Covid-19, “bài kiểm tra” khắc nghiệt nhất đối với CEO Ford

Phương Vy

Trước khi Covid-19 gây đảo lộn kinh tế toàn cầu, Tổng giám đốc (CEO) Jim Hackett của Ford đã đương đầu sức ép từ nhiều phía. Giờ đây, đại dịch này đang trở thành “bài kiểm tra” khắc nghiệt nhất mà ông Hackett từng phải đối mặt kể từ khi trở thành nhà điều hành cấp cao nhất của hãng xe Mỹ.

CEO Jim Hackett của hãng xe Ford - Ảnh: WSJ.
CEO Jim Hackett của hãng xe Ford - Ảnh: WSJ.

Ngày 19/3, Ford đưa ra quyết định dừng trả cổ tức vì khó khăn tài chính trong bối cảnh đại dịch do chủng mới của virus Corona. Lâu nay, bộ máy lãnh đạo của Ford luôn xem cổ tức là vấn đề “bất khả xâm phạm”. Bởi vậy, việc hãng dừng trả cổ tức bị giới phân tích xem như dấu hiệu của thách thức lớn.

Ford “rút vào hầm trú ẩn”

Chủ tịch Bill Ford, cháu nội của nhà sáng lập hãng, vốn không ngần ngại gì khi nhấn mạnh về tầm quan trọng của cổ phiếu và cổ tức đối với gia đình Ford. “Hầu hết tài sản của chúng tôi đều nằm ở công ty”, ông Bill nói trong cuộc họp cổ đông thường niên của Ford vào năm 2017. Trong cuộc họp năm 2018, khi được một nhà đầu tư đặt câu hỏi, ông đã nói vui về sự mong mỏi cổ tức của gia đình ông.

“Vì sao công ty này lại ‘keo kẹt’ trong việc trả cổ tức đến vậy?” ông Bill đọc mảnh giấy ghi câu hỏi của một nhà đầu tư trong cuộc họp đó. Và ông đùa: “Đây có phải là câu hỏi do một thành viên của nhà Ford gửi tới không vậy?”

Nhưng hiện nay, cũng giống như các hãng xe khác, Ford đang đối mặt cuộc khủng hoảng lớn do Covid-19 gây ra. Hãng đã phải tạm ngừng hoạt động các nhà máy ở khu vực Bắc Mỹ, sau khi đóng cửa các nhà máy ở châu Âu.

Trong tình thế như vậy, CEO Hackett nói rằng ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải bảo tồn dự trữ tiền mặt và bù đắp thiệt hại tài chính dự kiến lên tới hàng tỷ USD mà đại dịch gây ra.

“Dù không lường trước được đại dịch do virus Corona, chúng tôi đã duy trì được một bảng cân đối kế toán mạnh và có đủ thanh khoản để vượt qua sự bấp bênh kinh tế và tiếp tục đầu tư cho tương lai”, ông Hackett trấn an trong một tuyên bố.

Để “dễ thở” hơn về tài chính và đảm bảo tiến độ ra mắt các mẫu xe mới, Ford cũng sẽ rút hết 15,4 tỷ USD vốn vay trong hai hạn ngạch tín dụng hiện có. Ngoài ra, hãng cắt giảm dự báo lợi nhuận trong báo cáo đưa ra hôm 4/2.

“Bằng cách sử dụng toàn bộ hạn ngạch tín dụng, Ford sẽ có trong tay hơn 30 tỷ USD tiền mặt, và đó là một số tiền lớn”, nhà phân tích David Whiston thuộc Morningstar nhận định. “Cùng với dừng trả cổ tức, việc này về cơ bản đưa Ford vào trạng thái phong tỏa. Họ đang rút vào hầm trú ẩn”.

Trong một tình huống chưa từng có tiền lệ như hiện nay, ông Hackett có thể sẽ có thêm chút thời gian và kiên nhẫn từ gia đình Ford. Mỗi năm, cổ tức mang về cho người nhà Ford những khoản thu nhập hàng chục triệu USD. Con cháu của nhà sáng lập Henry Ford nắm cổ phiếu đặc biệt trong hãng xe này, qua đó kiểm soát 40% quyền bầu.

Lần gần đây nhất Ford dừng trả cổ tức là vào năm 2006. Việc trả cổ tức chỉ được nối lại 5 năm sau đó. Trong khoảng thời gian đó, thế giới trải qua cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, khiến doanh số ô tô ở Mỹ sụt giảm còn 10,4 triệu xe vào năm 2009.

