Làm thế nào để một siêu xe được phép hoạt động hợp pháp trên đường (street legal) chính là phần khó nhất trong quy trình chế tạo siêu xe. Chính nhà sáng lập Christian von Koenigsegg của hãng siêu xe Thụy Điện Koenigsegg đã thừa nhận điều này trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với trang Apex One.
Trao đổi với trang Motor Authority, Giám đốc phụ trách vấn đề công nhận của Koenigsegg, ông David Tugas, đã giải thích kỹ hơn. Theo ông Tugas, quy định xung quanh việc một siêu xe có được phép ra đường hay không là khác nhau ở từng quốc gia, nhưng quy trình công nhận nói chung đều có thể được chia ra làm ba yếu tố, gồm: an toàn chủ động, an toàn thụ động, và khí thải. Chỉ khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chiếc xe mới được phép lái ra đường.
An toàn chủ động bao gồm những thứ như đèn trước, gương xe, hỗ trợ tài xế; và an toàn bị động bao gồm các tính năng bảo vệ trong trường hợp xảy ra đâm va.
Theo ông von Koenigsegg, hãng xe của ông dùng khoảng 60% ngân sách chế tạo để đáp ứng việc tuân thủ các quy định. Ông nói rằng riêng việc tìm nguồn vốn cho vấn đề này đã là một trở ngại rất lớn đối với bất kỳ một hãng sản xuất ô tô khởi nghiệp (startup) nào.
Tại châu Âu, Koenigsegg được miễn trừ một số quy định, bởi hãng này là một nhà sản xuất xe có sản lượng thấp - ông Tugas cho hay - nhưng trong số này không có các quy định về kiểm tra đâm va và khí thải. Tại Mỹ, Koenigsegg không được hưởng bất kỳ sự miễn trừ nào, nên hãng phải đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn mà các hãng xe khác phải tuân thủ.
Cũng theo ông Tugas, các quy định của Mỹ và châu Âu rất khác nhau, làm gia tăng khối lượng công việc cần thiết để một mẫu xe có thể được bán ở cả hai thị trường.
Chi phí và mức độ mức tạp của việc đáp ứng tiêu chuẩn sao cho một mẫu xe được bán ở một thị trường khác có thể vào được thị trường Mỹ cũng là bài toán nan giải đối với các sản xuất ô tô lớn. Đây là một trong những lý do phía sau vị thế vững chãi mà những mẫu xe Mỹ như Ford Ranger Raptor có được trên thị trường quê hương của chúng.
Là một hãng xe nhỏ, Koenigsegg phải rất sáng tạo trong quy trình kiểm thử các mẫu xe trước khi đưa vào sản xuất mới mong nhận được sự phê chuẩn của nhà chức trách tại các thị trường quan trọng. Sau khi thu hút được sự chú ý, một trong những mẫu xe mà Koenigsegg trưng bày tại Triển lãm Ô tô Quốc tế Geneva ngay lập tức trở thành một chiếc xe thử nghiệm, với toàn bộ phần vỏ xe được sơn màu được thay thế bằng vỏ sợi carbon trần.
Không chỉ Koenigsegg làm vậy: hãng Rimac cũng phải thử nghiệm cấu trúc đúc liền vỏ xe và khung gầm (monocoque) của C_Two tới 6 lần trước khi mẫu siêu xe này sẵn sàng để đưa vào sản xuất.
Các tiêu chuẩn về an toàn và khí thải là một bộ phận cần thiết của quy trình phát triển một mẫu xe mới. Các quy định, dù ngặt nghèo và đa dạng đến đâu, cũng không thể ngăn Koenigsegg và các hãng xe khác trình làng những mẫu siêu xe mới. Tuy nhiên, nếu một lúc nào đó bạn chứng kiến một mẫu xe của startup nào đó không được sản xuất sau khi ra mắt, thì đây có thể chính là trở ngại mà công ty đó không vượt qua được.