Giờ đây, dịch viêm phổi do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra có nguy cơ gây gián đoạn chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất của ngành này, đồng thời khiến doanh số ô tô không chỉ ở thị trường Trung Quốc mà khắp toàn cầu rơi vào một thời kỳ suy giảm kéo dài.
Volkswagen, Daimler, General Motors (GM), Renault, Honda và Hyundai là vài cái tên trong số các hãng xe toàn cầu đã rót nhiều vốn đầu tư vào Trung Quốc, lập liên doanh với các hãng xe Trung Quốc và mở những nhà máy lớn ở nước này. Trung Quốc có sản lượng ô tô lớn hơn bất kỳ một quốc gia nào khác, đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ ô tô lớn nhất thế giới.
Khi các nhà máy trên khắp Trung Quốc bắt đầu bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng trước, công nghiệp ô tô nước này đã chịu một sức ép lớn: Doanh số đã giảm liên tục hai năm do nền kinh tế giảm tốc, thương chiến Mỹ-Trung, và việc Chính phủ cắt giảm trợ cấp xe điện. Giới phân tích khi đó đã dự báo thị trường ô tô Trung Quốc sẽ giảm tốc năm thứ ba liên tiếp trong 2020, một sự sụt giảm chưa từng có tiền lệ.
Cũng do sự tụt dốc của thị trường ô tô Trung Quốc, thị trường ô tô toàn cầu chìm sâu vào suy thoái, với doanh số đi xuống liên tiếp trong 2 năm 2019 và 2018.
Do tình hình dịch nCoV tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều nhà máy ô tô ở Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng cửa cho tới giữa tháng 2. Các hãng xe thậm chí đã lường trước khả năng một đợt tạm ngưng hoạt động kéo dài hơn nữa và một cuộc suy thoái sâu hơn của ngành trên phạm vi toàn cầu.
Gần 60 triệu người Trung Quốc đang sống trong tình trạng bị phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của virus. Trên khắp nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, một lượng khổng lồ người tiêu dùng tiềm năng đang ngồi nhà để chờ qua trận dịch.
“Chúng tôi cho rằng người tiêu dùng sẽ tránh việc đi mua xe tại các đại lý cho tới khi nguy cơ lây lan của dịch bệnh được kiểm soát”, tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P Global Ratings nhận định trong một báo cáo mới đây. Cũng theo báo cáo này, dịch nCoV sẽ khiến các hãng xe tại Trung Quốc cắt giảm sản lượng khoảng 15% trong quý 1.
Ô tô được xem là ngành đặc biệt nhạy cảm với dịch nCoV vì virus này bắt nguồn từ Vũ Hán, nơi được xem là một trong những trung tâm quan trọng nhất của công nghiệp ô tô Trung Quốc. GM, Nissan, Renault, Honda, và PSA - nhà sản xuất xe Peugeot đều sở hữu những nhà máy lớn ở địa phương này.
Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc nói chung chiếm khoảng 9% tổng sản lượng ô tô của Trung Quốc, theo dữ liệu được S&P Global Ratings đưa ra. PSA cho biết nhà máy của hãng ở Vũ Hán sẽ đóng cửa đến ít nhất ngày 14/2, nhưng rất may là hoạt động của hãng ở châu Âu chưa bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sự gián đoạn nào về chuỗi cung ứng.
Các hãng xe khác đang cố gắng đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh lên hoạt động sản xuất kinh doanh của họ và đưa ra ước tính ở mức tối thiểu.
“Tình hình biến động rất nhanh”, Tổng giám đốc (CEO) Mary Barra của GM nói với các nhà báo hôm 5/2. Theo bà Barra, GM đang cùng với đối tác và cơ quan chức năng Trung Quốc nỗ lực để đảm bảo rằng chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.
“Mọi chuyện chưa có gì là rõ ràng và có thể thay đổi rất, rất nhanh chóng trong những ngày tới và tuần tới”, bà nói.
