Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thống kê cho thấy ngành công nghiệp ô tô “suy giảm mạnh" trong cả sản xuất lẫn bán hàng vào năm 2018, và các dự báo cũng đưa ra tình trạng suy giảm tương tự trong năm nay. IMF xem ngành công nghiệp ô tô là một nhân tố chính gây giảm sản lượng công nghiệp. Tình hình kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế toàn cầu.
Mọi người từng nghĩ tình hình bán hàng èo uột trong ngành ô tô "sẽ không kéo dài như vậy". Tuy nhiên, theo khảo sát mới nhất của IMF công bố tháng này, lĩnh vực ô tô đã góp phần khiến GDP toàn cầu sụt giảm 20% trong năm 2018 và làm giảm 30% doanh thu thương mại toàn cầu. Sự sụt giảm xảy ra khi một số thị trường nhất định đã đạt đến mức bão hòa tối đa đối với ô tô, trong khi nguồn cung gặp nhiều thách thức và nhu cầu lại giảm xuống, càng khiến ngành công nghiệp ô tô gặp nhiều khó khăn.
Nguồn cung đối mặt nhiều thách thức
Cụ thể, các nhà sản xuất ô tô phải đối mặt các áp lực lớn lên lợi nhuận do các quy định và căng thẳng thương mại tấn công các doanh nghiệp cốt lõi của họ.
Luật chống ô nhiễm nghiêm ngặt hơn đang được triển khai trên toàn EU và Trung Quốc, buộc các công ty phải chi nhiều hơn cho công nghệ phát thải thấp hơn. Thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc cũng làm tăng chi phí các vật liệu chế tạo xe hơi quan trọng, ăn lẹm vào lợi nhuận của các nhà sản xuất.
Xu hướng xe tự hành và xe điện cũng đang cho thấy những chi phí đắt đỏ mà các công ty phải bỏ ra. Các công nghệ mới đòi hỏi chi phí nghiên cứu và phát triển tăng đáng kể, các dây chuyền sản xuất phải được đại tu để phù hợp với các bộ pin, cảm biến đường và máy móc phức tạp.
Các công ty ô tô và phụ tùng ô tô đã đưa ra một số dấu hiệu cảnh báo. Mới đây, Volkswagen hạ thấp triển vọng bán hàng. General Motors vừa kết thúc cuộc đình công kéo dài 5 tuần sau khi tìm cách đóng cửa các nhà máy, đầu tư vào các phương tiện tự trị và cắt giảm lực lượng lao động của mình.
Kết quả bán hàng trong tháng Chín vừa qua được đánh giá là “thảm họa” đối với các nhà sản xuất ô tô hàng đầu châu Á. Toyota và Honda đều chịu sự sụt giảm hai chữ số tồi tệ hơn cả mức các nhà phân tích dự đoán.
Mức độ nghiêm trọng của tình hình sụt giảm đang dấy lên những lo ngại về sự sụp đổ doanh số bán xe hơi được dự đoán từ lâu có thể đã đến. Hàng bán chậm lại khiến các đại lý ô tô phải vật lộn với việc thu hẹp tỷ suất lợi nhuận. Theo các nhà nghiên cứu của J.D. Power và LMC Automotive, các nhà sản xuất ô tô đã phải tăng mức khuyến mãi, hỗ trợ kỷ lục cho khách mua xe.
Nhu cầu chững lại
Mặc dù có các chương trình khuyến mãi, hỗ trợ kỷ lục, nhu cầu mua xe hơi đang chững lại trên toàn cầu. IMF cho biết các dịch vụ chia sẻ xe như Uber, Grab đang thay thế phương tiện cá nhân tại các khu vực đông dân cư. Theo Wall Street Journal, vấn đề bão hòa xe hơi cũng đang đặt ra thách thức với nhu cầu mua xe mới, vì tại các thị trường phát triển, thời điểm người dân đổ xô mua sắm xe đã qua.
Nhiều người tiêu dùng lại đang có trạng thái “chờ xem" khi nghĩ đến việc mua xe do làn sóng xe điện cùng những tiến bộ công nghệ trên xe hơi đang rầm rộ khắp thế giới.
Doanh số bán xe hơi tại các khu vực giàu có sụt giảm, doanh số các thị trường đang phát triển lại không nhận được nhanh nhẹn, bù đắp vào phần bão hòa của các thị trường phát triển như các nhà sản xuất ô tô hy vọng.
IMF cho biết thị trường xe hơi Trung Quốc đang chậm lại do các thành phố phát triển đã bão hòa và các chính sách ưu đãi thuế đã hết hạn. Doanh số bán xe trong nước giảm 12% trong năm qua.
Người tiêu dùng Ấn Độ thậm chí còn ít quan tâm đến xe hơi hơn, doanh số giảm 14% so với cùng kỳ.
Mua xe hơi có xu hướng tăng ở những thị trường này khi thu nhập tăng, nhưng tốc độ gia tăng không đúng như mong đợi.