Trong quá trình rang, xay, chế biến cà phê hoặc các loại đậu, người nông dân thường chỉ đơn thuần cho vỏ hạt cà phê hoặc hạt đậu ra ngoài vườn, để chế biến thành mùn hoặc than – hoặc đơn giản là vứt bỏ chúng đi.
Tuy nhiên, McDonald và Ford đang có một cách tiếp cận khác.
Khi đun nóng và trộn với nhựa và các phụ gia khác, vỏ hạt cà phê có thể được ép vào các tấm, tạo thành nhiều vật dụng khác nhau. Cụ thể, Ford đang lên kế hoạch sử dụng vỏ cà phê để sản xuất các thành phần nội thất và linh kiện xe hơi. Với cách làm này, các bộ phận xe hơi sẽ nhẹ hơn 20% - vì thế cũng hiệu suất hơn trong tiết kiệm nhiên liệu - và giúp công ty tiết kiệm 25% năng lượng trong quá trình đúc, sản xuất các bộ phận.
Linh kiện ô tô đầu tiên được sản xuất bằng vỏ cà phê sẽ là vỏ đèn pha. Với sự trợ giúp của công nghệ Competitive Green Technologies, xử lý vỏ cà phê cho Ford, và nhà cung cấp Varroc Lighting Systems, sản phẩm vỏ đèn pha làm từ vỏ cà phê sẽ bắt đầu được sản xuất và cuối năm nay.
Theo Debbie Mielewski, lãnh đạo kỹ thuật cao cấp của nhóm nghiên cứu vật liệu bền vững và mới nổi của Ford, mỗi chiếc vỏ đèn pha sử dụng vỏ của khoảng 300.000 hạt cà phê. Chúng cũng bền hơn vì hỗn hợp vỏ này có thể chịu nhiệt tốt hơn.
Để hiện thực hóa kế hoạch, Ford sẽ hợp tác với McDonald, hãng có kế hoạch chuyển một phần lớn vỏ cà phê cho Ford. Trong năm 2018, hãng thức ăn nhanh khổng lồ đã phục vụ khoảng 822 triệu cốc cà phê nóng McCafe chỉ riêng ở Mỹ. Như vậy, đủ biết McDonald có nguồn vỏ cà phê lớn đến mức nào.
Cả hai công ty có kế hoạch tiếp tục khám phá những cách thức mới để cùng nhau nỗ lực phát triển bền vững - trong đó sử dụng nhiều phế liệu của McDonald.
Họ sẽ nghiên cứu và tận dụng rất nhiều loại vỏ hạt, như vỏ cà chua, vỏ các loại đậu, hạt. Thậm chí, các công ty đang nghiên cứu ứng dụng cả vỏ khoai tây trong sản xuất linh kiện ô tô.