Hai hãng xe Đức Daimler - nhà sản xuất Mercedes-Benz - và Volkswagen dự kiến nối lại sản xuất ở Trung Quốc từ ngày 10/2, nhưng đều nói là tiếp tục theo dõi tình hình và sẽ thay đổi kế hoạch nếu cần thiết.
Volkswagen được xem là hãng xe có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn nhất của dịch nCoV. Hãng xe lớn nhất thế giới này có 24 nhà máy sản xuất ô tô hoặc phụ tùng ở Trung Quốc, chiếm 40% sản lượng của hãng.
Hôm 5/2, Volkswagen nói chuỗi cung ứng của hãng “sẽ hoạt động đầy đủ trở lại vào đúng thời điểm tái khởi động việc sản xuất ở Trung Quốc” và các kế hoạch giao xe cho khách hàng không hề thay đổi.
Hai hãng xe Nhật Toyota và Honda ngày 7/2 đã tuyên bố sẽ ngưng sản xuất ở Trung Quốc thêm 1 tuần, thay vì hoạt động trở lại vào ngày 10/2 như dự kiến ban đầu.
“Không ai có thể biết trước điều gì có thể xảy ra”, Phó chủ tịch điều hành Didier Lery của Toyota phát biểu hôm 5/2. Trung Quốc chiếm 15% tổng sản lượng xe của Toyota.
Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi có bất kỳ sự cải thiện nào. S&P Global Ratings dự báo Chính phủ Trung Quốc có thể kéo dài việc đóng cửa các nhà máy ở nước này để hạn chế sự lây lan của virus và điều đó sẽ ảnh hưởng tới một nửa hoạt động sản xuất ô tô và phụ tùng ở Trung Quốc. Ngay cả các nhà máy ô tô ở những thành phố như Thượng Hải và Thiên Tân, nơi cách Vũ Hán hàng trăm km, cũng có thể bị ngưng hoạt động kéo dài.
Cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc càng kéo dài thì chuỗi cung ứng ô tô toàn cầu càng chịu thiệt hại lớn.
Tập đoàn Bosch của Đức, một trong những nhà sản xuất linh kiện ô tô lớn nhất thế giới, có hàng chục nhà máy ở Trung Quốc, trong đó có hai nhà máy ở Vũ Hán. Các hãng linh kiện khác như Schaeffler, ZF Friedrichshafen, Faurecia và Valeo đều có nhiều hoạt động ở Trung Quốc.
Người phát ngôn của Bosch hôm 6/2 cho biết nhà máy của hãng ở Trung Quốc vẫn đang đóng cửa theo yêu cầu của nhà chức trách, nhưng hoạt động sản xuất dự kiến sẽ được nối lại tại một số địa điểm sau vài ngày tới. Bosch cũng nói rằng còn quá sớm để đánh giá tác động.
Trung Quốc cũng là địa chỉ sản xuất lớn nhất thế giới động cơ điện, bộ truyền động và các linh kiện quan trọng khác của ô tô chạy điện. Hãng xe điện Mỹ Tesla mua linh kiện từ nhiều công ty ở Trung Quốc. Tesla đã tuyên bố tạm dừng sản xuất tại nhà máy mà hãng mới đưa vào hoạt động cách đây ít lâu ở Thượng Hải.
Khó khăn lớn nhất dường như đang rơi vào Hyundai. Cách đây ít ngày, hãng xe Hàn Quốc này đã phải tạm ngừng hoạt động các nhà máy trong nước do dịch nCoV gây gián đoạn nguồn cung linh kiện.
Trung Quốc là nguồn cung 29% linh kiện cho ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc, theo dữ liệu từ ông Simon MacAdam, chuyên gia kinh tế toàn cầu của Capital Economics. Ông MacAdam nói động thái của Hyundai cho thấy rõ giá trị của Trung Quốc trong các chuỗi cung ứng lớn của thế giới.