Trong bối cảnh “sóng thần” Covid-19 ập xuống, ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đối mặt một cú sốc tín nhiệm chưa từng có trong lịch sử. Điểm tín nhiệm của một công ty là căn cứ để đưa ra lãi suất khi công ty đó vay vốn trên thị trường trái phiếu. Điểm tín nhiệm giảm đồng nghĩa công ty đó phải trả lãi suất cao hơn.
Ford - nạn nhân lớn nhất
Ở thời điểm hiện tại, Ford dường như đã trở thành nạn nhân lớn nhất của đại dịch do chủng mới của virus Corona gây ra. Ngày 26/3, tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s hạ một bậc điểm tín nhiệm của Ford xuống ngưỡng “rác” (junk) - đồng nghĩa với việc nợ do Ford phát hành không phải là trái phiếu được tổ chức này khuyến nghị đầu tư. Tuyên bố của Standard & Poor’s cũng cảnh báo có thể hạ bậc tín nhiệm của Ford xuống sâu hơn.
Trước đó chỉ một ngày, vào hôm 25/3, một tổ chức đánh giá tín nhiệm lớn khác là Moody’s có lần cắt giảm điểm tín nhiệm thứ hai đối với Ford chỉ trong vòng 6 tháng. Với động thái này, điểm tín nhiệm mà Moody’s dành cho Ford tụt sâu thêm một bậc trong vùng “rác”, xuống Ba2.
Ford chỉ là một trong nhiều hãng xe mà Moody’s cho rằng đang đứng trước một “cú sốc tín nhiệm” chưa từng thấy, khi Covid-19 đe dọa tất cả các nhà sản xuất ô tô từ General Motors (GM) cho tới Volkswagen. Tuy nhiên, rủi ro đối với Ford đặc biệt lớn vì hãng này đang đối mặt nhiều vấn đề trong quá trình thực thi một kế hoạch cải tổ công ty trị giá 11 tỷ USD. Việc triển khai kế hoạch này diễn ra hết sức ì ạch và chưa thể cải thiện tình trạng kinh doanh tụt dốc của Ford.
Moody’s ước tín Ford có thể “đốt” tới 8 tỷ USD tiền mặt trong 12 tháng tới do ảnh hưởng của dịch bệnh, tiêu tốn một khoản không nhỏ trong hạn ngạch tín dụng 37,7 tỷ USD mà công ty đã sử dụng hết vào tuần trước. Chi phí bảo hiểm vỡ nợ đối với trái phiếu của Ford trong thời gian 5 năm tới đã tăng gấp hơn 4 lần trong tháng 3 này.
BMW - hãng xe châu Âu có hồ sơ tín nhiệm tốt nhất hiện nay - bị Moody’s giảm một bậc xuống A2. Moody’s đồng thời cảnh báo xem xét giảm điểm tín nhiệm của GM, Daimler, Jaguar Land Rover, PSA, Renault, Volkswagen, Volvo, và McLaren.
Cũng trong ngày 26/3, Moody’s đồng loạt hạ điểm tín nhiệm của ba hãng xe Nhật Bản gồm Toyota, Nissan và Honda.
Điểm tín nhiệm giảm la liệt
Trong một tuyên bố, Moody’s nói rằng sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh, triển vọng kinh tế ngày càng xấu, giá dầu tụt dốc và giá các tài sản khác giảm sâu đang “tạo ra một cú sốc tín nhiệm nghiêm trọng trên diện rộng”. “Hiệu ứng cộng hưởng của những diễn biến này đến định hạng tín nhiệm của các công ty là chưa từng có tiền lệ”, báo cáo viết.
Các hãng xe và các nhà cung cấp phụ tùng đang phải đóng cửa hầu như tất cả nhà máy ở Mỹ và châu Âu nhằm tuân thủ các biện pháp của chính phủ nhằm ngăn ngừa sự lây lan của loại virus nguy hiểm. Sự đóng băng hoạt động này xảy ra khi tâm dịch Covid-19 dịch chuyển từ Trung Quốc sang châu Âu và Mỹ, gây tê liệt thị trường ô tô tại các khu vực này và đứt gãy chuỗi cung ứng của ngành.
