Một nhóm các nhà lập pháp Mỹ đang nỗ lực kêu gọi chính phủ thúc đẩy viện trợ cho các hãng sản xuất ô tô. Đây đều là đại diện của những bang có ngành công nghiệp ô tô phát triển mạnh, thời gian qua chứng kiến nhiều công xưởng, nhà máy phải đóng cửa và doanh số bán xe giảm mạnh do COVID-19.
Theo Bloomberg, có 9 nhà lập pháp đã ký vào một bức thư kêu gọi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và Lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Kevin McCarthy xem xét các đề xuất mới, hỗ trợ lao động ngành ô tô sau COVID-19.
Mặc dù không đề xuất các hình thức viện trợ cụ thể cho các nhà sản xuất ô tô, nhà cung cấp phụ tùng hoặc đại lý, tuy nhiên, các nhà lập pháp khẳng định cần có giải pháp hỗ trợ trong một thời gian để đảm bảo ngành công nghiệp ô tô có thể phục hồi.
Các nhà lập pháp đang cố gắng kêu gọi những người khác tham gia nỗ lực này.
Doanh số bán ô tô tại Mỹ đã giảm 47% trong tháng 4 sau khi giảm 38% trong tháng 3 do các yêu cầu người dân phải “ở nhà” tại hầu hết các khu vực của Mỹ trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2, ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế Mỹ. Các nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng ô tô đã phải tạm ngừng hoạt động từ giữa tháng Ba.
Trong khi đó, tình trạng thiếu khẩu trang và các dung dịch vệ sinh cần thiết cũng khiến việc mở cửa lại nhà máy sản xuất ô tô gặp nhiều khó khăn. Bởi vì, theo các nghị sỹ, đảm bảo an toàn cho công nhân khi nhà máy quay trở lại vận hành là điều rất quan trọng.
Các cuộc thảo luận về nội dung viện trợ công nghiệp ô tô đã được tiến hành tại Mỹ ít nhất là từ tháng 4, trong đó có một chương trình khả thi nhằm kích thích doanh số bán xe mới, thúc đẩy sự phục hồi của ngành. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có đề xuất lập pháp nào được đưa ra.
“Ô tô là một loại hàng hóa giá trị cao, bền vững trong nhiều năm và sản xuất ô tô phụ thuộc vào hệ thống linh kiện đã được chuẩn bị từ trước. Tôi tin rằng ngành sản xuất ô tô cần một cú hích ngắn hạn để có thể vực dậy”, Tổng Giám đốc điều hành của Fiat Chrysler Mike Manley nói. Lãnh đạo Fiat cũng cho biết chương trình thưởng dập xe cũ thực sự đã có tác động mạnh mẽ kích cầu tại Mỹ trong năm 2019.
Randy Parker, phó chủ tịch bán hàng tại chi nhánh Hyundai Mỹ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng chương trình “thưởng dập xe cũ” (Cash-for-Clunkers) thực sự đã giúp thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô.
Thưởng dập xe cũ là một chương trình kích cầu ôtô của Chính phủ Mỹ. Theo chương trình này, những khách hàng mua xe chịu đem xe cũ của mình đi dập và mua xe mới có khả năng tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn sẽ được hưởng mức trợ giá 3.500 - 4.500 USD.
“Nếu chính phủ tiếp tục hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô với chương trình Cash-for-Clunkers một lần nữa, người tiêu dùng sẽ có thể hưởng lợi đáng kể ”, Randy Parker nói. “Điều đó sẽ càng thúc đẩy phục hồi, giúp ngành công nghiệp ô tô nhanh chóng lấy lại phong độ”.
Theo thông tin từ Wall Street Journal, các hãng sản xuất ô tô lớn nhất của Đức và Chính phủ nước này cũng đã khởi động cuộc thảo luận về một chương trình hỗ trợ nhà nước dành cho ngành công nghiệp đang khốn đốn vì đại dịch Covid-19.
Theo đó, chương trình “thưởng dập xe cũ” cũng được đưa ra. Chương trình này từng giữ vai trò quan trọng trong việc đưa ngành ô tô Đức vượt qua thời kỳ đen tối kéo dài từ 2007-2009.
Cùng lúc đương đầu với sự sụt giảm nhu cầu toàn cầu và chi phí tốn kém của cuộc dịch chuyển sang xe điện, ngành ô tô Đức gia tăng sức ép đòi Chính phủ hỗ trợ trong những tuần gần đây.
Tại Mỹ, một chương trình khuyến khích người tiêu dùng mua xe mới nhằm giúp vực dậy ngành công nghiệp ô tô cũng đã được đưa ra thảo luận hồi tháng Tư, nhưng vẫn chưa đạt được sự đồng thuận nào.
Trong khi đó ở Đức, người phát ngôn của bà Merkel cho biết cuộc thảo luận dự kiến sẽ kéo dài trong vì tuần, với trọng tâm là tìm biện pháp phù hợp để hỗ trợ các hãng ô tô. Berlin có thể sẽ triển khai một chương trình “thưởng dập xe cũ” tương tự như hồi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế cách đây hơn 1 thập kỷ.