Trong bối cảnh như vậy, nhiều startup xe điện Trung Quốc xem phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) là con đường để đảm bảo sự tồn tại.
Theo hãng tin Bloomberg, Hozon New Energy Automobile Co. đã trở thành startup xe điện mới nhất của Trung Quốc tiến hành các thủ tục IPO. Cách đây ít ngày, Hozon cho biết dự định niêm yết cổ phiếu trên sàn Thượng Hải sớm nhất vào năm 2021.
Một startup xe điện khác là WM Motor Technology Co. đang cân nhắc IPO tại Thượng Hải ngay trong năm nay, nguồn thạo tin tiết lộ. Li Auto thì đã nộp hồ sơ IPO lên sàn Nasdaq ở Mỹ trong tháng 7 này.
Các hãng xe điện ở Trung Quốc đều đang ra sức giành cho mình một chỗ đứng trong ngành công nghiệp vốn có thời gian được Bắc Kinh mạnh tay trợ cấp. Năm nay, dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và việc Chính phủ Trung Quốc giảm dần chương trình trợ giá xe điện, hàng loạt startup xe điện nước này rơi vào cảnh khốn đốn vì không xoay đâu ra vốn.
Ngoài ra, Tesla - hãng mạnh nhất trên thị trường xe điện Trung Quốc hiện nay, cùng với NIO - một trong những nhà sản xuất xe điện hàng đầu của nước này, tiếp tục thu hút khách mua xe, đặt ra sức ép cạnh tranh ngày càng lớn đối với các công ty nhỏ.
Tuy nhiên, sự ưa chuộng mà người tiêu dùng Trung Quốc dành cho Tesla và NIO được xem là dấu hiệu tiềm năng cho sức mạnh trong dài hạn của công nghiệp xe điện. Đồng thời, việc giá cổ phiếu của hai hãng này tăng mạnh cũng giúp tạo ra sức hút cho cổ phiếu xe điện nói chung.
“Giá cổ phiếu của Tesla và NIO tăng mạnh đang mở ra cửa sổ cho các startup xe điện mới tiến hành IPO”, ông Robert Cowell, một nhà phân tích thuộc công ty đầu tư cổ phần tư nhân 86Research ở Thượng Hải, phát biểu. “Các điều kiện hiện nay mang lại một cơ hội hấp dẫn để huy động vốn. Việc này có thể giúp một số startup nhỏ hơn duy trì được các khoản đầu tư cần thiết để có thể cạnh tranh”.
Năm nay, giá cổ phiếu của Tesla và NIO đều đã tăng gấp hơn 3 lần, cho dù thị trường ô tô điện Trung Quốc đang trên đà tụt dốc cùng thị trường xe nói chung. Người tiêu dùng thuộc tầng lớp thu nhập cao hơn bị thu hút bởi các mẫu xe cao cấp của hai hãng này, trong khi việc Bắc Kinh giảm trợ giá xe điện và tác động của Covid-19 gây tác động bất lợi đến nhu cầu của các mẫu xe giá rẻ hơn.
Số startup ô tô điện ở Trung Quốc phải lên tới con số hàng trăm, nhưng đang nổi lên chỉ một nhóm nhỏ những công ty có tiềm năng sống sót qua thử thách hiện nay. Từ đầu năm đến nay, chỉ có 11 startup xe điện Trung Quốc huy động được vốn, trong đó có WM Motor, Li Auto, và Hozon, theo dữ liệu của Automobility Ltd.
Nguồn thạo tin nói rằng WM Motor, startup có trụ sở ở Thượng Hải, dự kiến mức định giá công ty hơn 30 tỷ Nhân dân tệ (4,3 tỷ USD) trong đợt IPO đang được “lên dây cót”. Thành lập vào năm 2015, WM Motor được hậu thuẫn bởi hai “đại gia” công nghệ là Baidu và Tencent. Mới đây, hãng cho biết đã giao hàng chiếc SUV EX5 thứ 30.000.
Có trụ sở ở Triết Giang, Hozon có tiềm năng tăng trưởng tương lai dựa vào những mẫu xe điện giá mềm hướng tới thị trường nông thôn. Sản phẩm đầu tiên của Hozon là một chiếc SUV có giá chưa đến 10.000 USD. Tháng trước, Hozon bắt đầu giao hàng mẫu xe thứ hai. Tính tổng cộng, đến nay hãng đã giao hàng được hơn 16.000 xe.
Trong một tuyên bố, Hozon cho biết ý định huy động 3 tỷ Nhân dân tệ trong vòng gọi vốn đang diễn ra, trước khi tiến hành IPO. Đợt gọi vốn trước của Hozon diễn ra vào năm ngoái, với số vốn huy động tương tự.
Về phần mình, Li Auto có thể huy động được 1 tỷ USD trong vụ IPO tại Mỹ, theo nguồn thạo tin. Nhà sản xuất SUV điện cao cấp này đã giao hàng được 6.604 chiếc Li ONE trong quý 2 năm nay.
“Ngành công nghiệp xe điện đòi hỏi vốn đầu tư lớn vào phát triển và sản xuất sản phẩm”, ông Charley Xu, Giám đốc Boston Consulting Group ở Thượng Hải, phát biểu. “Vốn đầu tư huy động từ thị trường đại chúng sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành”.