Số lần một giành chiến thắng pháp lý trước một công ty lớn chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Nhưng có một người không chỉ dám chống lại Nissan - hãng sản xuất ô tô khổng lồ của Nhật Bản - mà còn khiến tập đoàn này phải nếm mùi thất bại, cho dù những thiệt hại mà ông phải hứng chịu từ cuộc chiến này không hề nhỏ.
Cả hãng Nissan và người đàn ông trong câu chuyện này đều không có gốc gác gì ở Mỹ, nhưng hệ thống tư pháp của Mỹ đã đứng ra phân xử vụ kiện. Đến nay, vụ kiện đã khép lại, nhưng nguyên đơn đã qua đời và gia đình ông cũng rơi vào cảnh kiệt quệ về tài chính.
Vậy có nhất thiết phải diễn ra cuộc chiến giữa ông Nissan với hãng Nissan? Và cuộc chiến đó có mang lại điều gì tốt đẹp cho một trong hai bên? Trang Hot Cars cho rằng độc giả sẽ tìm ra câu trả lời sau khi đọc câu chuyện.
Đó là câu chuyện của Uzi Nissan, một người đàn ông sinh ra ở Jerusalem và nhập cư vào Mỹ năm 1976. Trớ trêu thay, cơ sở kinh doanh đầu tiên của Uzi, có tên gọi Nissan Foreign Car, là một xưởng sửa chữa ô tô chuyên về xe Datsun - một thương hiệu cũ của Nissan. Đến 1986, thương hiệu Datsun mới bị thay thế bởi thương hiệu Nissan.
Từ xưởng sửa chữa xe này, Uzi Nissan phát triển hoạt động kinh doanh, mở một công ty có tên Nissan International chuyên xuất nhập khẩu linh kiện máy tính. Sau đó, ông nhảy và lĩnh vực bán lẻ bằng cách lập công ty Nissan Computer, và với công ty này, ông còn trở thành một nhà cung cấp dịch vụ Internet. Tháng 6/1994, ông đăng ký tên miền Nissan.com vì các cơ sở kinh doanh của ông đều sử dụng họ của ông là Nissan.
Thực ra, Nissan là một cái tên khá phổ biến của người Do Thái, và theo thông tin từ trang Nissan.com, đây còn là một từ trong Kinh Thánh dùng để chỉ tháng thứ 7 theo lịch Do Thái. Ngoài ra, Nissan cũng là từ chỉ tháng 4 hàng năm trong tiếng Arab. Trong khi đó, Nissan - tên gọi của hãng xe Nhật - không có nghĩa gì trong tiếng Nhật Bản. Tại thị trường Mỹ, ô tô do Nissan sản xuất đã mang thương hiệu Datsun trong suốt nhiều năm.
Trong trường hợp hãng xe Nissan, cái tên này đơn giản chỉ là từ viết tắt tên của công ty mẹ Nihon Sangyo, còn Nihon Sangyo có nghĩa là “công nghiệp Nhật Bản”.
Vào tháng 10/1999, hơn 5 năm sau khi trang web Nissan.com được mở, Uzi Nissan về nhà sau một chuyến đi và nhận được một thư thoại. Đó là thư thoại từ Merrill Davis, người khi đó giữ chức Giám đốc phụ trách chiến lược kinh doanh điện tử của hãng xe Nissan tại thị trường Băc Mỹ. Bà Davis nói muốn thảo luận với Uzi về tên miền Nissan.com.
Người ngoài chỉ có thể đoán rằng cuộc nói chuyện đã không mang lại kết quả như mong đợi cho hãng xe Nissan, bởi sau đó họ khởi kiện nhằm vào Uzi, đòi ông số tiền bồi thường thiệt hại 10 triệu USD và đề nghị tòa án cấm ông sử dụng tên gọi Nissan cho hoạt động kinh doanh của ông trên Internet.
Vụ kiện này được xem là một ví dụ kinh điển về cuộc đối đầu giữa chàng David nhỏ bé và người khổng lồ Goliath. Sau 8 năm, tòa án cuối cùng ra phán quyết đứng về phía Uzi Nissan. “Được vạ thì má đã sưng”, Uzi đến lúc đó đã gánh vài triệu USD phí luật sư, và dù thua vụ kiện này, Nissan vẫn đâm một đơn kiện khác đòi Uzi phải thanh toán phí luật sư bên phía họ. Nhưng rồi tòa án cũng bác đơn kiện này của hãng xe.
Tóm lại, cả hai vụ kiện của Nissan nhằm vào Uzi đều thất bại, nhưng cuộc chiến pháp lý kéo dài này thậm chí khiến Uzi Nissan tổn thất nhiều hơn.
Cuối tháng 7/2020, Uzi qua đời vì nhiễm Covid-19. Trong suốt 8 năm chiến đấu với Nissan, cuộc sống cá nhân của ông đã bị đảo lộn nghiêm trọng, và giờ đây, ông cũng không còn cơ hội để tận hưởng chiến thắng trong cuộc chiến đó.
Sau khi Uzi qua đời, gia đình và bạn bè của ông đã mở một chiến dịch quyên góp tiền có tên GoFundMe để trang trải chi phí y tế của ông và giúp các con ông đóng học phí. Mục tiêu của chiến dịch này là quyên góp số tiền khoảng 50.000 USD. Đến thời điểm này, trang GoFundMe mới huy động được khoảng 17.300 USD, còn cách mục tiêu một khoảng rất xa.