềm năng cho F1. Chặng đua F1 Hà Nội sẽ diễn ra trong khoảng 5 tuần tới. Mặc dù Hà Nội và FIA cũng như lãnh đạo F1 xác nhận "Grand Prix sẽ diễn ra tại Hà Nội theo kế hoạch vào ngày 5 tháng 4", tuy nhiên, đây có thể không phải là một chuyến đi dễ dàng cho Ferrari. Không chỉ thế, nhiều đội đua khác cũng gặp vấn đề.
Nhà sản xuất ô tô Ý cung cấp động cơ cho xe đua của đội Alfa Romeo Racing và đội Haas F1 của Mỹ. Tất cả các đội đua F1 sử dụng lốp xe Pirelli sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Rumani. Nhưng Pirelli lại đưa nhân viên từ các văn phòng của họ tại Ý đến mọi chặng đua F1.
Ngoài Ferrari, AlphaTauri còn là đội F1 nữa có trụ sở tại Ý và ông chủ Franz Tost của AlphaTauri gần đây đã bày tỏ “vấn đề nghiêm trọng” liên quan đến virus Corona. Thậm chí, ông nói thêm rằng “mặc dù tôi không phải là người đưa ra quyết định, và tôi cũng không mong muốn điều đó xảy ra, nhưng nếu có đội nào đó không thể tham gia chặng đua, thật không công bằng khi khai trương mùa giải”.
Cho đến nay, virus Corona mới chỉ khiến duy nhất chặng đua F1 Chinese Grand Prix tại Thượng Hải bị hoãn lại. Tuy nhiên, chặng đua mở màn mùa giải tại Australia vào cuối tuần tới cũng đang có nhiều tranh cãi, do những chính sách hạn chế chuyến bay giữa Australia và Italy. Mặt khác, chặng đua F1 Grand Prix ở Bahrain diễn ra 1 tuần sau đó vẫn đang tiến hành dù đã có 49 người nhiễm virus Corona ở đất nước nhỏ bé Bahrain.
Hungary là quốc gia duy nhất trong số 22 quốc gia diễn ra các chặng đua F1 hiện chưa báo cáo bất kỳ trường hợp lây nhiễm Corona nào. Giải đua tốc độ cao F1 diễn ra sẽ quy tụ rất đông người hâm mộ trên khắp thế giới đến các trường đua, và đó là điều kiện đặc biệt dễ cho virus Corona lây lan. Cổ phiếu của F1 trên thị trường Nasdaq với mã FWONK đã mất 21% giá trị trong tháng qua. Cổ phiếu tiếp tục đảo chiều giảm 3,5% và đóng cửa ở mức 37,82 USD vào hôm qua (2/3).
F1 đối mặt nhiều vấn đề vì phải hủy, hoãn đua
Quy định của F1 là “phải có ít nhất 16 xe đua tham gia Giải vô địch thế giới”. Hiện tại, có 10 đội tham gia với mỗi đội hai xe, vì vậy nếu Ferrari và AlphaTauri không thể xuất hiện, F1 vẫn có đủ số lượng xe đua.
Ngoài ra, hồ sơ của F1 quy định "các hợp đồng phát sóng bao gồm điều khoản mức phí trả cho F1 sẽ thấp hơn nếu toàn mùa giải chỉ có chưa đến 15 chặng đua, vì những lý do không phải là lý do bất khả kháng”. Dịch virus Corona được các luật sư gọi là lý do bất khả kháng, hay Act of God (một thuật ngữ pháp lý, chỉ những trường hợp bất khả kháng). Vì vậy, F1 không vi phạm điều khoản gì với các đài truyền hình nếu chỉ tổ chức được chưa đến 15 chặng đua. Tuy nhiên, vấn đề với các nhà tài trợ và khán giả đã mua vé sẽ không dễ dàng như vậy.
Chính sách của F1 chỉ rõ: “nếu một sự kiện không được tổ chức, hủy bỏ hoặc không được phát sóng trên truyền hình quốc tế (ví dụ, do sự cố kỹ thuật), số tiền trả cho F1 theo hợp đồng tài trợ và quảng cáo liên quan có thể sẽ giảm, trừ khi hợp đồng quảng cáo và tài trợ cho phép F1 thay thế chặng đua bị hủy bằng một chặng đua khác”.
"Nếu một sự kiện bị hủy, F1 cũng phải hoàn lại số tiền đã nhận, bao gồm tiền vé hạng Paddock Club, dịch vụ khách sạn cao cấp vào một số ngày cuối tuần diễn ra sự kiện".
Chặng đua Grand Prix Trung Quốc đã bị hoãn, tuy nhiên có thể nói là chặng đua này đã bị hủy do lịch đua chặt chẽ của F1 trong năm, nên việc thiết lập một chặng đua thay thế Grand Prix Trung Quốc sẽ rất khó khăn.
RTL, một trong những đài truyền hình lớn nhất của Đức, gần đây tuyên bố họ sẽ không cử nhân sự đến cuộc đua tại Việt Nam do lo ngại về các rủi ro sức khỏe.
Tuần trước, độ trưởng đội đua Ferrari, Mattia Binotto đã yêu cầu ban quản lý của F1 "đảm bảo khả năng nhập cảnh cho toàn đội trước khi họ xuất cảnh từ Italy”.
F1 đã trả lời tất cả các đội đua bằng một bức thư nói rằng: “Tất cả những người đến Bahrain từ Ý sẽ bị hạn chế đi lại. Khi đội đua hạ cánh, một nhóm chuyên gia sẽ gặp họ ngay trên máy bay và hộ tống họ đến phòng chờ riêng. Ở đó, một nhóm các bác sĩ sẽ kiểm tra xét nghiệm virus, quá trình xét nghiệm mất khoảng ba giờ”.
Thư của F1 nói thêm rằng các nhà chức trách ở Úc cũng sẽ sàng lọc những người đến từ các quốc gia bị ảnh hưởng. Mới đây, Việt Nam đã ra chính sách cách ly toàn bộ du khách đến từ Italy trong 14 ngày trước khi cho phép nhập cảnh.
Về lâu dài, virus Corona có thể gây ảnh hưởng lớn hơn đến số phận F1. Hợp đồng của F1 với 10 đội đua sẽ hết hạn vào cuối năm nay và hiện chưa có hãng xe này ký hợp đồng mới. F1 đã mất tổng cộng 10 tỷ USD giá trị thị trường trong tháng qua do virus Corona. Hậu quả đó có thể khiến F1 thận trọng hơn trong cam kết hợp đồng giải đua xe tốn kém này.
Trong khi đó, giải đua F1 cũng đối mặt với nhiều chỉ trích từ những người ủng hộ xe điện, đặc biệt khi động cơ xăng dùng trong xe F1 bị các chính phủ cấm. Với việc các hợp đồng của F1 sẽ hết hạn vào cuối năm 2020, ban lãnh đạo F1 thật sự đang chạy đua với thời gian, và virus Corona chỉ góp phần thúc đẩy cuộc đua này đi nhanh hơn.