Giá cổ phiếu Aston Martin có thời điểm lao dốc 16% trong phiên giao dịch ngày 27/2, sau khi hãng nói doanh số sẽ tiếp tục sụt giảm trong 6 tháng đầu năm 2020. Hãng cũng cho rằng tình hình lợi nhuận chỉ có thể cải thiện trong nửa sau của năm nay, khi hãng bắt đầu giao hàng DBX. Với mẫu SUV đầu tay này, Aston Martin kỳ vọng có thể tăng gấp đôi sản lượng xe.
Tổng giám đốc (CEO) Anday Palmer của Aston Martin nói rằng DBX đang bán tốt, với lượng đơn hàng đã vượt mục tiêu bán lẻ của năm 2020. Tuy nhiên, hãng lo ngại về ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại Trung Quốc, bởi nước này là thị trường chủ đạo cho DBX.
“Trung Quốc là một thị trường quan trọng đối với chúng tôi”, ông Palmer nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg. “Việc giao hàng DBX tại Trung Quốc sẽ diễn ra khá muộn trong năm nay, nên chúng tôi hy vọng đến lúc đó virus đã được khống chế”.
Giá cổ phiếu Aston Martin đã ở trong một vòng xoáy đi xuống kể từ khi hãng phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2018. Kết quả kinh doanh ngày càng tệ của hãng là hệ quả của nhiều yếu tố bất lợi, gồm việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), tức Brexit, và doanh số gây thất vọng của Vantage - mẫu xe cấp thấp nhất do hãng sản xuất.
Để tránh bờ vực đổ vỡ, vào tháng 1 vừa qua, Aston Martin phải nhận khoản vốn đầu tư 500 triệu Bảng, tương đương 645 triệu USD, từ một nhóm nhà đầu tư dẫn đầu là tỷ phú người Canada Lawrence Stroll. Theo thỏa thuận, ông Stroll sẽ trở thành Chủ tịch điều hành của hãng.
Trung Quốc hiện đang là thị trường tăng trưởng nhanh nhất của Aston Martin và hãng đặt nhiều kỳ vọng vào doanh số DBX tại thị trường này. Cơ sở của kỳ vọng như vậy là đường xá nhiều nơi ở Trung Quốc còn chưa thuận lợi và người giàu ở nước này thường có tài xế riêng, nên xe SUV sẽ phù hợp hơn là một chiếc xe thể thao.
Nếu không tính DBX, doanh số bán buôn của Aston với các đại lý được dự báo “giảm nhiều” trong 2020 so với 2019, do hãng đang tập trung giảm lượng hàng tồn kho gây giảm giá xe. CEO Palmer nói vấn đề có ý nghĩa sống còn là hãng phải đạt tới sự phù hợp tốt hơn giữa nguồn cung và nhu cầu, và việc này “phải có biện pháp và phải được hoàn thành”.
Năm ngoái, doanh thu của Aston Martin sụt 9% và hãng lỗ 37 triệu Bảng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/2 tại thị trường London, cổ phiếu Aston Martin giảm 9%, còn 355,8 pence. Mức giá này thấp hơn khoảng 80% so với mức 19 Bảng/cổ phiếu Aston Martin trong vụ IPO diễn ra vào tháng 10/2018.
Với mức giá cổ phiếu hiện tại, Aston Martin đạt vốn hóa thị trường hơn 811 triệu Bảng, tương đương khoảng 950 triệu USD, chỉ bằng xấp xỉ 1/30 so với vốn hóa của hãng xe thể thao hạng sang Italy Ferrari. Việc Ferrari phát triển theo mô hình sản lượng cao đã trở thành hình mẫu để Aston Martin học theo.
Vốn hóa của Ferrari hiện ở mức 27 tỷ Euro, tương đương khoảng 30 tỷ USD.