Lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất-kinh doanh của Honda giảm 2,1% trong quý 4 so với cùng kỳ 2018, còn 166,6 tỷ Yên, tương đương 1,53 tỷ USD. Lợi nhuận ròng giảm 31%, còn 116,4 tỷ Yên, tương đương 1,07 tỷ USD, một phần do hãng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều hơn ở Mỹ.
Doanh thu quý 4 của Honda giảm 5,7%, còn 3,57 nghìn tỷ Yên, tương đương 34,4 tỷ USD. Lượng ô tô Honda bán được trên toàn cầu trong quý giảm 11,4%, còn 1,25 triệu xe.
Dù lợi nhuận quý 4 giảm, Honda vẫn nâng dự báo lợi nhuận cả năm tài khóa kết thúc vào ngày 31/3/2020, trên cơ sở tình hình tỷ giá hối đoái đồng Yên trở nên thuận lợi hơn và doanh số tốt hơn dự báo tại thị trường Nhật. Tuy nhiên, hãng vẫn dự báo doanh số toàn cầu giảm 6,4% trong tài khóa này.
Bắc Mỹ, thị trường lớn thứ nhì của Honda sau châu Á, là nguồn lợi nhuận lớn nhất của hãng trong quý 4. Lợi nhuận thuần của Honda trong quý tại Bắc Mỹ tăng gấp hơn 2 lần, đạt 101,7 tỷ Yên, tương đương 932,6 triệu USD, cho dù doanh số tại thị trường này giảm 4,8%, còn 474.000 xe.
Riêng tại Mỹ, doanh số của Honda tăng 0,2% trong năm 2019, cho dù toàn thị trường giảm 1,2%. Các hãng đối thủ đồng hương Toyota, Nissan và Mazda đều chứng kiến mức giảm doanh số tại Mỹ lớn hơn mức giảm chung của thị trường.
Trong quý 4, các mẫu xe CR-V và HR-V của Honda bán rất tốt ở Mỹ, trong đó CR-V đạt doanh số tháng kỷ lục trong các tháng 10 và 11.
Cho tới thời điểm hiện tại, Honda còn khá chậm trong việc tung ra các mẫu xe lớn tại thị trường Mỹ - nơi người tiêu dùng không còn mặn mà với các mẫu có kích thước nhỏ hơn như sedan hay hatchback mà đang chuyển sang các mẫu crossover, pickup, van và SUV. Doanh số các dòng xe ăn khách này mới chỉ chiếm 56% tổng doanh số Honda ở Mỹ trong 2019, so với mức 72% của toàn thị trường.
Tại châu Âu, doanh số của Honda giảm 14,6% trong quý 4, còn 35.000 xe, lợi nhuận thuần giảm 8,4%, còn 1,2 tỷ Yên, tương đương 11 triệu USD.
Lợi nhuận toàn cầu của Honda trong quý bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tỷ giá hối đoái. Sự tăng giá của đồng Yên Nhật so với USD và các đồng tiền chủ chốt khác khiến hãng thiệt hại 40 tỷ Yên, tương đương gần 367 triệu USD, lợi nhuận thuần trong quý.
Chi R&D lên tới 35,2 tỷ Yên, tương đương 322,8 triệu USD, để phát triển công nghệ điện hóa xe cũng là một nhân tố khiến lợi nhuận giảm.
Trong tài khóa hiện tại, Honda dự kiến tăng chi R&D 4,9%, lên 860 tỷ Yên, tương đương 7,89 tỷ USD. Đầu tư vào công nghệ mới dự kiến sẽ chiếm khoảng 5,7% doanh thu của hãng trong cả tài khóa.
Honda tỏ ra lạc quan về kết quả kinh doanh của tài khóa sắp kết thúc. Hãng dự báo lợi nhuận thuần sẽ tăng 0,5%, đạt 730 tỷ Yên, tương đương 6,69 tỷ USD, thay vì mức dự báo giảm 5% đưa ra hồi tháng 11. Lợi nhuận ròng được dự báo giảm 2,5%, thay vì mức giảm 5,8% đưa ra trong lần dự báo trước.
Honda dự báo doanh số toàn cầu của cả tài khóa giảm 6,4%, còn 4,98 triệu xe. Mức giảm này thấp hơn so với mức giảm 6,5% của lần dự báo trước.
Honda cho rằng hãng sẽ bán được 1,865 triệu xe ở Bắc Mỹ trong tài khóa này, giảm 4,6% so với tài khóa trước. Doanh số tại châu Âu được dự báo giảm 20%, còn 135.000 xe.