Không gì khó chịu hơn khi bạn đang đi trên đường và nhận ra ô tô của bạn cần tiếp nhiên liệu gấp. Đó là tình huống không mấy dễ chịu song rất nhiều người gặp phải. Tất nhiên, để tránh rắc rối này, bạn sẽ đổ đầy nhiên liệu trước những chuyến đi xa, hoặc thường xuyên kiểm tra lượng nhiên liệu trong bình. Tuy nhiên, nhiều khi bạn sẽ phải tự hỏi: nên bơm xăng khi nào? Khi xe đã thật sự hết nhiên liệu hay khi vẫn còn lại một it bên trong?
Để trả lời được câu hỏi này, trước hết cần hiểu bình xăng trong ô tô hoạt động như thế nào. Theo Bill Evans, người đã có trên 30 năm kinh nghiệm với ô tô và hiện là quản lý hãng chăm sóc xe J & E Auto Body ở Mỹ, trong bình chứa nhiên liệu ô tô có máy bơm nhiên liệu. Bơm này chạy từ bình xăng đến động cơ, cung cấp nhiên liệu để xe vận hành. Khi máy bơm chạy, nó nóng lên - nhưng khi chìm trong xăng, nhiên liệu sẽ là chất làm mát để máy bơm không trở nên quá nóng. Vì vậy, nếu bạn chạy xe và lượng nhiên liệu trong bình chỉ còn khoảng ¼, máy bơm sẽ bị nóng và cuối cùng sẽ sớm hỏng. Hơn nữa, lái xe khi bình nhiên liệu còn lại quá ít hoặc cạn kiệt có thể gây ra hiện tượng ngưng tụ trong thành của bình xăng, làm loãng nhiên liệu và gây rỉ sét.
Bạn có thể thấy rằng dù còn ít xăng song vẫn lái xe được và bạn chần chừ tiếp nhiên liệu, có khi vì muốn tiết kiệm một ít tiền lúc đó. Nhưng ngoài khả năng gây thiệt hại lâu dài cho ô tô, lái xe với một bình xăng rỗng thực sự làm tổn hại đến số km mà chiếc xe có thể chạy.
"Nếu bạn đang lái xe khi xe đã hết xăng, máy bơm nhiên liệu sẽ cố hút mọi thứ ở dưới đáy bình”, Evans nói. Điều này bao gồm những thứ bẩn đọng dưới bình xăng, nó không chỉ có thể làm hỏng máy bơm nhiên liệu và động cơ xe, mà nó còn thực sự khiến nỗ lực tiết kiệm xăng của bạn trở nên tồi tệ hơn.
"Miễn là xăng vẫn còn ¼ bình, chiếc xe sẽ hoạt động ổn định, tối ưu nhất”, Evans nói. "Bộ lọc xăng không bị nóng. Động cơ không phải hoạt động quá mạnh. Điều đó giúp tiết kiệm xăng. Nếu xăng vẫn còn lại ¼ hoặc nhiều hơn, các bộ phận liên quan đến hệ thống nhiên liệu sẽ được bảo toàn tuổi thọ”.
Giờ đây, bạn đã biết nên tiếp nhiên liệu cho xe vào lúc nào rồi đấy!