Cụ thể, họ lên kế hoạch về chiến lược “bơm tiền mặt” nhằm hồi sinh nhu cầu mua ô tô trong dân chúng, khi các “đại gia ô tô Đức” Volkswagen AG và Daimler AG dần dần quay lại sản xuất tại các nhà máy châu Âu trong tuần này.
Đảm bảo bán được xe là điều rất quan trọng để các nhà máy quay trở lại sản xuất, Giám đốc điều hành thương hiệu của Volkswagen, Ralf Brandstatter, cho biết vào hôm qua (20/4). Hỗ trợ bán hàng có thể là một trong những cách nhằm tiêu thụ hàng tồn, đồng thời đóng góp hợp lý giúp bảo vệ khí hậu, ông nói và nhắm đến những sản phẩm thải CO2 thấp.
Xuất khẩu ô tô tại Đức đã bị ảnh hưởng nặng nề do các biện pháp phong tỏa, cách ly trên toàn cầu trong cuộc chiến ngăn chặn COVID-19 lây lan. Trên khắp châu Âu, doanh số bán ô tô giảm mạnh nhất trong tháng 3 khi các phòng trưng bày phải đóng cửa và công việc sản xuất bị đình trệ trên toàn cầu.
Một thập kỷ trước, chương trình loại bỏ ô tô cũ để đổi lấy ô tô mới đã giúp nền kinh tế Đức nổi lên nhanh chóng sau sự sụp đổ của cuộc khủng hoảng tài chính lúc đó. Sản xuất xe và phụ tùng xe hơi là ngành công nghiệp lớn nhất trong nền kinh tế châu Âu. Ngành công nghiệp này cũng bảo vệ hàng trăm ngàn việc làm trên toàn khu vực.
Đức đã mở lại các đại lý xe hơi của mình từ hôm qua (20/4), bắt đầu nới lỏng một số biện pháp phong tỏa. Nhưng lãnh đạo Volkswagen lập luận rằng riêng điều này sẽ không đủ để đưa ngành công nghiệp ô tô trở lại.
Trong khi đó, Daimler AG cho biết trong những biện pháp giúp kích cầu, thúc đẩy người tiêu dùng mua ô tô có thể mang lại lợi ích.
Ngành công nghiệp ô tô sau cuộc khủng hoảng “ít nhất cũng cần phải mạnh mẽ” như trước khi xảy ra khủng hoảng, Giám đốc điều hành Oliver BMW AG, Oliver Zipse, nói trong một bài phát biểu vào ngày 8/4, và ông ủng hộ tiền thưởng cho những người mua xe thân thiện với môi trường.
Nhà lãnh đạo các bang của Đức nơi có trụ sở chính của VW, Daimler và BMW đã lên tiếng ủng hộ ngành công nghiệp ô tô, nhưng không rõ các cuộc kêu gọi sẽ đạt được mức độ nào ở cấp liên bang.
“Hiện tại, có nhiều nhu cầu và đề xuất khác nhau từ phía ngành công nghiệp ô tô”, một phát ngôn viên của Bộ Kinh tế cho biết trong một tuyên bố. “Tất nhiên chúng tôi sẽ theo sát họ. Nhưng hiện tại vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra”, bà nói thêm.
Cuộc họp ngày 5/5 tới
Các quan chức hàng đầu của ngành công nghiệp ô tô và các tổ chức công đoàn lao động dự kiến sẽ có cuộc họp thảo luận về cách vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế vào ngày 5/5 tới với thủ tướng Đức ở Berlin, theo một quan chức chính phủ. Chính phủ Berlin cũng không loại trừ sẽ có một chương trình “bơm tiền mặt”, nhưng hiện tại chưa có kế hoạch nào cụ thể.
Bộ trưởng kinh tế Đức Peter Altmaier thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng ngành công nghiệp ô tô đang đối mặt với những thách thức lớn, nhưng ông cũng tránh đưa ra một cam kết rõ ràng về gói hỗ trợ bổ sung. Ông chỉ đề cập rằng các gói viện trợ nhà nước hiện bắt đầu cho thấy hiệu ứng.
“Cứu trợ cho ngành công nghiệp ô tô vượt qua khó khăn là mối quan tâm của cả châu Âu, vì ngành công nghiệp chiến lược này phục hồi sẽ đóng góp mạnh mẽ cho chiến lược công nghiệp của EU, Thỏa thuận xanh châu Âu cũng như các chương trình đổi mới toàn cầu của lục địa”, ông Eric-Mark Huitema, tổng giám đốc nhóm vận động hành lang châu Âu ACEA cho biết tuần trước. Khoảng 13,8 triệu người châu Âu làm việc trong ngành công nghiệp ô tô, chiếm 6,1% tổng số lao động trong khối, theo ACEA.