Thất hứa cổ tức

Khi trả cổ tức trở lại vào năm 2011, ban lãnh đạo Ford hứa rằng họ đã tái cơ cấu lại công ty để có thể duy trì việc trả cổ tức trong lần suy thoái tiếp theo. Nhưng lời hứa này đã không thể thực hiện trong đại dịch Covid-19.

“Ngay cả trước khi ông Hackett trở thành CEO, Ford đã nhiều lần nói rằng cổ tức sẽ an toàn cho dù doanh số có giảm về mức của năm 2009”, nhà phân tích Whiston nói. “Nhưng các dự báo xấu nhất hiện nay cũng không cho là doanh số ô tô của năm 2020 sẽ giảm về mức của năm 2009”.

Việc Ford không giữ được lời hứa cổ tức đang gia tăng sức ép lên ông Hackett - người mà giới phân tích ở Phố Wall gần đây cho rằng rất dễ mất ghế CEO.

Kể từ khi ông Hackett lên cầm quyền, cổ phiếu Ford liên tục sụt giảm. Phiên ngày 19/3, cổ phiếu này chốt ở mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009.

Diễn biến giá cổ phiếu Ford dưới thời hai vị Tổng giám đốc (CEO) là Mark Fields và Jim Hackett. Đơn vị: USD/cổ phiếu - Nguồn: Bloomberg.
Diễn biến giá cổ phiếu Ford dưới thời hai vị Tổng giám đốc (CEO) là Mark Fields và Jim Hackett. Đơn vị: USD/cổ phiếu - Nguồn: Bloomberg.

Theo quyết định đưa ra ngày 19/3, Ford sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy của hãng ở khu vực Bắc Mỹ cho tới hết ngày 30/3 để khử trùng, tiêu độc. Theo nhà phân tích Michael Ward thuộc Benchmark Co., đợt đóng cửa này sẽ khiến Ford thiệt hại 1 tỷ USD lợi nhuận trước thuế, 5,3 tỷ USD doanh thu, và 140.000 xe trong sản lượng.

Nhà phân tích Joseph Spak thuộc RBC Capital Markets - người từ tuần trước đã dự báo sớm muộn gì Ford cũng phải cắt giảm hoặc dừng trả cổ tức - cho rằng khoản tiền 2,4 tỷ USD trả cổ tức hàng năm là một gánh nặng tài chính quá lớn đối với hãng ở thời điểm hiện nay.

Không chỉ mất kiên nhẫn với kết quả kinh doanh đi xuống của Ford, giới đầu tư còn ngán ngẩm khi ông Hackett lề mề trong việc triển khai kế hoạch tái cơ cấu công ty trị giá 11 tỷ USD. Năm ngoái, hai tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s và Standard & Poor’s đồng loạt cắt giảm điểm tín nhiệm của Ford. Trong đó, định hạng tín nhiệm của Moody’s đối với Ford đã xuống ngưỡng “rác” (junk - hạng không khuyến nghị đầu tư), và mức điểm của Standard & Poor’s dành cho Ford chỉ còn cách ngưỡng “rác” đúng 1 bậc.

Dù sao, ông Hackett vẫn là một nhân vật được cả Chủ tịch Bill Ford và gia đình Ford ủng hộ. Có lẽ, người nhà Ford đang hy vọng đợt gián đoạn cổ tức này sẽ không kéo dài lâu.

Theo Bloomberg

Tags: Ford covid-19

Tin mới

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, thị trường ô tô Việt Nam đã có dấu hiệu lao dốc và ảm đạm dù vừa vượt mốc thị trường nhỏ vào cuối năm 2022. Để kích cầu, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam liên tục tung ra những hình thức khuyến mại, ưu đãi lớn. Tuy nhiên, mọi cố gắng dường như chưa đủ sức để giúp doanh số bán hàng của thị trường tăng trưởng trở lại như kì vọng.
Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona đã ra mắt lần đầu tiên cách đây hơn nửa thập kỷ vào năm 2017 và được nâng cấp vào năm 2020. Trước khi năm 2022 sắp kết thúc, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc hiện đang mang đến cái nhìn đầu tiên về Kona thế hệ thứ hai, mẫu xe nhận được sự thay đổi triệt để.
Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Cận Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, các hãng xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu tại Việt Nam đang “chạy đua” triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu. Mặc dù vậy, vẫn có những hãng xe đi ngược số đông vì nhiều lý do.