Các nhà máy ô tô sử dụng hàng chục ngàn lao động ở Đức và kim ngạch xuất khẩu ô tô đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế đất nước. Nhưng nhu cầu mua xe đang giảm và công nghiệp xe hơi đối mặt nhiều thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi sang công nghệ xanh hơn. Trao đổi với hãng tin CNBC, các chuyên gia nói rằng họ lo ngại cho tương lai của ô tô Đức.
“Các nhà sản xuất xe hơi đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Đức. Gần một triệu việc làm lương cao phụ thuộc vào lĩnh vực này”, nhà kinh tế học Felix Roesel, làm việc tại Viện Ifo danh tiếng của Đức, nói.
“Hàng ngàn việc làm, thu nhập và doanh thu thuế cùng với toàn bộ chuỗi cung ứng đang đứng trước rủi ro suy thoái kinh tế”, Roesel nói, cảnh báo ngành công nghiệp ô tô đang gặp nhiều thách thức lớn.
Trong khi đó, nhà phân tích ô tô Matthias Schmidt tại Berlin nói rằng “thị trường sẽ có một năm tăng trưởng chậm chạp - thậm chí đã đi xuống theo chu kỳ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Thị trường xe khách Đức đã chứng kiến mức sụt giảm hàng năm trong cả tháng 1 và tháng 2 lần lượt là 7,3 và 10,8%”.
“Trong những tháng tới, thị trường có thể đạt mức tăng trưởng hàng năm mạnh mẽ sau khi được chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ mua sắm và các đại lý mở cửa trở lại. Ngoài ra, người dân có thể sẽ mong muốn sở hữu xe riêng để đi lại sau dịch COVID-19, người tiêu dùng cũng sẽ muốn nắm cơ hội đang được ưu đãi mua sắm”, Matthias Schmidt nói.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô cũng có thể nhân cơ hội khủng hoảng để tiến hành cắt giảm việc làm do họ đang hướng tới hợp lý hóa sản xuất và tập trung vào kỷ nguyên xe điện.
Các biện pháp kích thích chỉ nhắm đến xe điện
Đại dịch COVID-19 ở châu Âu đã khiến tất cả các doanh nghiệp, ngoại trừ những doanh nghiệp thiết yếu, phải ngừng hoạt động trong phần lớn tháng 3 và tháng 4. Lệnh hạn chế dần được dỡ bỏ trong giữa tháng 5. Đối với ô tô, Đức cho phép các đại lý mở cửa lại vào cuối tháng 4 và những hãng ô tô lớn như Volkswagen đã khởi động lại sản xuất vào đầu tháng Năm.
Doanh số bán xe vốn đã giảm, sau đó lại bị bồi thêm đại dịch COVID-19, ngành công nghiệp xe hơi của Đức đang hy vọng viện trợ từ chính phủ. Tuần trước, gói viện trợ đã đến, khi chính phủ công bố gói kích cầu kinh tế 130 tỷ euro (147 tỷ USD).
Tuy nhiên, ngành công nghiệp xe hơi lại thất vọng với các biện pháp được công bố. Những biện pháp được đưa ra bao gồm tạm thời giảm thuế VAT (thuế giá trị gia tăng) đối với tất cả hàng hóa, bao gồm cả ô tô, từ 19% xuống 16% và gói ưu đãi 6.000 euro để mua ô tô điện có giá dưới 40.000 euro, các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp ô tô đã hy vọng sẽ có gói hỗ trợ “thưởng dập xe cũ”, nghĩa là đập bỏ xe cũ để mua xe mới. Bởi vì, dù ngành công nghiệp này đang thực sự chuyển đổi sang các mô hình xe điện, thì những mẫu xe chạy xăng và dầu diesel vẫn chiếm phần lớn sản xuất và đơn hàng.
Thua thiệt nhất từ gói hỗ trợ của chính phủ là ngành công nghiệp ô tô Đức và những khu vực có trụ sở, nhà máy sản xuất ô tô, bao gồm Bavaria, Baden-Wuerttgl và Lower Sachsen, nơi ba đại gia ô tô Đức BMW, Daimler và Volkswagen đều có nhà máy sản xuất.
Nhà máy của BMW ở Dunolfing, một thị trấn miền nam Bavaria, là nơi sản xuất số lượng ô tô lớn nhất Châu Âu và có lực lượng lao động khoảng 18.000 người cùng với 800 người học việc. Trong khi đó, nhà máy của VW tại Wolfsburg là tổ hợp sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới và bản thân thị trấn cũng phát triển nhờ nhà máy với khoảng 20.000 lao động.
BMW, VW và Daimler, tất cả đều là những người khổng lồ trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Đức, tất cả đang tiến vào sản xuất xe điện mặc dù các mô hình truyền thống vẫn chiếm phần lớn trong sản xuất. Các biện pháp kích thích của chính phủ Đức có sự “ưu ái” rõ ràng đối với xe điện.
Trong khi gói ưu đãi không có điều khoản hỗ trợ tiền mặt để mua xe mới, song xe điện lại được nhận gấp đôi ưu đãi. Điều đó cho thấy quan điểm của chính phủ về tương lai của ngành công nghiệp, hướng đến phương tiện không khí thải.
Ưu đãi mua xe điện tăng gấp đôi - hiện là 6000 euro - cho thấy Berlin đang đặt cược vào năng lượng pin, tin tưởng rằng những hãng ô tô lớn Volkswagen và BMW đã bắt đầu thay đổi đáng kể và sản xuất xe điện.
Nhu cầu về xe điện chắc chắn đang tăng lên. Dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA) hồi tháng 5 cho thấy, trong quý đầu tiên của năm 2020, phân khúc xe có thể sạc điện đã tăng đáng kể thị phần, tăng lên 6,8% từ 2,5% cùng kỳ năm ngoái, mặc dù xe chạy xăng vẫn chiếm hơn một nửa thị trường EU và xe diesel chiếm gần 30% thị trường.
Ngành công nghiệp xe hơi muốn được hỗ trợ gì?
Daimler là một người khổng lồ của ngành công nghiệp xe hơi Đức, và nhà máy lớn nhấtcủa Daimler đã hoạt động từ năm 1915 và tạo ra những mẫu xe Mercedes-Benz hàng đầu, như S-Class hay E-Class Saloon và Estate cùng nhiều mẫu xe khác. Nhà máy sử dụng khoảng 35.000 lao động.
Nhà máy cũng là một đầu mối đổi mới và thiết kế và trong tương lai, sẽ sản xuất xe điện và pin, nhưng hiện tại, Daimler cho biết họ đang tập trung khắc phục hậu quả kinh tế từ cuộc khủng hoảng coronavirus. Tác động kinh tế của dịch COVID-19 đối với Daimler vẫn chưa thể xác định đầy đủ
Khi được hỏi liệu chính phủ Đức có thể làm gì hơn để giúp đỡ các nhà sản xuất ô tô hay không, lãnh đạo Daimler đã nói: “Chúng tôi muốn có các biện pháp tạo niềm tin cho khách hàng và củng cố nhu cầu thị trường trong những thời điểm không chắc chắn này”.