Không dừng ở đó, ông Hackett còn cho về hưu sớm ông Joe Hinrichs, một giám đốc Ford được đánh giá là người kế nhiệm tiềm năng cho ghế CEO.
Mối quan hệ "không thể chia cắt"
Tất cả những tuyên bố này được xem là màn phô diễn sức mạnh không ai ngờ tới của vị “sếp tổng” vừa trải qua thêm một quý kinh doanh bết bát và cổ phiếu công ty bị bán tháo trong suốt thời gian 3 năm kể từ khi ông lên cầm quyền.
Tuy nhiên, có một cơ sở quan trọng để ông Hackett, 64 tuổi, tiếp tục “hét ra lửa” như vậy: ông có sự hậu thuẫn của Chủ tịch điều hành Bill Ford.
Giới đầu tư ở Phố Wall chưa bao giờ chào đón Hackett và rất mất kiên nhẫn với sự chậm chạp của ông trong việc tái cơ cấu Ford. Tuy nhiên, ông lại gây dựng được mối quan hệ thân thiết với ông Bill Ford, 62 tuổi, chắt nội của Henry Ford - nhà sáng lập Ford. Hai ông thường qua lại thăm văn phòng của nhau, cùng nhau chia sẻ ý tưởng về tương lai kỹ thuật số của ngành giao thông, khi dữ liệu lớn quyết định việc các hãng xe chế tạo ra xe không người lái và ô tô điện như thế nào.
Nguồn tin nội bộ từ Ford tiết lộ rằng mối quan hệ giữa ông Hackett và ông Ford là "không thể chia cắt".
“Hài hòa trong kinh doanh là chuyện tốt”, ông Hackett nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg hôm 24/2. “Điều đó nếu không có niềm tin thì không có được, và cũng nhờ vào quan điểm chung của chúng tôi về những việc cần làm để giúp công ty giữ được khả năng cạnh tranh thực sự trong ít nhất 50 năm nữa”.
Farley và Hinrichs
Việc thăng chức cho một giám đốc khác của Ford là ông Jim Farley lên ghế Giám đốc hoạt động (COO), và việc ông Hinrichs về hưu, đã gây ra một sự rung chuyển nhất định ở Ford - hãng xe đang loay hoay thích ứng với những thay đổi to lớn đang diễn ra trong ngành công nghiệp ô tô.
Cuộc ra đi bất ngờ của ông Hinrichs, 53 tuổi, đồng nghĩa một sự đoạn tuyệt hoàn toàn với kỷ nguyên của cựu CEO Alan Mulally - người có công giữ cho Ford không rơi vào cảnh phá sản trong thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nguồn thạo tin nói rằng ông Mulally rất thân với ông Hinrichs và từng cho rằng ông Hinrichs nên là người kế nhiệm ông ở ghế CEO khi ông về hưu vào năm 2014.
Cách đây gần 1 năm, ông Farley và ông Hinrichs cùng được cất nhắc lên ghế giám đốc. Ông Farley tập trung vào vấn đề tương lai của công ty, trong khi ông Hinrichs tập trung vào các vấn đề hiện tại.
Sau vài tháng nhận vai trò này, ông Farley được khen tới tấp vì dẫn đầu cuộc đàm phán của Ford với Volkswagen mà nhờ đó hai bên đạt thỏa thuận hợp tác phát triển xe điện và xe không người lái. Thỏa thuận này được cả ông Bill Ford và ông Hackett hoan nghênh hết sức. Những người tham gia đàm phán đều đánh giá cao kỹ năng đàm phán chuyên nghiệp của ông Farley, cho rằng nhờ đó mà cuộc đàm phán đi đúng hướng.
Trong khi đó, các “fan” hâm mộ ông Farley cho rằng ông Hinrichs quá chậm chạp trong việc khắc phục những yếu kém của Ford. Họ chỉ trích việc Ford gặp sự cố sản xuất khi tung ra mẫu SUV Explorer mới vào năm 2019 - vấn đề khiến lợi nhuận của Ford tại thị trường Bắc Mỹ suy giảm trong khi thua lỗ ở nhiều thị trường nước ngoài.
