Theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA), lượng xe mới bán được trong tháng 3/2020 giảm 55% so với cùng kỳ 2019, do các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn ngừa sự lây lan của virus SARS-CoV2.
Mức giảm này được giới phân tích xem là “thảm họa”. Ở giai đoạn đỉnh điểm của khủng hoảng tài chính, thị trường ô tô châu Âu giảm 27% vào tháng 1/2009 so với cách đó 1 năm. Như vậy, mức giảm của thị trường trong tháng 3 vừa qua lớn gấp đôi mức giảm tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng cách đây 1 thập kỷ.
Hậu khủng hoảng tài chính, thị trường ô tô châu Âu mất 6 năm để hồi phục. Bởi vậy, với mức giảm trong đại dịch này, triển vọng hồi phục càng u ám hơn bao giờ hết.
Cú sốc Covid-19 xảy ra đúng vào lúc công nghiệp ô tô châu Âu đang đi xuống. Tháng 1 và tháng 2 năm nay, thị trường giảm tương ứng 7,4% và 7,5% so với cùng kỳ 2019.
Trước khi các biện pháp giãn cách xã hội được triển khai rộng ở châu Âu, doanh số ô tô chở người ở khu vực này vào hoảng 950.000 xe mỗi tháng. Trong tháng 3, khi các nhà máy ô tô đóng cửa hàng loạt, hơn 1,1 triệu công nhân ngành này ở châu Âu lâm cảnh thất nghiệp và sản lượng ô tô khu vực thiệt hai khoảng 1,2 triệu xe.
Sự gục ngã của ngành công nghiệp ô tô châu Âu trong đại dịch được phản ánh rõ nét qua tình trạng u ám của nền kinh tế khu vực, bởi ô tô là lĩnh vực đóng góp gần 7% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của châu Âu.
Hãng xe bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Fiat Chrysler với mức giảm doanh số 77% trong tháng 3. Tiếp đó là PSA Group, chủ thương hiệu Peugeot, với mức giảm 68%, và hãng Renault với mức giảm 64%. Hãng Volkswagen khá hơn đôi chút, chứng kiến doanh số giảm 38% trong tháng.
Những quốc gia có mức giảm doanh số ô tô mạnh nhất chính là những nước mà virus hoành hành mạnh nhất.
Italy - nước có số người chết vì Covid-19 cao nhất ở châu Âu - có mức giảm doanh số ô tô tháng 3 là 85%. Tiếp đó là Pháp với mức giảm 72%, và Tây Ban Nha với mức giảm 69%.
Doanh số ô tô tại Đức chỉ giảm 38%, có thể do dịch bệnh ở nước này ít nghiêm trọng hơn so với ở các quốc gia kể trên.