Sau đó, ông sẽ bán lại thương hiệu và bỏ túi một khoản lợi nhuận không tồi.
Đó là một kỹ năng mà Stroll đã mài dũa trong thập niên 1980 khi mang phong cách thời trang trường học quý tộc New England của thương hiệu Ralph Lauren tới châu Âu. Năm 1980, ông cùng Silas Chou, một đối tác làm ăn lâu năm, mua lại Tommy Hilfiger, một thương hiệu thời trang phong cách Mỹ với logo màu xanh-đỏ-trắng và có thế mạnh về trang phục câu lạc bộ đồng quê.
Bản danh sách các thương hiệu thời trang về tay Stroll còn có Michael Kors, công ty đang ngấp nghé bờ vực phá sản vào thời điểm Stroll và Chou ra tay mua lại vào 2003. Cho tới khi được bộ đôi bán lại vào năm 2011, Michael Kors đã đạt tới “ngôi vua” của phân khúc thời trang cao cấp giá bình dân và sở hữu mức định giá cao ngất ngưởng.
Giờ đây, Stroll muốn chứng minh rằng ông có thể áp dụng phương pháp tương tự trong một lĩnh vực hoàn toàn khác với thời trang, một lĩnh vực mà vốn đầu tư cao hơn nhiều, các quy chế giám sát nghiêm ngặt hơn nhiều, và mức độ cạnh tranh cũng khốc liệt hơn nhiều.
Cách đây ít ngày, hãng sản xuất siêu xe thể thao Anh quốc Aston Martin Lagonda Global Holdings được tung một “phao cứu sinh” 500 triệu Bảng, tương đương 656 triệu USD, từ một nhóm nhà đầu tư do Stroll dẫn đầu. Cuộc giải cứu này dự kiến sẽ đưa Stroll thành Chủ tịch điều hành của thương hiệu xe được lựa chọn cho điệp viên James Bond, nhân vật chính của loạt phim 007.
Canh bạc lớn
Được cứu khỏi nguy cơ sụp đổ là điều mà Aston Martin cần vào lúc này. Tại thời điểm công ty thực hiện vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào cuối 2018, Aston Martin được đánh giá như một hãng xe ngang tầm với đối thủ Italy Ferrari - hãng xe đã có một vụ IPO rất thành công 3 năm trước đó.
Tuy nhiên, so sánh lạc quan này nhanh chóng nhường chỗ cho một loạt cảnh báo về lợi nhuận, doanh só ảm đạm, và nguồn dự trữ tài chính cạn dần. Tất cả những trở ngại đó gây sức ép lên cổ phiếu Aston Martin, khiến cổ phiếu này đến nay mất 75% giá trị so với mức giá IPO.
Hiện Stroll chưa công khai kế hoạch của ông với Aston Martin, nhưng sự đặt cược trong canh bạc này là rất lớn. Aston Martin có kế hoạch phải chi tiêu nhiều và khả năng xoay chuyển tình thế sẽ tùy thuộc vào việc liệu chiếc xe SUV đầu tay của hãng - chiếc DBX giá 189.000 USD - có thành công hay không.
Với DBX, Aston Martin tin rằng hãng có thể mở rộng đối tượng khách hàng từ những người đam mê các mẫu xe thể thao chẳng hạn như chiếc Vantage giá 150.000 USD - dòng xe ngày càng trở nên khó bán hơn. Ngoài ra, Aston Martin cũng khác với những phi vụ đầu tư trước đây của Stroll vì đây là một công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, đồng nghĩa với mọi kế hoạch đều bị giới đầu tư soi xét và phải được niêm yết thông tin.
“Ông Stroll đã mang lại một số lợi ích quan trọng cho Aston Martin. Ông ấy đã giải tỏa cơn khát vốn đầy cấp bách của hãng xe, cho phép hãng tập trung vào việc xây dựng thương hiệu thay vì phải bán bớt bộ phận để có tiền duy trì công ty”, nhà phân tích Angus Tweedie thuộc Citigroup Global Markets nhận xét.
DBX xuất hiện trên thị trường ngách xe SUV hạng sang vốn đã có nhiều đối thủ cạnh tranh, nhưng lượng đơn hàng ban đầu mà mẫu xe này nhận được là rất đáng khích lệ. Thành công này cho phép Stroll và nhóm của ông có thêm thời gian và nguồn lực để giải tỏa sức ép ở các mẫu xe khác - theo đánh giá của nhà phân tích Giulio Pescatore thuộc HSBC ở London. Cùng với đó, ông Pescatore cho rằng sẽ là khôn ngoan nếu Aston Martin không đi theo chiến lược phụ thuộc vào một mẫu xe duy nhất nào.
“Chỉ riêng chiếc DBX không thể gánh cả công ty được”, nhà phân tích này nói.
Aston Martin cho biết việc giao hàng DBX sẽ bắt đầu vào tháng 5/2020.
Ưu tiên thay đổi
Ngay sau vụ rót vốn, Stroll đã nhanh tay điều chỉnh lại các ưu tiên của Aston Martin. Hãng tuyên bố sẽ cắt giảm các khoản đầu tư lớn vào các mẫu xe mới và thay vào đó, tập trung vào những dự án thuận lợi hơn như DBX và những phiên bản xe đặc biệt thường có giá hàng triệu USD.
