Ngay khi năm 2020 vừa mới bắt đầu, IHS Markit đã đưa ra dự báo u ám, cho rằng sản lượng ô tô tại Trung Quốc trong quý 1 có thể giảm 10%. Giờ đây, công ty nghiên cứu thị trường uy tín này đặt ra một kịch bản thậm chí còn tồi tệ hơn: dịch cúm corona lan rộng có thể dẫn tới một làn sóng đóng cửa các nhà máy sản xuất ô tô ở Trung Quốc cho tới giữa tháng 3, khiến sản lượng xe giảm hơn 1,7 triệu chiếc, tương đương mức giảm 32%.
Ngay từ trước khi chính quyền Trung Quốc tiến hành phong tỏa Vũ Hán, thành phố nơi dịch cúm corona bùng phát, doanh số thị trường ô tô của nước này đã chạm đáy 5 năm. Đến hiện tại, 14 tỉnh và thành phố chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc đã tiến hành đóng cửa nhiều cơ sở kinh doanh và nhà máy cho đến ít nhất tuần thứ hai của tháng 2 để chống dịch. Trong bối cảnh như vậy, một câu hỏi đặt ra là đến khi nào thì người tiêu dùng mới quay trở lại các showroom ô tô.
“Rủi ro là rất lớn, xét đến tỷ trọng lớn của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu và tầm quan trọng của nước này đối với thương mại thế giới”, nhà phân tích Jean-Louis Sempe thuộc Invest Securities phát biểu. “Dự báo về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh là rất khó, nhưng chắc chắn ảnh hưởng đến các nhà máy, chuỗi cung ứng và doanh số thị trường ô tô Trung Quốc sẽ lớn”.
Hiện chưa có dự báo tổng quan về thiệt hại tài chính mà dịch cúm corona gây ra, nhưng giới chuyên gia tin chắc rằng con số thiệt hại cuối cùng sẽ vượt xa thiệt hại mà dịch SARS gây ra vào năm 2003 - thời điểm mà thị trường ô tô Trung Quốc chỉ bằng 1/6 so với hiện nay và nhỏ hơn nhiều so với thị trường ô tô Nhật Bản. Các hãng xe từ Tesla tới Volkswagen và Toyota đều đã cảnh báo khả năng gián đoạn hoạt động tại Trung Quốc do dịch cúm.
Nếu doanh số xe hơi ở Trung Quốc giảm 20% từ mức 21,4 triệu xe của năm 2019, thì nước này rất có khả năng để mất ngôi vị thị trường xe lớn nhất thế giới đã nắm giữ hơn một thập kỷ.
General Motors (GM) và Honda là hai trong số những hãng xe có nhà máy ở Vũ Hán, trong khi hãng xe quốc doanh Trung Quốc Dongfeng đặt trụ sở ở thành phố khoảng 11 triệu dân này.
Nissan và PSA - nhà sản xuất Peugeot - cũng có nhà máy lắp ráp xe ở thành phố Vũ Hán nói riêng hoặc tỉnh Hồ Bắc nói chung và có quan hệ đối tác với Dongfeng. Nhà phân tích Robin Zhu của Sanford C. Bernstein nhận định rằng liên doanh Dongfeng PSA đang hãng xe đối mặt rủi ro lớn nhất vì có tỷ trọng lớn sản lượng xe sản xuất ở Hồ Bắc.
“Các nhà đầu tư cần lường trước một đợt suy giảm hoạt động trong nền kinh tế Trung Quốc”, ông Zhu nhận định. “Chúng tôi dự báo ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc trải qua một đợt chấn động trong vài tháng tới đây”.
Nhà cung cấp Aptiv Plc hôm 30/1 dự báo các hãng xe sẽ giảm sản lượng 15% tại Trung Quốc trong quý 1 này do ảnh hưởng của dịch cúm. Aptiv - công ty có những khách hàng như GM và Volkswagen - dự báo sản lượng của chính mình sẽ giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dịch cúm corona nguy hiểm xảy ra vào đúng thời điểm nhạy cảm của ngành công nghiệp ô tô, với doanh số giảm không chỉ ở Trung Quốc mà trên phạm vi toàn cầu. Các hãng xe cũng đang phải đầu tư mạnh tay để thích ứng với cuộc chuyển giao sang xe chạy điện và xe không người lái. Phức tạp hơn, nền kinh tế toàn cầu nói chung đã giảm tốc từ năm ngoái và dịch cúm có thể khiến tăng trưởng GDP quý 1 của Trung Quốc mất 1 điểm phần trăm.
GM, Toyota và Volkswagen đã quyết định tạm dừng hoạt động nhà máy tại Trung Quốc cho tới ít nhất ngày 9/2, theo đề nghị của chính quyền nhiều địa phương Trung Quốc muốn các doanh nghiệp không hoạt động trở lại trước khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán được gia hạn do dịch cúm. Tesla tuyên bố tạm dừng việc tăng tốc hoạt động nhà máy ở Thượng Hải.
Trong số 31 tỉnh thành phố của Trung Quốc đại lục, 11 tỉnh thành đã gia hạn kỳ nghỉ Tết, bao gồm Thượng Hải, Quảng Đông, Trùng Khánh và Triết Giang. Những địa phương này chiếm hơn 2/3 sản lượng xe của Trung Quốc. Nếu nhà máy ô tô các tỉnh thành này nghỉ đến ngày 10/2, thì sản lượng mất mát là khoảng 350.000 xe - IHS dự báo.
Nỗi sợ virus đang gây sức ép đối với nhiều quốc gia trên thế giới trong việc sơ tán công dân khỏi Trung Quốc. PSA, Honda và Nissan đang tiến hành đưa nhân viên là người nước ngoài và gia đình của họ khỏi khu vực Vũ Hán. Hầu hết các hãng xe đều hạn chế việc nhân viên tới Trung Quốc vào thời điểm này.