Theo nguồn tin nội bộ, khi ông Hinrichs cử một vị Phó giám đốc tới điều tra vấn đề tại một nhà máy sản xuất Explorer ở Chicago, một số cấp dưới thậm chí còn không thèm tới các cuộc họp. Việc một nhà điều hành cấp cao bị thiếu tôn trọng như vậy là bằng chứng cho thấy ông Hinrichs không nắm quyền kiểm soát hoàn toàn những gì diễn ra ở nhà máy.
Sự cố với Explorer làm suy giảm uy tín của ông Hinrichs với tư cách một nhà điều hành xuất sắc về sản xuất nổi lên dưới thời CEO Mulally. Cách đây 6 năm, ông đã gây ấn tượng mạnh với vai trò giám sát thành công cuộc ra mắt thị trường đầy phức tạp của mẫu F-150 thân nhôm. Tiếp đó, hồi năm 2018, ông giữ vai trò quan trọng trong việc giữ vững sản xuất dòng xe bán chạy này của Ford sau khi xảy ra vụ nổ tại một nhà cung cấp.
Cổ phiếu Ford lại về đáy
Theo thời gian, di sản của ông Mulally - bao gồm cả ông Hinrichs - trở thành một vấn đề ngày càng phức tạp ở Ford. Dưới thời Hackett, Ford không còn chuộng những chính sách của ông Mulally, chẳng hạn việc khuyến khích các nhà điều hành đứng lên nhận lỗi và tìm kiếm sự giúp đỡ để sửa lỗi.
Ông Mulally cũng đặt cược nhiều vào các mẫu xe nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu, trong khi giờ đây giá xăng rẻ khiến xe lớn “lên ngôi” ở Mỹ. Trong bối cảnh đó, ông Hackett đã rút Ford khỏi phân khúc xe sedan.
Ngoài ra, việc ông Mulally được coi là “cứu tinh” của Ford trong thời gian khủng hoảng tài chính của khiến ông Bill Ford khó chịu. Đó là bởi ông Bill Ford cũng giữ vai trò then chốt trong việc giành một khoản vay cứu trợ giúp cho Ford đứng vững trong cuộc khủng hoảng khiến ngành công nghiệp ô tô Mỹ suy sụp.
“Với sự ra đi của Joe Hinrichs, Ford giờ đây quay trở về vị trí trước khi mọi thứ bắt đầu xấu đi lần gần đây nhất”, ông Bryce Hoffman, tác giả cuốn: “American Icon: Alan Mulally and the Fight to Save Ford Motor Company” (tạm dịch: “Biểu tượng Mỹ: Alan Mulally và cuộc chiến cứu hãng xe Ford”) xuất bản năm 2012, nhận xét. “Nhưng hiện nay, Ford phải đối mặt với một thị trường cạnh tranh khốc liệt hơn và một môi trường kinh doanh nhiều thách thức hơn trước”.
Từ đầu năm đến nay, ông Bill Ford chưa lần nào xuất hiện trước công chúng, trong khi giá cổ phiếu Ford đã giảm dưới mốc 8 USD/cổ phiếu lần đầu tiên kể từ tháng 1/2019. Đó là thời điểm mà tại Triển lãm Ô tô Detroit, vị Chủ tịch công khai bày tỏ ủng hộ CEO Hackett và kêu gọi giới đầu tư kiên nhẫn với kế hoạch tái cơ cấu trị giá 11 tỷ USD của ông Hackett.
Giờ đây, ông Farley đã tiếp quản nhiệm vụ mà ông Hinrichs để lại, với cam kết sẽ hành động nhanh chóng. “Trong bối cảnh toàn ngành hiện nay và những thay đổi đang diễn ra, chúng tôi phải tăng tốc”, ông nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hôm 7/2. “Chúng tôi không thể đợi năm này qua năm khác được”.
Giới phân tích dự báo bộ máy lãnh đạo của Ford sẽ còn nhiều thay đổi trong thời gian tới, nhưng có một điều gần như chắc chắn là ghế CEO sẽ tiếp tục nằm trong tay ông Hackett - người có sự hậu thuẫn của Chủ tịch Bill Ford.
Nhưng dù sao, Farley đang nổi lên thành một thế lực rõ ràng ở Ford. Ngay cả một nhược điểm tính cách của ông là dễ nổi nóng cũng đang được xem là điều cần thiết để thay đổi văn hóa thủ cựu ở Ford.
“Ông ấy khá quyết liệt”, nhà phân tích David Whiston thuộc Morningstar nhận xét về Farley. “Tôi mừng vì Ford có được ông ấy”.