Theo dự báo của Moody’s, nhu cầu tiêu thụ ô tô sẽ giảm mạnh trong mấy tháng tới, đặc biệt tại châu Âu và Bắc Mỹ. Tổ chức này cho rằng nhu cầu ô tô toàn cầu sẽ giảm 14% trong năm 2020, trong đó mức giảm trong quý 2 có thể lên tới 1/3.
Trong một dự báo u ám tương tự, công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit hôm 25/3 cho rằng nhu cầu ô tô toàn cầu năm nay có thể giảm hơn 12% so với năm ngoái, còn 78,8 triệu xe. Báo cáo này của IHS cắt giảm 10 triệu xe trong nhu cầu tiêu thụ ô tô của thế giới trong 2020 so với con số dự báo đưa ra hồi tháng 1.
Ngoài Ford, Moody’s cho rằng các hãng xe Nhật cũng đặc biệt dễ tổn thương bởi đại dịch này.
Toyota, hãng có điểm tín nhiệm cao nhất trong số các hãng xe của đất nước mặt trời mọc, bị Moody’s giảm điểm tín nhiệm về A1 từ Aa3. Honda bị giảm xuống A3 từ A2.
Nissan - hãng xe vốn dĩ đang trải qua một cuộc khủng hoảng nội bộ kể từ khi cựu Chủ tịch Carlos Ghosn bị bắt - đang có điểm tín nhiệm tệ nhất trong số 3 hãng xe lớn nhất của Nhật. Điểm tín nhiệm của Nissan bị Moody’s giảm về Baa3 từ Baa1.
Volkswagen lo “không trụ nổi”
Tình hình cũng không mấy sáng sủa đối với các “đại gia” ô tô Mỹ còn lại. Moody’s dự báo, doanh số cả năm nay của GM sẽ giảm tới 18%.
Theo giới phân tích, GM có thể tránh được việc bị hạ điểm tín nhiệm xuống ngưỡng “rác”, nhưng nếu xảy ra, điều đó sẽ gây ảnh hưởng đặc biệt tiêu cực đối với bộ phận cho vay của hãng này. Cả GM và Ford đều có nguồn tiền mặt lớn từ mảng cho vay mua xe, và điểm tín nhiệm tụt giảm sẽ khiến họ phải vay vốn với lãi suất cao hơn để cho cấp vốn cho mảng này.
Giám đốc kinh doanh toàn cầu của thương hiệu Volkswagen, ông Juergen Stackmann, nói hãng này kỳ vọng tình hình ở Đức sẽ bình thường trở lại trong mùa hè năm nay dù Covid-19 có thể chưa biến mất hoàn toàn. Ông Stackmann lo ngại rằng xã hội và nền kinh tế Đức có thể “không trụ nổi” nếu tình trạng đóng băng hoạt động kéo dài thêm.
Báo cáo mới nhất của Moody’s cảnh báo nguy cơ giảm điểm tín nhiệm đối với Fiat Chrysler do những khó khăn chung của toàn ngành. Tuy nhiên, Moody’s cho rằng nếu kế hoạch sáp nhập với PSA - hãng sở hữu thương hiệu Peugeot - diễn ra suôn sẻ, Fiat Chrysler có thể được nâng điểm tín nhiệm.
BMW, dù có điểm tín nhiệm đang ở hạng khuyến nghị đầu tư, nhưng triển vọng kinh doanh cũng đang bị mây đen phủ bóng. Cách đây ít hôm, BMW cảnh báo cả lợi nhuận và doanh thu sẽ giảm sâu trong 2020 do đại dịch. Hãng cho rằng tỷ suất lợi nhuận của hãng sẽ có năm giảm thứ ba liên tiếp, còn khoảng 2-4%, so với mức 6,8% của năm ngoái.