Hãng siêu xe Lamborghini ngày 12/3 tuyên bố ngừng hoạt động sản xuất tại Italy trong thời gian gần 2 tuần để hãng mẹ Volkswagen triển khai các biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng của đại dịch. “Động thái này là một hành động thể hiện trách nhiệm xã hội của công ty, trong tình huống bất thường mà chúng tôi đang đối mặt”, Tổng giám đốc (CEO) Stefano Domenicali của Lamborghini nói trong một tuyên bố.
Trước đó, vào ngày 11/3, Fiat Chrysler tuyên bố sẽ tạm dừng hoạt động một số nhà máy ở Italy và giảm sản lượng xe trong bối cảnh quốc gia này trở thành ổ dịch Corona lớn nhất châu Âu và lớn thứ nhì thế giới.
Thủ tướng Giuseppe Conte của Italy ngày 12/3 ra lệnh đóng cửa tất cả các cửa hàng ở nước này, ngoại trừ các cửa hiệu thực phẩm và dược phẩm, cho tới ngày 25/3. Ông Conte cho phép các nhà máy có thể tiếp tục hoạt động, nhưng phải hết sức thận trọng.
Trước khi dịch lan rộng ở châu Âu và trở thành đại dịch toàn cầu, các nhà máy ô tô tại châu Âu đã phải ứng phó với sự gián đoạn nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc. Hiện tại, ngoài gián đoạn sản xuất, các hãng xe còn phải đối mặt với thực tế nhu cầu tiêu thụ ô tô sụt giảm khi các biện pháp kiểm dịch ngặt nghèo được áp dụng.
Trong một báo cáo công bố ngày 11/3, công ty nghiên cứu LMC cho rằng thế giới sẽ chỉ tiêu thụ 86,4 triệu ô tô mới trong năm nay, giảm 3,7 triệu xe, tương đương giảm gần 4%, so với lần dự báo trước. Đây sẽ là mức doanh số thấp nhất của thị trường ô tô toàn cầu kể từ năm 2013.
Đại dịch Corona ở cấp độ vừa phải có thể khiến dự báo nhu cầu ô tô giảm thêm 2-3 triệu xe nữa, LMC cho hay. Cũng theo báo cáo này, gián đoạn chuỗi cung ứng đã đẩy chi phí hậu cần đối với các hãng xe gia tăng và mọi chuyện sẽ còn xấu đi trước khi có thể tốt lên.
Hôm 10/3, hãng sản xuất lốp xe Pirelli của Italy cho biết sẽ cắt giảm sản lượng tại nhà máy ở Settimo Torinese thuộc miền Bắc Italy sau khi một công nhân làm việc tại đó dương tính với virus Corona.
Một số hãng ô tô như Jaguar Land Rover của Anh và Peugeot của Pháp cũng có nhân viên bị nhiễm virus, đặt ra rủi ro đối với ngành ô tô không chỉ ở chuỗi cung ứng và bên trong biên giới Italy.
Phát ngôn viên của Peugeot cho biết hãng đã thắt chặt các quy định an toàn tại nhà máy ở Mulhouse thuộc miền Đông nước Pháp sau khi một trong số hơn 5.000 công nhân của nhà máy cho kết quả dương tính với Covid-19. Người công nhân này đã nghỉ ốm từ hôm 29/2.
Về phần mình, Volkswagen hủy một ca sản xuất tại nhà máy gần Barcelona, Tây Ban Nha, do dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Hãng xe Đức dự kiến sẽ đưa nhân viên tại nhà máy này và một nhà máy khác ở vùng Navarra, Tây Ban Nha về nước trong trường hợp nguồn cung linh kiện bị gián đoạn nghiêm trọng hơn.
Skoda, công ty con của Volkswagen tại Czech, cho biết tình trạng khan hiếm nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới nhiều nhà máy của hãng.
Gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra, nhu cầu tiêu thụ ô tô toàn cầu giảm sút, và những khoản đầu tư tốn kém để đáp ứng các mục tiêu khí thải mới là những thách thức lớn nhất mà công nghiệp ô tô châu Âu đang đương đầu.
Tuần trước, một hiệp hội ngành cảnh báo rằng doanh số ô tô ở Italy, nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu, có thể giảm hơn 15% trong năm nay.
Seat, hãng con của Volkswagen tại Tây Ban Nha, có thể phải cho công nhân nghỉ việc tạm thời nếu phải giảm sản lượng xe do vấn đề chuỗi cung ứng. Một đợt nghỉ làm như vậy có thể kéo dài từ 2-5 tuần và ảnh hưởng đến khoảng 7.000 công nhân.
Hãng sản xuất phanh xe Brembo của Italy cảnh báo sản lượng của hãng tại nhà máy ở miền Bắc Italy có thể sụt giảm nếu Chính phủ triển triển khai các biện pháp ngặt nghèo hơn để ngăn chặn sự lây lan của virus.