Ngoài ra, Aston Martin cũng tạm dừng kế hoạch tung ra một mẫu xe điện, trong bối cảnh hầu hết các hãng xe khác gia nhập cuộc đua xe chạy điện. Nhưng không giống như trong ngành thời trang, ngành công nghiệp ô tô có những chu kỳ nghiên cứu và phát triển (R&D) kéo dài nhiều năm và đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Việc Aston Martin gác lại tham vọng xe điện rất có thể đặt hãng vào thế bất lợi về công nghệ.
Đối với Stroll, vụ giải cứu Aston Martin mang lại cho nhóm nhà đầu tư mà ông dẫn đầu cổ phần 20% trong hãng xe này. Thương vụ là sự kết hợp hai niềm đam mê lớn của ông: vực dậy các công ty yếu và chơi xe tốc độ cao.
Thành công của Stroll trong ngành thời trang giúp ông trở thành tỷ phú, sở hữu khối tài sản ròng khoảng 2,5 tỷ USD theo xếp hạng Bloomberg Billionaires Index. Ông sở hữu một bộ sưu tập xe hơi hoành tráng, trong đó có nhiều chiếc Ferrari quý hiếm, và cả một đội đua Công thức 1.
Sinh năm 1959 tại Montreal, Canada, Stroll giờ có một cuộc sống thượng lưu trong mơ. Năm ngoái, các tờ báo lá cải đăng tràn ngập những hình ảnh về bữa tiệc sinh nhật xa xỉ của ông trên đảo Capri, Italy. Trong số khách mời có cả cặp vợ chồng ngôi sao điện ảnh Michael Douglas và Catherine Zeta-Jones. Stroll cũng sở hữu dinh thự ở nhiều nơi trên thế giới, từ Thụy Sỹ tới đảo Mustique.
Kết quả mà Stroll có được trong lĩnh vực thời trang phụ thuộc không nhỏ vào việc mạnh tay mở rộng danh mục sản phẩm để thương hiệu được tiếp cận rộng rãi hơn. Trong trường hợp Michael Kors, chiến lược đó đồng nghĩa với việc bổ sung thêm các phụ kiện phổ biến như kính mắt và túi xách vào dòng sản phẩm chủ chốt là quần áo. Giới đầu tư đã đồn đoán rằng Stroll có thể đưa Aston Martin từ một hãng xe trở thành một thương hiệu tiêu dùng xa xỉ - một sự mở rộng vẫn còn chưa được kiểm chứng về khả năng sinh lời ngoài những mặt hàng nho nhỏ như móc đeo chìa khóa hay áo phông.
Ngay từ trước khi Stroll cứu Aston Martin, Tổng giám đốc (CEO) Andy Palmer của hãng này đã có ý định phát triển hãng thành một thương hiệu phong cách sống, bằng cách tung ra những sản phẩm như khăn quàng cashemere và túi da, đồng thời hợp tác với nhiều công ty khác, từ một dự án bất động sản cao cấp ở Miami cho tới một dự án tàu ngầm mini có tên Project One.
Tác dụng của sự mở rộng này vẫn đang là một câu hỏi lớn, ít nhất là ở thời điểm hiện tại: kính mắt và áo phông Aston Martin đang được giảm giá 75% tại nhiều cửa hiệu.
Cuộc chơi Công thức 1
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, ông Palmer nói rằng sự xuất hiện của Stroll sẽ củng cố nền móng của Aston Martin với tư cách một thương hiệu cao cấp. “Tôi cho rằng câu chuyện sẽ thay đổi theo hướng từ ô tô sang hàng hóa cao cấp”, Palmer nói.
Liệu Stroll có “thể lực” tốt hơn trong việc đầu tư vào lĩnh vực ô tô so với các thương vụ ngành thời trang còn là điều phải chờ xem.
Vào năm 2018, ông dẫn đầu một nhóm nhà đầu tư mua lại đội đua Công thức 1 Force India của Anh, rồi đặt tên lại là Racing Point. Danh sách thành viên của đội này có cậu con trai 21 tuổi của Stroll là Lance, người xếp thứ 15 trong giải Công thức 1 2019.
Dù Stroll đã bơm 118 triệu USD vào Racing Point, đội này chỉ giành vị trí thứ 7 trong giải đua. Nhưng do xe đua F1 được thiết kế vào năm trước của một giải đua, năm 2020 mới là cuộc kiểm tra thực sự đối với Stroll - theo nhận định của Formula Money, trang tin theo dõi Công thức 1.
“Hầu hết cả chủ đội đua xe Công thức 1 không đầu tư vào Công thức 1 để kiếm tiền. Đối với họ, Công thức 1 là một hoạt động marketing, thường là một cách để quảng bá xe”, bà Caroline Reid, chuyên gia của Formula Money phát biểu.
Đây có thể là một sự mở rộng quan trọng đối với Aston Martin. Theo thỏa thuận, đội đua Công thức 1 của Stroll sẽ trở thành đội Aston Martin trong 10 năm từ 2021 trở đi. Đối với Aston Martin, hãng xe đã phá sản 7 lần kể từ ngày thành lập, đây sẽ là một phần của nỗ lực “sống lại” thêm lần nữa.
Giờ đây, người hâm mộ thương hiệu Aston Martin đang mong chờ không chỉ phần mới của bộ phim 007, mà còn hy vọng Stroll sẽ cam kết lâu dài với hãng, thay vì chỉ hứa suông rồi “bỏ của chạy lấy người” khi gặp khó khăn như những nhà đầu tư trước.