Thông tin này được hãng tin Reuters cung cấp dựa trên nguồn tài liệu chính phủ mà hãng tin có được.
Cụ thể, Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) đã mở một cuộc phân tích kỹ thuật với khoảng 30 triệu xe ô tô được sản xuất từ năm 2001 đến 2019. Các nhà sản xuất ô tô liên quan đã được thông báo về cuộc điều tra này song chưa công khai đó là những hãng xe nào.
Tuy nhiên, theo tài liệu chính phủ mà Reuters có được, cuộc điều tra mới sẽ bao gồm các loại xe ô tô của Honda, Ford, Toyota, General Motors, Nissan, Subaru, Tesla, Ferrari NV, Mazda, Daimler AG, BMW, Chrysler (hiện là một phần của Stellantis NV), Porsche, Jaguar Land Rover (thuộc sở hữu của Tata Motors) và những hãng khác.
Các nhà sản xuất ô tô này từ chối bình luận về vụ việc trên. NHTSA cũng chưa lên tiếng.
Trong tài liệu, NHTSA cho biết 30 triệu xe ô tô này bao gồm cả những xe đã lắp đặt hệ thống bơm hơi túi khí từ khi sản xuất cũng như một số mẫu xe đã được sửa chữa, thay thế máy bơm hơi trong các đợt triệu hồi.
Trong thập kỷ qua, hơn 67 triệu máy bơm hơi túi khí Takata đã bị thu hồi ở Mỹ. Trên thế giới, có hơn 100 triệu xe ô tô lắp đặt túi khí Takata bị triệu hồi. Đây là đợt triệu hồi ô tô lớn nhất trong lịch sử để đảm bảo an toàn cho người lái. Trong một số trường hợp, máy bơm hơi túi khí lỗi có thể khiến các mảnh kim loại chết người bay ra, gây nguy hiểm cho người sử dụng ô tô.
Đã có ít nhất 28 trường hợp tử vong trên toàn thế giới, trong đó có 19 trường hợp ở Mỹ do máy bơm túi khí Takata bị lỗi và hơn 400 người bị thương.
30 triệu xe bị điều tra lần này có bộ phận bơm hơi với chất "hút ẩm" hoặc còn gọi là chất làm khô (drying agent). Theo tài liệu, NHTSA cho biết chưa có báo cáo nào về việc xe bị vỡ túi khí cùng với tác nhân làm khô túi khí.
Do chưa xác định rõ những rủi ro an toàn nên các nhà chức trách cần điều tra thêm để đánh giá mức độ an toàn lâu dài.
NHTSA cho biết, nguyên nhân các vụ nổ máy bơm khiến 67 triệu máy bơm bị triệu hồi là do thuốc phóng bị phá vỡ sau thời gian dài tiếp xúc với biến động nhiệt độ và độ ẩm cao. Cơ quan này đã yêu cầu tất cả túi khí Takata tương tự không có chất làm khô phải được thu hồi.
Tại Mỹ, đã có 16 ca tử vong trên xe ô tô Honda trang bị túi khí Takata, hai trường hợp xe Ford và một trường hợp xe BMW. Ngoài ra, xe ô tô Honda còn liên quan đến 9 trường hợp tử vong khác xảy ra ở Malaysia, Brazil và Mexico.
Hiện tại, NHTSA chưa công bố số lượng xe của mỗi nhà sản xuất bị đưa vào điều tra. Cơ quan an toàn cho biết cuộc điều tra "sẽ yêu cầu các nhà sản xuất cung cấp thông tin rộng rãi về quy trình sản xuất của Takata và khảo sát về máy bơm túi khí”.
Đầu năm nay, NHTSA cho biết trong số 67 triệu máy bơm hơi bị thu hồi, khoảng 50 triệu máy đã được sửa chữa.
Hệ thống bơm (inflator) trong túi khí dùng bơm khí nitơ vào túi khí khi được kích hoạt, vận tốc bơm kích hoạt là 322 km/giờ.
Hãng sản xuất túi khí Takata bắt đầu kinh doanh không phải túi khí mà là dây an toàn từ giữa những năm 80, đến 1990 mới sản xuất túi khí. Tuy nhiên sau nhiều đợt triệu hồi xe do túi khí của hãng này các nhà khoa học đã phát hiện ra Takata sử dụng hợp chất amoni nitrat dễ bay hơi rất nguy hiểm trong bơm túi khí, bộ phận quan trọng đẩy túi khí bung. Đây cũng là một hợp chất dẫn tới đợt triệu hồi ô tô lớn nhất lịch sử thế giới.
Túi khí ô tô là một đệm phao được thiết kế để bảo vệ những người ngồi trong xe khỏi các chấn thương nghiêm trọng trong trường hợp va chạm xảy ra. Túi khí ô tô là thiết bị duy nhất trên xe hơi chỉ được sử dụng một lần, khi bắt đầu hoạt động cũng là lúc nó sẽ tự làm hỏng chính mình. Va chạm dù là chính diện hay bên hông đều sẽ kích hoạt một loạt các cảm biến của xe bao gồm: cảm biến gia tốc, cảm biến va chạm, cảm biết áp suất sườn, cảm biến áp suất phanh, con quay hồi chuyển, cảm biến trên ghế.
Tất cả những cảm biến này đều kết nối tới bộ điều khiển túi khí ACU – bộ não đặc biệt của hệ thống cấu tạo túi khí ô tô. Khi nhận ra thời điểm triển khai hoạt động của túi khí là hợp lý, ACU bắt đầu kích hoạt việc bơm phồng các túi khí.
Được biết, ban đầu, Takata không sử dụng amoni nitrat để sản xuất bơm túi khí. Nhưng năm 1997, nhà máy của hãng ở Moses Lake (Washington, Mỹ) dính hàng loạt vụ nổ phá hủy thiết bị, ảnh hưởng năng suất. Takata buộc phải mua bơm túi khí từ các đối thủ để cung cấp cho hãng xe.