2019 của “tam đại gia” ôtô Mỹ: Sa thải, đóng cửa nhà máy, sáp nhập

Phương Vy

Năm 2019 là một năm đầy biến động của các hãng sản xuất ôtô Mỹ nói riêng và ngành công nghiệp ôtô toàn cầu nói chung, khi hàng nghìn công nhân bị sa thải và nhiều nhà máy bị đóng cửa trong bối cảnh doanh số suy giảm vi tăng trưởng kinh tế đi xuống.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Không một chuyên gia nào dự báo thị trường ôtô Mỹ rơi vào một đợt sụt giảm tương tự như hồi 2009, năm mà doanh số thị trường xe ở nước này giảm dưới 11 triệu xe. Tuy nhiên, doanh số ôtô ở Mỹ trong 2020 được dự báo giảm năm thứ hai liên tiếp, về dưới 17 triệu xe. Doanh số thị trường xe toàn cầu được cho là sẽ giảm khoảng 3,1 triệu xe trong 2019, mức giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây một thập niên.

Theo hãng tin CNBC, các hãng xe đã rút ra nhiều bài học từ khủng hoảng và suy thoái 2008-2009, những năm mà những hãng xe Mỹ như General Motors (GM) và Chrysler phải dựa vào sự cứu trợ của Chính phủ để thoát khỏi bờ vực sụp đổ. Từ những bài học này, các hãng đã chủ động tái cơ cấu trong năm nay để tránh rơi vào tình trạng tệ hại như cách đây 10 năm.

“Ngành công nghiệp ôtô Mỹ không có sự chuẩn bị tốt cho sự tụt dốc năm 2009. Các nhà điều hành đã rút ra nhiều bài học từ đó. Họ nhớ mọi chuyện như mới chỉ xảy ra ngày hôm qua. Họ không lặp lại sai lầm cũ”, nhà phân tích Michelle Krebs thuộc Cox Automotive nhận định.

Không giống như 1 thập kỷ trước, khi các hãng xe xoay sở mọi cách để tránh sụp đổ, các biện pháp tái cơ cấu mà họ thực thi trong 2019 chủ yếu nhằm đảm bảo nguồn lực cho những công nghệ đang nổi lên và được coi sẽ là công nghệ của tương lai như xe chạy điện và xe tự lái.

“Họ triển khai những nỗ lực này vào thời điểm khi nền kinh tế và thị trường ôtô vẫn ổn, nhưng bắt đầu đi xuống”, bà Krebs phát biểu. “Miếng bánh bắt đầu co lại, và họ bắt tay vào trang bị cho mình những thứ cần thiết cho một tương lai mới”.

GM và Ford

Năm nay, GM và Ford, hai trong số “tam đại gia” công nghiệp ôtô Mỹ, đã công bố kế hoạch cắt giảm hàng nghìn công việc và đóng cửa hơn một chục nhà máy trên phạm vi toàn cầu, trong đó có 4 nhà máy ở Mỹ.

“Chúng tôi đang thực hiện những bước đi chủ động để cải thiện mảng kinh doanh chủ chốt, tận dụng các cơ hội về công nghệ di chuyển tương lai, cải thiện khả năng tự vệ trước các đợt suy giảm của thị trường, và tạo ra giá trị cho cổ đông”, Tổng giám đốc (CEO) Mary Barra của GM phát biểu hồi tháng 11.

CEO Mary Barra của GM - Ảnh: Getty/CNBC.
CEO Mary Barra của GM - Ảnh: Getty/CNBC.

Trong bài phát biểu này, bà Barra công bố cắt giảm 14.000 công việc tại GM và đóng cửa 6 nhà máy trên toàn cầu, bao gồm 4 nhà máy tại Bắc Mỹ.

Ford cũng có hành động tương tự nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh duy trì “vững vàng qua tất cả mọi chu kỳ”, theo phát biểu của CEO Jim Hackett hồi tháng 5. Kể từ khi lên lãnh đạo Ford vào 2017, ông Hackett đã triển khai nhiều biện pháp cắt giảm chi phí - một phần trong kế hoạch tái cơ cấu 11 tỷ USD kéo dài cho tới đầu thập niên 2020, trong đó có cắt giảm mạnh số nhân viên của hãng.

Tháng 6 năm nay, Ford tuyên bố cắt giảm 12.000 công việc, chủ yếu là các vị trí làm việc theo giờ, tại các nhà máy của hãng ở châu Âu cho tới cuối 2020. Trước đó 1 tháng, hãng tuyên bố sa thải 7.000 vị trí trên toàn cầu, bao gồm 2.300 vị trí ở Mỹ.

CEO Jim Hackett của Ford - Ảnh: Bloomberg/CNBC.
CEO Jim Hackett của Ford - Ảnh: Bloomberg/CNBC.

Theo các kế hoạch được công bố năm nay, Ford sẽ đóng cửa một nhà máy sản xuất động cơ ở bang Michigan, và đóng cửa hoặc bán lại 6 trong số 24 nhà máy của hãng ở châu Âu.

“Giờ chúng tôi cảm thấy rất tinh gọn và đã chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ một cuộc suy thoái nào xảy đến”, Chủ tịch phụ trách thị trường Bắc Mỹ của Ford, ông Kumar Galhotra, phát biểu hồi tháng 8.

