Theo Bloomberg, nhà sản xuất xe hơi lớn thứ hai châu Âu PSA đang đặt ra mục tiêu sẽ có một “hạm đội” xe ô tô hoàn toàn chạy bằng điện vào năm 2025. Tuy nhiên, PSA vẫn cảnh báo xe điện và những sản phẩm xe hơi chạy bằng hydro đang đe dọa tương lai của ngành công nghiệp ô tô.
“Bởi vì, xe điện đang gây bất lợi cho doanh số bán hàng dài hạn của chúng tôi”, ông Helen Lees, người đứng đầu PSA Group, cho biết tại một hội nghị ở London hôm thứ ba (29/10).
Tất cả các model mới của PSA Group - nhà sản xuất ô tô Pháp sở hữu các thương hiệu Peugeot, Citroen và Vauxhall – đều có các phiên bản lai hoặc điện.
Đến năm 2020, 7% số xe mà PSA bán ra có thể là biến thể plug-in. Hãng dự đoán các phiên bản hybrid plug-in sẽ chiếm hơn một nửa thị trường châu Âu vào năm 2025.
Helen Lees nói rằng PSA Group cũng đã phát triển phiên bản xe chạy bằng hydro. Hiện các nhà sản xuất xe hơi vẫn đang thận trọng với dòng xe này vì người tiêu dùng còn chưa nhận thức nhiều về tính thực tế cạnh tranh của xe hydro, đặc biệt là giá cao.
“Như hầu hết các nhà sản xuất khác, tôi nghĩ không ai bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu về hydro, chúng tôi thấy nó khá phù hợp với các phương tiện thương mại”.
Trong khi đó, về mặt sản xuất và lực lượng lao động, xe điện cũng đang gây ra mối đe dọa lớn. Cuộc biểu tình, đình công khủng khiếp vừa qua của các công nhân General Motors cũng phần nào xuất phát từ xe điện.
General Motors đã đóng cửa một nhà máy ở Ohio (Mỹ) vào tháng 3, cắt giảm việc làm và loại bỏ nhiều mẫu xe sedan. Hãng cân đối kế hoạch, dự định ra mắt 20 mẫu xe mới chạy điện vào năm 2023, và một ngày nào đó sẽ ngừng hoàn toàn việc chế tạo động cơ chạy bằng xăng và diesel.
Trang Wired cho biết sự thay đổi đó khiến công nhân ô tô trên toàn thế giới lo ngại. Năm ngoái, một nghiên cứu của Viện Kỹ thuật Công nghiệp Fraunhofer IAO của Đức đã phát hiện ra rằng vào năm 2030, xu thế chuyển đổi sang xe chạy động cơ điện có thể khiến 75.000 người Đức mất việc, dù nó tạo ra 25.000 việc làm mới. Bởi vì, pin và động cơ điện đơn giản hơn nhiều so với những cỗ máy động cơ đốt trong và số linh kiện chỉ có vài trăm cái, thay vì vài nghìn. Cũng vì thế, chi phí bảo dưỡng xe EV rất thấp. Và đây lại tiếp tục là một vấn đề, do hiện nay nhiều đại lý sống phụ thuộc vào dịch vụ bảo dưỡng, bảo trì xe để kiếm lợi nhuận.
Năm 2017, Giám đốc điều hành của Ford, Jim Hackett, khi thảo luận về kế hoạch đầu tư lớn vào điện, đã nói với các nhà đầu tư rằng thời gian sản xuất những chiếc xe EV ít hơn 30% so với các phương tiện thông thường. Khi nhà cung cấp công nghiệp Continental tuyên bố chuyển hướng, không tập trung vào động cơ đốt trong nữa, họ cũng dự đoán sẽ cắt giảm việc làm. Giám đốc công đoàn ô tô của Huyndai, Ha Bu-young, nói rằng “những chiếc xe điện là thảm họa. Chúng là ác quỷ. Chúng tôi rất lo lắng”.
Trở lại với câu chuyện đình công của các công nhân GM, UAW nhận thấy việc chay tay động cơ đốt trong sẽ khiến 35.000 công nhân mất việc trong vài năm tới. “Hệ truyền động EV đơn giản so với động cơ đốt trong, vì thế cần ít nhân công hơn, và do đó, các công việc, liên quan đến sản xuất xe, cũng ít hơn”, Jennifer Kelly, giám đốc nghiên cứu của Liên minh UAW cho biết.
Tất nhiên, những chiếc xe điện không phải là xu hướng duy nhất, hay đầu tiên, gây ra thảm họa cho các công nhân ngành công nghiệp ô tô. Nhà phân tích Karl Brauer của Kelley Blue Book cho biết, ngành công nghiệp ô tô đã trở nên hiệu quả hơn và tiến bộ hơn trong quá trình chế tạo tất cả các loại xe hơi. Quá trình sản xuất ô tô đã đơn giản hơn, các nhà sản xuất ô tô cũng đã có thể chia sẻ, “dùng chung” nhiều kiểu dáng và mẫu mã. Brauer lưu ý việc chuyển từ bộ chế hòa khí sang kim phun nhiên liệu là một ví dụ về sự “đơn giản hơn và cần ít giờ làm việc hơn trên mỗi chiếc xe”. Xe EV chỉ là một bước nữa thôi, ông nói.