Thiết kế của những chiếc xe này nhìn chung ít “dị” hơn so với Cybertruck - chiếc bán tải điện giá 40.000 USD, mang màu sắc tương lai và được trang bị cửa sổ chống đạn. Tuy nhiên, mỗi chiếc xe đều được trang bị những khả năng ấn tượng mà trong nhiều trường hợp thậm chí còn vượt trội hơn cả những xe bán tải hạng nặng chạy xăng hay dầu diesel.
Chẳng hạn, trong một đoạn video được tung vào mùa hè năm ngoái, mẫu bán tải điện F-150 của Ford kéo được cả toa xe lửa chứa những chiếc F-150 khác. Ford thừa nhận rằng màn trình diễn của F-150 chạy điện trong đoạn video “vượt xa khả năng thực sự của chiếc xe được sản xuất”, nhưng đây vẫn là một sự thể hiện đáng kinh ngạc đối với một xe pickup còn đang trong quá trình chế tạo.
Gần đây hơn, hãng General Motors (GM) cho biết chiếc bán tải điện GMC Hummer EV mà hãng sắp chính thức ra mắt sẽ có mô-men xoắn cực đại, một thước đo về lực kéo của chiếc xe, đạt 11.500 pound-feet. Trong khi đó, những chiếc pickup hạng nặng chạy dầu diesel do chính GM sản xuất thường chỉ có mô-men xoắn cực đại dưới 1.000 pound-feet. Dự kiến, GMC Hummer EV sẽ bán đầu được bán lẻ vào năm 2022.
“Câu hỏi lớn đặt ra là khi bạn thực sự dùng những chiếc bán tải điện đó với đúng những khả năng mà chiếc xe được thiết kế để dùng, thì quãng đường đi được tối đa của mỗi lần xạc đầy sẽ bị ảnh hưởng như thế nào”, nhà phân tích Sam Abuelsamid thuộc Navigant Research đặt câu hỏi. Ngay cả những chiếc xe chạy xăng, dầu cũng tiêu hao năng lượng nhiều hơn nếu phải chở nhiều hơn.
Tuy nhiên, nhiều mẫu bán tải điện có được các ưu điểm khác mà động cơ điện mang lại ngoài sức kéo ấn tượng như đề cập ở trên. Động cơ điện vốn nhỏ gọn hơn nhiều so với động cơ đốt trong và không cần đến một hộp số nhiều cấp - một bộ phận khác chiếm nhiều không gian của xe. Nhờ đó, xe bán tải điện có nhiều không gian hơn so với xe cùng loại chạy xăng, dầu.
Chẳng hạn, khi thiết kế chiếc bán tải điện R1T, startup Rivian đã bổ sung một cốp chứa đồ rộng rãi phía trước, nằm ngay dưới ca-pô, nơi mà động cơ luôn chiếm hầu hết không gian trong những chiếc xe chạy xăng, dầu. Chiếc xe cũng có ngăn chứa đồ dạng đường hầm nằm cạnh cửa xe, xuyên chiều rộng của chiếc xe, rất tiện lợi cho những chuyến đi dài lỉnh kỉnh đồ đạc.
Hãng xe Ford và công ty thương mại điện tử Amazon đều là những nhà đầu tư lớn rót vốn vào Rivian. Startup này hiện đang triển khai các dự án cho cả hai đối tác, gồm sản xuất xe van giao hàng chạy điện cho Amazon và một chiếc SUV điện hạng sang Lincoln cho Ford. Ngoài ra, Rivian sản xuất pickup và SUV chạy điện của riêng hãng. Bán tải điện của Rivian dự kiến sẽ bắt đầu được bán trong năm nay, với giá từ 70.000 USD chưa tính đến các khoản ưu đãi tại Mỹ.
Một startup khác có tên Bollinger Motors đang chế tạo mẫu bán tải điện B2 với một đường hầm chạy từ đầu đến cuối xe. Một đầu của đường hầm này có cửa khóa nằm giữa hai đèn phía trước xe, đầu còn lại nằm ở khoang hành khách trong xe. Thiết kế này cho phép xe chở thoải mái những đồ vật dài.
Được thành lập năm 2014, Bollinger thiết kế B2 như thể chiếc xe này không hề được thiết kế, mà trông giống như một hộp đựng công cụ lớn có gắn bánh xe. Nội thất trong xe cũng hết sức đơn giản, không hề có bất kỳ một chi tiết mang tính trang trí nào ngoài bảng điều khiến được ốp gỗ. Vô-lăng của chiếc xe trông như đến từ năm 1963.
B2 thậm chí còn không được trang bị túi khí vì chiếc xe này được phân loại là xe thương mại thay vì xe chở người. Giá của xe bắt đầu từ 125.000 USD, cao hơn nhiều so với giá của một xe thương mại cỡ lớn, và đắt gần gấp đôi so với nhiều bán tải điện khác.
Lordstown Motors - một startup xe điện mua lại một nhà máy lắp ráp của GM ở Lordstown, bang Ohio - thiết kế một mẫu bán tải điện không có động cơ lắp đặt ở phần thân xe. Thay vào đó, động cơ điện được đặt ở 4 bánh xe. Đây là một ý tưởng mà các hãng xe khác từng xem xét, nhưng chưa khi nào đưa vào sản xuất. Việc đặt động cơ ở bánh xe giúp chiếc xe có nhiều không gian trong xe hơn, đồng thời giảm số lượng linh kiện chuyển động - Lordstown cho hay.
Hãng dự kiến bắt đầu sản xuất chiếc xe trong năm 2020, và mức giá bán lẻ sẽ bắt đầu từ 52.000 USD.
Gần đây nhất, Nikola - một công ty sản xuất xe bán tải chạy tấm pin nhiên liệu hydrogen - ra mắt chiếc pickup có thên Badger. Hãng cho biết Badger có thể đi được quãng đường 600 dặm (gần 1.000 km) nếu được nạp đầy năng lượng, bao gồm 300 dặm nhờ pin điện và 300 dặm nữa nhờ tấm pin hydrogen. Theo Nikola, chiếc Badger sẽ được sản xuất thông qua quan hệ đối tác giữa hãng với một hãng xe khác không được công bố danh tính.
Lúc đầu, người mua xe tải điện có thể sẽ thích nghi chậm chạp với chiếc xe mới - theo nhà phân tích Abuelsamid. Tuy nhiên, bán tải điện có nhiều lợi thế, chẳng hạn có thể cung cấp điện cho những công cụ chạy điện ở công trường, hay có chi phí nuôi xe rẻ hơn vì ít linh kiện hơn. Các công ty xe dịch vụ, đối tượng quan tâm nhiều nhất đến chi phí vận hành xe, có thể sẽ là những khách hàng đầu tiên.
“Tôi cho rằng đây sẽ là một thị trường ngách mới được mở ra, và sẽ tăng trưởng dần dần”, ông Abuelsamid nói.