Theo một tài liệu nội bộ của hãng xe Italy-Mỹ mà hãng tin Bloomberg thu thập được, hãng này đang triển khai một chương trình giảm giá bán xe mạnh chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2009 nhằm bán nhanh nhiều mẫu xe sản xuất năm 2019 thuộc các thương hiệu Dodge, Jeep và Ram.
Trong một cuộc họp vào tuần trước, nhân viên bán hàng của Fiat Chrysler được yêu cầu làm thêm giờ để thuyết phục mạng lưới 2.400 đại lý của hãng nhập thêm xe, theo đó giảm lượng xe tồn chưa có đại lý đăng ký nhập về 0 trước Giáng sinh.
Nỗ lực này diễn ra trong lúc Fiat Chrysler đang tiến hành thỏa thuận sáp nhập với hãng xe Pháp PSA Group - chủ sở hữu thương hiệu Peugeot. Tháng 12 này, lượng xe tồn của Fiat Chrysler đã lên tới 70.000 xe.
Hãng cho biết lượng xe tồn kho tăng cao là hệ quả của một hệ thống mà hãng sử dụng một năm qua. Hệ thống này được triển khai nhằm tinh gọn hoạt động sản xuất bằng cách sử dụng phân tích dữ liệu để dự báo nhu cầu của thị trường, dẫn tới việc nguồn cung xe có thể tăng, giảm tùy vào các phân tích.
Tuy nhiên, giới thạo tin nói rằng việc dùng hệ thống mới này đã gây căng thẳng trong nội bộ công ty, nhiều nhân viên tỏ ra bất mãn vì xe sản xuất ra không phù hợp với nhu cầu thị trường.
Mức độ giảm giá của Fiat Chrysler đợt này nhằm thuyết phục các đại lý nhập xe gửi đi một tín hiệu đáng lo ngại về thị trường quan trọng nhất của hãng - thị trường Bắc Mỹ. Việc giảm giá bán xe sẽ gây sức ép lên lợi nhuận, trong khi Fiat Chrysler gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Bắc Mỹ về lợi nhuận.
Tình thế mà hãng này đang đối mặt cũng cho thấy những thách thức mà các nhà sản xuất ô tô nói chung phải đương đầu khi áp dụng công nghệ mới để cải tiến quy trình sản xuất-kinh doanh đã duy trì lâu năm.
Trong một thế giới hoàn hảo, các hãng xe chỉ sản xuất lượng xe đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường, dựa trên đơn hàng từ các đại lý. Nếu sản xuất ra quá nhiều xe, các hãng xe phải giảm giá bán xe để đẩy hàng, hoặc sa thải công nhân và giảm sản lượng xe. Ngược lại, nếu xe sản xuất ra không đủ đáp ứng nhu cầu, các hãng sẽ tăng giá bán xe, hoặc tăng sản lượng.
Vấn đề nằm ở chỗ việc cắt giảm sản lượng đồng nghĩa với tỷ suất lợi nhuận thấp hơn đối với số vốn hàng tỷ USD đã đầu tư vào để sản xuất xe. Bởi thế, sẽ hiệu quả hơn về mặt chi phí nếu sản xuất thật nhiều xe và dùng các biện pháp khuyến mãi để đẩy hàng.
Vào tháng trước, 4 đại lý xe của Fiat-Chrysler tiết lộ với Bloomberg rằng họ bị hãng “chèo kéo” nhập thêm xe trong khi họ không muốn.
Về phần mình, Fiat Chrysler nói rằng lượng xe tồn kho tăng cao chỉ là ảnh hưởng phụ tạm thời của việc áp dụng hệ thống phân tích dự báo. Hãng lập luận rằng hệ thống này đã giúp công ty tiết kiệm được 445 triệu Euro kể từ khi đưa vào sử dụng đến quý 3 năm nay.
Việc áp dụng hệ thống phân tích dự báo để quyết định sản lượng khiến lượng xe tồn của Fiat Chrysler biến động mạnh. Trong quý 3, hãng có 60.000 chiếc xe tồn chưa được đại lý đăng ký mua, nhưng con số này sau đó đã giảm còn 5.000 xe.
Tiếp đó, lượng xe tồn lại tăng lên 60.000 xe vào tháng 11 và 70.000 xe vào tháng 12, theo tiết lộ của nguồn thạo tin. Tuần trước, lượng xe tồn giảm còn 25.800 xe, có thể nhờ chương trình khuyến mãi mạnh tay mà Fiat Chrysler dành cho các đại lý.
Trong tài liệu nội bộ tháng trước của Fiat Chrysler mà Bloomberg thu thập được, hãng xe này giao toàn quyền cho nhân viên bán hàng thương lượng giá xe bán cho đại lý, với mức chiết khấu lên tới 5%, cộng thêm chiết khấu riêng đối với một số mẫu xe nhất định.