Công nghiệp ô tô đối mặt nguy cơ đứt chuỗi cung ứng vì virus corona

Phương Vy

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đã bắt đầu cảm nhận rõ ảnh hưởng tiêu cực của dịch viêm phổi do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, khi trận dịch này khiến nhiều nhà máy ở Trung Quốc phải đóng cửa, đe dọa một nguồn cung linh kiện quan trọng.

Người công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất ô tô ở tỉnh An Huy, Trung Quốc - Ảnh: Reuters/Nikkei.
Người công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất ô tô ở tỉnh An Huy, Trung Quốc - Ảnh: Reuters/Nikkei.

Do gián đoạn nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc, hãng Hyundai ngày 4/2 đã tuyên bố tạm dừng hoạt động sản xuất tại ba nhà máy lắp ráp ô tô của hãng tại Hàn Quốc. Đợt đóng cửa nhà máy của Hyundai dự kiến kéo dài ít nhất 1 tuần, dù giới công đoàn và lãnh đạo hãng vẫn đang đàm phán.

Trung Quốc và Hàn Quốc là hai quốc gia đầu tiên hứng cú sốc mà dịch nCoV gây ra cho ngành công nghiệp ô tô, nhưng các hãng xe Mỹ và Nhật Bản cũng đang đối mặt rủi ro tương tự về chuỗi cung ứng.

Trao đổi với tờ báo Nikkei Asian Review, một nhà điều hành của một hãng xe Mỹ cho biết linh kiện mà hãng đặt mua từ Trung Quốc vẫn đang được vận chuyển đến bằng đường biển và hãng có thời gian khoảng 2 tháng trước khi nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc có thể gián đoạn. Nhật Bản và Hàn Quốc có nguy cơ gián đoạn hoạt động sản xuất ô tô sớm hơn, nhưng nhà điều hành hãng xe Mỹ cho biết công ty của ông có thể cũng phải điều chỉnh việc sản xuất nếu dịch nCoV kéo dài.

Ngoài vị trí thị trường ô tô lớn nhất thế giới, Trung Quốc còn là một nguồn cung linh kiện quan trọng. Vũ Hán - tâm dịch nCoV - lại chính là trung tâm của công nghiệp phụ trợ ô tô Trung Quốc.

Khi sản lượng xe lắp ráp tại Trung Quốc ngày càng lớn - tăng gấp hơn 2 lần trong vòng 1 thập kỷ lên mức 25,7 triệu xe vào năm ngoái - các nhà máy sản xuất linh kiện ô tô cũng mọc lên như nấm ở nước này. Một phần sản lượng của các nhà máy linh kiện đáp ứng cho việc lắp ráp xe tại Trung Quốc, nhưng phần lớn được xuất khẩu sang các thị trường khác.

Theo số liệu trên truyền thông Trung Quóc, 1/4 xuất khẩu linh kiện ô tô nước này trong năm 2017 là sang Mỹ, 10% sang Nhật Bản, 5% sang Hàn Quốc và 5% sang Đức.

Trong 2018, Mỹ nhập khẩu 11 tỷ USD linh kiện ô tô từ Trung Quốc, chỉ sau lượng nhập từ Mexico, với nhiều bộ phận từ động cơ cho tới linh kiện điều khiển. Các công ty Mỹ còn nhập khẩu gián tiếp linh kiện ô tô từ Trung Quốc thông qua Nhật Bản hoặc Mexico.

Cũng trong 2018, Nhật Bản nhập khẩu khoảng 3,2 tỷ USD linh kiện ô tô từ Trung Quốc, theo số liệu của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), tăng gấp gần 10 lần so với hồi năm 2002-2003 khi dịch SARS hoành hành.

Do chất lượng lao động ở Trung Quốc ngày càng cải thiện, các hãng xe Nhật như Toyota, Honda và Nissan đã tăng sử dụng linh kiện ô tô sản xuất ở Trung Quốc ngay tại các nhà máy ở Nhật. Bởi vậy, một sự gián đoạn nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc kéo dài có thể khiến nhiều nhà máy lắp ráp ô tô ở Nhật tê liệt.

Bên trong một nhà máy của hãng Hyundai ở Hàn Quốc - Ảnh: Hyundai/Nikkei.
Bên trong một nhà máy của hãng Hyundai ở Hàn Quốc - Ảnh: Hyundai/Nikkei.

