Ngành công nghiệp xe hơi và các đại lý xe hơi phải đối phó như thế nào với khối lượng xe triệu hồi này? Tất nhiên, họ thông báo đến khách hàng, đại lý và tiến hành sửa chữa, thay thế cần thiết. Song có rất nhiều chiếc xe thuộc diện triệu hồi không được xử lý và … bán ra thị trường!
Mới đây, nhà bán lẻ xe hơi lớn nhất nước Mỹ đã bị phát hiện bán xe ô tô đã qua sử dụng nhưng chứa các lỗi khiến nhà sản xuất phải triệu hồi. Điều này gây bất bình và thực sự đặt người tiêu dùng vào thế nguy hiểm. Vấn đề là, hành vi này vẫn được xem là “hợp pháp”!
Theo hãng tin Vox, AutoNation, nhà bán lẻ xe hơi lớn nhất nước Mỹ, đã bán cho khách hàng những chiếc xe đã qua sử dụng, điều đáng nói là những chiếc xe này chứa các lỗi chưa được xử lý.
Quỹ Giáo dục PirG và Tổ chức Người tiêu dùng về An toàn xe hơi của Mỹ đã phát hiện ra 285 xe từng bị triệu hồi vì các lỗi an toàn chưa được xử lý, đồng thời xác định cứ 9 chiếc xe cũ do AutoNation bán ra, lại có 1 xe bị lỗi, từ hệ thống đánh lửa đến túi khí. Báo cáo đã khảo sát 2.429 xe tại 28 đại lý ở 12 tiểu bang nước Mỹ trong tháng 7 và 8/2019.
AutoNation là nhà bán lẻ xe hơi lớn nhất của Mỹ, hiện đang điều hành hơn 300 đại lý trên toàn quốc. Công ty vẫn chưa lên tiếng về vụ việc trên.
Hãng tin tức Vox của Mỹ chỉ rõ một chiếc xe thuộc diện triệu hồi là khi nhà sản xuất xác định xe chứa lỗi có thể ảnh hưởng đến việc vận hành, sử dụng. Thông thường, các nhà sản xuất sẽ thông báo cho các đại lý và chủ xe để họ biết và đưa xe đi sửa chữa, bảo hành. Những chiếc xe bị triệu hồi không được sửa chữa mà vẫn đưa vào lưu thông có thể gây nguy hiểm cho hàng trăm người.
Mặc dù thông tin về các vụ triệu hồi có thể tìm thấy trên trang web AutoNation, song công ty đã không làm đủ các biện pháp để thông báo cho khách hàng về những rủi ro tiềm ẩn khi mua xe.
Thực tế, ngành công nghiệp ô tô và các nhà bán lẻ như AutoNation phải vật lộn với các vụ triệu hồi trong nhiều năm. Năm 2014, General Motors đã triệu hồi khoảng 29 triệu xe trên toàn thế giới vì có vấn đề với ghế ngồi, túi khí, công tắc đánh lửa và các bộ phận bị lỗi khác.
Năm 2015, scandal túi khí Takata đã dẫn đến vụ triệu hồi lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử nước Mỹ, ảnh hưởng đến 19 nhà sản xuất ô tô và hàng triệu túi khí được lắp đặt trong các mẫu xe từ năm 2002 đến 2015. Lỗi liên quan đến hệ thống đánh lửa trên xe General Motors đã gây ra 124 trường hợp tử vong, túi khí Takata bị lỗi cũng khiến hơn 200 người bị thương và 24 người chết.
Mặc dù luật liên bang cấm các đại lý bán xe mới từng dính đến “án triệu hồi” mà chưa được sửa chữa, song lại không có luật nào cấm bán những chiếc xe cũ, xe đã qua sử dụng và dính án triệu hồi song chưa được sửa chữa. Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal và Thượng nghị sĩ Edward Markey đã đề nghị xem xét lại Luật sửa chữa an toàn xe hơi đã qua sử dụng vào tháng 6/2019 để “vá lỗ hổng an toàn” đó. Dự luật hiện đang được Ủy ban Thương mại, Khoa học và Giao thông vận tải xem xét. Các thượng nghị sĩ trước đây từng thúc đẩy điều luật tương tự vào năm 2015 nhưng bị các đại lý ô tô phản ứng và cuối cùng vẫn chưa thành luật. Tuy nhiên, điều luật về bảo vệ người tiêu dùng cũng có thể được áp dụng cho các đại lý.
Vào tháng 9/2015, Giám đốc điều hành của AutoNation, Mike Jackson, đã cam kết không bán những chiếc xe đã qua sử dụng thuộc diện triệu hồi và chưa được xử lý an toàn. Đến tháng 11/2016, lãnh đạo AutoNation tiếp tục “cam kết”, song có vẻ cam kết vẫn chỉ làm cam kết.
“Cách duy nhất AutoNation có thể cam kết là tiến hành sửa chữa mọi chiếc xe bị triệu hồi trước khi bán cho người dùng”, ông Adam Garber thuộc cơ quan giám sát người tiêu dùng của Quỹ Giáo dục PirG, cho biết.
Các nhà nghiên cứu cũng tuyên bố hầu hết các đại lý AutoNation đều liên kết với nhà sản xuất và không có lý do gì để đại lý không thực hiện sửa chữa tại chỗ. Người tiêu dùng không thể vừa mua xe xong lại dấy lên nỗi lo lắng đại lý đã cố tình bán cho họ một chiếc xe chứa lỗi gây chết người từng bị triệu hồi, nhưng chưa được sửa chữa.