Fiat Chrysler

Để giải quyết vấn đề chi phí, Fiat Chrysler - nhân vật còn lại trong “tam đại gia” công nghiệp ôtô Mỹ - chọn một hướng đi khác. Sau nhiều năm bác bỏ ý tưởng sáp nhập, hãng xe Italy-Mỹ này cuối cùng đã nhất trí về chung một nhà với hãng xe Pháp PSA Group, chủ thương hiệu Peugeot.

Hai bên đã ký thỏa thuận sáp nhập vào tuần trước và kết quả sẽ là hãng sản xuất ôtô lớn thứ tư thế giới về doanh số. Thỏa thuận hợp nhất cổ phiếu theo tỷ lệ 50-50 giữa Fiat Chrysler với PSA hoàn tất tầm nhìn của cựu CEO hãng này, ông Sergio Marchionne, về tạo ra một hãng xe toàn cầu với nguồn lực đủ để cạnh tranh thành công trong ngành công nghiệp ôtô không ngừng thay đổi.

CEO Mike Manley của Fiat Chrysler và CEO Carlos Tavares của PSA.
CEO Mike Manley của Fiat Chrysler và CEO Carlos Tavares của PSA.

Ông Marchionne, người đột ngột qua đời vào tháng 7/2018, có một bài thuyết trình đặc biệt vào năm 2015 kêu gọi sự hợp nhất trong ngành công nghiệp ôtô toàn cầu. Ông tin rằng chỉ có một số hãng xe lớn nhất thế giới có thể tồn tại lâu dài và có đủ vốn để cạnh tranh trong bối cảnh ngành công nghiệp dịch chuyển về hướng xe chạy điện và xe tự lái.

CEO Mike Manley của Fiat Chrysler và CEO Carlos Tavares của PSA, hai người sẽ cùng lãnh đạo hãng xe mới sau sáp nhập, vào tuần trước nói rằng vụ sáp nhập diễn ra vào thời điểm đúng đắn, khi cả hai công ty đều đang có mức lãi tốt.

Vụ sáp nhập trị giá 50 tỷ USD giữa hai hãng xe được dự báo sẽ giúp tiết kiệm chi phí khoảng 4,1 tỷ USD mỗi năm mà không phải đóng cửa một nhà máy nào.

Dưới đây là các động thái tái cơ cấu của các hãng xe khác trong 2019:

- Tháng 11, hãng Daimler - chủ thương hiệu xe sang Mercedes-Benz, tuyên bố cắt giảm ít nhất 10.000 công việc trên toàn cầu trong 3 năm tới nhằm tiết kiệm hơn 1,5 tỷ USD chi phí.

- Cũng trong tháng 11, thương hiệu xe sang Audi của Volkswagen tuyên bố cắt giảm 9.500 công việc, tương đương 10,6% toàn lực lượng lao động của công ty, trong thời gian đến năm 2025, nhằm tiết kiệm hơn 6,6 tỷ USD chi phí.

- Vào tháng 7, hãng xe Nhật Bản Nissan công bố kế hoạch tái cơ cấu lớn nhất của hãng trong một thập niên. Hãng cho biết sẽ cắt giảm 12.500 công việc trên  toàn cầu trong thời gian đến tháng 3/2023, giảm công suất sản lượng, và giảm khoảng 10% số dòng sản phẩm.

- Tháng 5, nhân viên Volkswagen nhất trí một kế hoạch tái cơ cấu của hãng xe lớn nhất thế giới này, sau khi CEO Herbert Diess cam kết chi 1 tỷ Euro, tương đương 1,1 tỷ USD, để xây một nhà máy sản xuât spin xe điện gần trụ sở hãng.

- Vào tháng 2, hãng xe lớn thứ Ba của Nhật Bản là Honda công bố kế hoạch tái cơ cấu toàn cầu, bao gồm đóng cửa nhà máy và sa thải hàng nghìn nhân viên tại châu Âu.

Theo CNBC

Tin mới

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Giảm phí trước bạ: Cứu cánh cho thị trường ô tô trong nước đang ảm đạm?

Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, thị trường ô tô Việt Nam đã có dấu hiệu lao dốc và ảm đạm dù vừa vượt mốc thị trường nhỏ vào cuối năm 2022. Để kích cầu, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam liên tục tung ra những hình thức khuyến mại, ưu đãi lớn. Tuy nhiên, mọi cố gắng dường như chưa đủ sức để giúp doanh số bán hàng của thị trường tăng trưởng trở lại như kì vọng.
Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona 2023 lộ diện với thiết kế “lột xác”

Hyundai Kona đã ra mắt lần đầu tiên cách đây hơn nửa thập kỷ vào năm 2017 và được nâng cấp vào năm 2020. Trước khi năm 2022 sắp kết thúc, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc hiện đang mang đến cái nhìn đầu tiên về Kona thế hệ thứ hai, mẫu xe nhận được sự thay đổi triệt để.
Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Diễn biến trái chiều thị trường ô tô Việt dịp cuối năm

Cận Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, các hãng xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu tại Việt Nam đang “chạy đua” triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu. Mặc dù vậy, vẫn có những hãng xe đi ngược số đông vì nhiều lý do.