Toyota Boshoku, một nhà cung cấp của hãng Toyota, nhập khẩu bọc ghế từ tỉnh Triết Giang của Trung Quốc vào Nhật Bản. Ngoài ra, công ty này cũng cung cấp đai an toàn sản xuất tại Thượng Hải cho hãng linh kiện ô tô Tokai Rika. CHK Spring Industry, một công ty con của Toyota, cung cấp cho khách hàng tại Nhật các sản phẩm dây cáp sản xuất tại Trung Quốc dùng cho khóa cửa ô tô.

“Có những linh kiện mà chúng tôi không thể sản xuất luôn ở một nơi khác được”, một đại diện của CHK phát biểu.

Các nhà sản xuất linh kiện ô tô thường có khoảng nguồn hàng dự trữ đủ cung cấp cho khách hàng trong thời gian 1 tháng. Nhiều hãng thậm chí còn có nguồn hàng dự trữ lớn hơn nếu có các giao dịch xuyên biên giới. Xét tới lượng hàng tồn từ trước Tết Nguyên đán, bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung linh kiện này cũng phải mất khoảng 2 tháng mới ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất ô tô tại Nhật Bản, theo giới phân tích.

Nhưng ông Masaki Oka, một Giám đốc của Toyoda Gosei - hãng linh kiện thuộc Toyota, cho biết ở thời điểm hiện tại, có những linh kiện mà lượng tồn kho chỉ còn đủ dùng cho 1 tuần. Công ty chuyên cung cấp linh kiện ô tô sản xuất tại Trung Quốc như lưới tản nhiệt và bộ phận túi khi cho thị trường Nhât Bản và Mỹ này hiện đang kiểm tra hàng tồn kho và lên kế hoạch sản xuất thay thế.

Một công ty sản xuất linh kiện nội thất ô tô đã lên tiếng cảnh báo khách hàng về nguy cơ gián đoạn nguồn cung.

“Nếu tình trạng đóng cửa ở Trung Quốc kéo dài quá lâu và nguồn cung linh kiện không được nối lại, chúng tôi có thể sẽ không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất ở Nhật Bản”, một đại diện của cong ty này nói.

Việc Hyundai, hãng xe lớn nhất Hàn Quốc, phải tạm dừng hoạt động các nhà máy trong nước làm gia tăng sưc ép lên ngành công nghiệp ô tô vốn đang giảm tốc của nước này. Công nghiệp ô tô và phụ trợ là lĩnh vực đóng góp khoảng 1/5 tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Hàn Quốc.

Kia Motors, một công ty con của Hyundai, trước mắt vẫn duy trì sản xuất nhưng cho biết tình hình sẽ phụ thuộc vào nguồn cung linh kiện. SsangYong Motor, một hãng xe Hàn Quốc thuộc sở hữu tập đoàn Mahindra&Mahindra của Ấn Độ, cũng đã tạm dừng sản xuất.

Nhiều thành phố lân cận Vũ Hán đã kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến hết ngày Chủ nhật (9/2) nhằm hạn chế sự lây lan của nCoV. Nhưng ngay cả khi hoạt động sản xuất được nối lại, hoạt động xuất khẩu cũng chưa chắc được nối lại ngay do các công ty vận tải và văn phòng hải quan có thể rơi vào tình trạng thiếu nhân viên.

Theo Nikkei Asian Review

Tin mới

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, thị trường ô tô Việt Nam đã có dấu hiệu lao dốc và ảm đạm dù vừa vượt mốc thị trường nhỏ vào cuối năm 2022. Để kích cầu, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam liên tục tung ra những hình thức khuyến mại, ưu đãi lớn. Tuy nhiên, mọi cố gắng dường như chưa đủ sức để giúp doanh số bán hàng của thị trường tăng trưởng trở lại như kì vọng.
Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona đã ra mắt lần đầu tiên cách đây hơn nửa thập kỷ vào năm 2017 và được nâng cấp vào năm 2020. Trước khi năm 2022 sắp kết thúc, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc hiện đang mang đến cái nhìn đầu tiên về Kona thế hệ thứ hai, mẫu xe nhận được sự thay đổi triệt để.
Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Cận Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, các hãng xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu tại Việt Nam đang “chạy đua” triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu. Mặc dù vậy, vẫn có những hãng xe đi ngược số đông vì nhiều lý do.