Tesla, hãng xe điện hàng đầu thế giới, cuối tuần qua đã báo cáo mức tăng trưởng doanh số bán hàng trên toàn thế giới trong ba tháng đầu năm, vượt qua các vấn đề về chuỗi cung ứng và tiến gần hơn đến mức sản xuất ngang bằng với các nhà sản xuất ô tô hạng sang lâu đời như BMW và Mercedes- Benz.
Tesla cho biết họ đã giao 310.000 xe ô tô trong quý từ tháng 1 đến tháng 3, tăng từ 185.000 xe trong cùng kỳ năm 2021, gần đúng với kỳ vọng của Phố Wall. Mức tăng gần 70% trái ngược với các nhà sản xuất ô tô lớn như General Motors và Toyota, những hãng đã báo cáo doanh số bán hàng sụt giảm lớn vì thiếu hụt các thành phần quan trọng.
Sự gia tăng trong quý đầu tiên dựa trên đà phát triển của Tesla so với năm ngoái, khi doanh số bán hàng tăng gần gấp đôi và đã vượt qua Volvo và Subaru. Tesla đối phó với tình trạng thiếu chip máy tính tốt hơn trong toàn ngành vì năng lực phần mềm của công ty cho phép hãng sử dụng những con chip sẵn có thay thế cho những con chip khan hiếm.
Doanh số bán hàng quý đầu tiên đạt mức cao là “một bước đi tích cực, đúng hướng cho bước tăng trưởng tiếp theo của Tesla”..
Tesla cho biết họ có thể đạt được mức tăng doanh số bán hàng "bất chấp những thách thức về chuỗi cung ứng đang diễn ra và nhà máy phải ngừng hoạt động". Tesla đã phải tạm dừng hoạt động sản xuất tại Thượng Hải nhiều lần vì các lệnh phong tỏa do chính quyền địa phương yêu cầu.
Doanh số bán hàng trong quý đầu tiên của Tesla gần như không thay đổi so với quý 4 năm 2021, khi hãng đã giao được 309.000 xe. Mẫu sedan Tesla Model 3 và xe thể thao đa dụng Model Y chiếm gần như toàn bộ doanh số.
Một số nhà phân tích cho rằng Tesla có thể bán được 2 triệu xe vào năm 2022 khi nhà máy gần Berlin của hãng đã bắt đầu sản xuất Model Y cho khách hàng châu Âu, thách thức các nhà sản xuất ô tô Đức đang thống trị thị trường xe sang. Tesla bán nhiều xe điện hơn bất kỳ nhà sản xuất ô tô nào khác và ô tô chạy bằng pin đang phát triển nhanh hơn bất kỳ loại phương tiện nào khác. Doanh số bán những chiếc xe này có thể tăng hơn nữa khi giá xăng dầu tăng và ở mức cao. Mức định giá thị trường 1 nghìn tỷ USD của Tesla là dấu hiệu cho thấy đúng như Phố Wall lo ngại, Tesla đang trên đà thống trị ngành.
Đồng thời, thị trường ô tô điện đang trở nên đông đúc hơn khi các nhà sản xuất ô tô lâu đời đưa ra nhiều mẫu xe chạy pin hơn và gây được tiếng vang với người mua, như Ford Mustang Mach E hay Volkswagen ID.4. Các nhà sản xuất ô tô truyền thống có thể bắt đầu chiếm thị phần lớn hơn trên thị trường ô tô điện nếu những dự đoán về tình trạng thiếu chất bán dẫn sẽ giảm bớt vào cuối năm nay là đúng.
Tesla sẽ công bố số liệu lợi nhuận và doanh thu vào ngày 20/4.
Loạt ông lớn ô tô sụt giảm doanh số
Điều đáng nói, doanh số của Tesla tăng trưởng tốt, trái ngược hoàn toàn với toàn ngành ô tô, đặc biệt là các “ông lớn”. Vừa qua, General Motors cũng đã báo cáo doanh số bán hàng quý đầu tiên tại Mỹ, và kết quả của họ là sụt giảm, tiếp tục phải vật lộn với tình trạng thiếu chip bán dẫn toàn cầu và các gián đoạn sản xuất khác.
Trong quý này, GM cho biết họ đã bán được 512.846 xe, giảm 20,1% so với con số 642.250 xe mới mà hãng đã bán trong năm ngoái. Tình trạng thiếu hụt chip đã ảnh hưởng đến GM vào năm ngoái đến mức, trong một bước ngoặt lịch sử, Toyota Motor Bắc Mỹ đã giành được vương miện doanh số bán hàng của GM trong năm 2021. GM là hãng đã dẫn đầu doanh số bán ô tô tại Mỹ trong nhiều thập kỷ.
Mặc dù tiếp tục soán ngôi của GM, song Toyota cũng báo cáo doanh số bán hàng trong quý đầu tiên với 514.592 xe bán ra, giảm 15,8% so với quý trước khi Toyota bán được 603.066 xe mới.
Ford Motor sẽ báo cáo doanh số bán hàng quý đầu tiên của mình vào hôm nay (4/4) song các nhà phân tích dự đoán con số sụt giảm. Hôm thứ Sáu, Stellantis báo cáo doanh số bán hàng tại Mỹ giảm 14% trong quý đầu tiên từ 469.651 xuống 405.221 xe được bán ra do sự gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra tình trạng thiếu hàng tồn kho.
Edmunds.com dự báo doanh số bán hàng tại Mỹ trong quý đầu tiên là 3.296.280 xe ô tô và xe tải mới, giảm 15,2% so với một năm trước đó, nhưng tăng 0,4% so với quý thứ tư.
Jessica Caldwell, giám đốc điều hành của Edmunds cho biết: “Giá xăng tăng vọt là điều quan tâm hàng đầu đối với người tiêu dùng trong tháng 3, nhưng thiếu hàng tồn kho là nguyên nhân khiến doanh số bán xe mới trong quý đầu tiên giảm sút”.
Các nhà sản xuất ô tô phải đối mặt với sự gián đoạn liên tục trong chuỗi cung ứng và sản xuất do thiếu chip và dịch COVID-19. Tính đến cuối tháng 3, ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đã mất khoảng 1,1 triệu xe mới trong năm nay vì vấn đề cung cấp chất bán dẫn, theo AutoForecast Solutions.
Ngoài ra, ngành công nghiệp này còn phải đối mặt với những gián đoạn chuỗi cung ứng mới có thể xảy ra do căng thẳng Nga và Ukraine.